leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Sáng, chị nhắn đứa em “chiều đón con giúp chị". Đứa em có 7 năm sống cùng chung cư, có con học chung lớp với con chị - nhưng đây là lần đầu được chị nhờ đón con. Nó lập tức đồng ý và để lại một tin nhắn thoại với giọng tíu tít: “Nay là kỷ niệm ngày cưới của anh chị à? Hay có đại sự gì thế?”.

Chị gửi lại một icon mỉm cười. Lúc đó, chị đang viết mail cho một đối tác quen, hỏi họ có thể thanh toán một khoản tiền cho công ty chị không. Chị nêu lý do là tháng này bên chị đang kẹt tiền nên nhờ họ hỗ trợ thanh toán sớm. Bên kia lập tức gọi điện nói “có". Họ sẽ tạm ứng khoản tiền chị cần, đồng thời còn cảm ơn chị bao lâu nay đã để họ thư thả trong từng giai đoạn thanh toán. 

Một ngày làm việc đã bắt đầu. Nhân viên nhắn tin tưng bừng trong các group chat công việc. Chị đang định vào từng nhóm chat để nhận và trao đổi thông tin, nhưng chị ngưng lại. Chị đã có một kế hoạch riêng vào sáng nay. Quay về với trình tự ban nãy, sau khi thương lượng việc thanh toán với đối tác, chị sẽ gọi điện cho chồng. Sắp tới nhà nội có giỗ.

Mọi năm, chị là người lo liệu mọi thứ và thường thì từ hôm nay chị đã tất tả với việc mời họ hàng, dọn dẹp nhà cửa, chỗ ngủ cho họ hàng ở xa về và cả chợ búa. Nhưng năm nay, chị đã viết ra một kế hoạch chi tiết và giao cho chồng phần lớn công việc phù hợp với anh. Có những phần việc thuận tay em dâu, chị cũng chia cho em. Mẹ chồng sẽ lo việc gọi điện mời khách…

Chị gọi cho chồng. Anh đang đi công tác cách nhà 2.000km. Chị trình bày kế hoạch đám giỗ và nói sẽ phân việc cho cả nhà. Anh vui vẻ tán dương vợ “thông minh", rằng cả nhà sẽ rất vui vì được tham gia tổ chức đám giỗ.

Có được sự hưởng ứng của chồng, chị mạnh dạn gọi điện trình bày ý tưởng với mẹ chồng, rồi với em dâu. Mọi người đều vui vẻ. Trọng trách lo đám giỗ trong chị đã vơi đi gần hết. Lúc này, kế toán gọi điện báo tin đối tác A đã thanh toán công nợ và mời chị lên công ty sớm để ký chi lương cho nhân viên.

Một buổi sáng sáng bừng, nhẹ nhõm. Chị thảnh thơi xuống pha ly cà phê và đứng bên cửa bếp tận hưởng sự nhẹ nhõm vừa dâng lên trong mình. Một buổi sáng như sáng nay là điều chưa từng có trong đời chị. Mới cách đó hơn 1 giờ, chị nghĩ mình sẽ rơi vào stress sớm nếu tình trạng lo âu cứ kéo dài: việc nhà bận bịu, mọi người đều tin tưởng và trông cậy vào chị, việc công ty thì rối do doanh thu sụt giảm, dòng tiền thì tắc nghẽn, công nợ khó đòi. 

Sáng đó, ngay sau khi đưa con đến trường, chị thấy mình đang ở đáy của sự lo âu, căng thẳng. Chị không biết mình sẽ đối diện với công việc ở công ty thế nào, mọi thứ đều đang “đứng hình" vì lô hàng xuất đi gặp trục trặc, nợ lương nhân viên, tài khoản cạn kiệt. Đúng vào chiều nay, chị lại có hẹn với một khách hàng mới. Chị cần tập trung để chuẩn bị cho cuộc hẹn, bởi đây là cơ hội quyết định tương lai của công ty chị. Vậy mà việc nhà thì đăng đăng đê đê khi bà nội bọn trẻ bị gãy chân phải nằm một chỗ suốt mấy tháng nay, chị phải qua lại chăm sóc. Đám giỗ sắp tới càng làm chị căng thẳng, khi không còn tâm trí nào để lo hết một khối lượng lớn công việc.

Bao nhiêu năm một mình gầy dựng và gánh vác công ty riêng, chị vẫn là “cường nhân" của gia đình. Chồng là trí thức, đam mê nghiên cứu chuyên môn, chị một mình gánh gia đình. Chị ngại nhờ vả, vì nghĩ đời ai cũng nặng rồi. Chị không giúp được ai thì thôi, tuyệt đối không nhờ vả ai, không than thở hay trút gánh nặng của mình lên ai, kể cả chồng.

Để rồi, trong chính cái buổi sáng “rớt đáy" đó, chị buộc phải thử. Chị thử… nhờ vả. Và mọi thứ sáng bừng. Việc đón con đã được cô em hàng xóm giúp. Dòng tiền tại công ty được “cứu bồ" tạm thời nhờ thanh toán của khách hàng thân quen. Chuyện gia đình được người thân san sẻ. Còn nhiều việc phải lo, nhưng gánh nặng đã vơi đi nhiều. Mọi thứ cũng sáng sủa hơn. Cơn “rối loạn lo âu" cũng tan biến vì chị như vừa được tiếp thêm ánh sáng và sức mạnh.

Đó là sức mạnh của sự mở lòng, sự cậy nhờ. Chị khẽ hát bài hát có ca từ mà chị vô cùng yêu thích, “sỏi đá cũng cần có nhau"... 

Theo phụ nữ TPHCM