Tác động của đại dịch COVID-19 sẽ thấy rõ nhất ở phụ nữ, những người mà ngay cả trước đại dịch thường bị căng thẳng hơn bởi hôn nhân, sự nghiệp và nghĩa vụ gia đình - Ảnh: ROTANA
Kết luận này vừa được các nhà khoa học công bố trên kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ.
Theo đó, các nhà khoa học của Đại học California Los Angeles (Mỹ) đã áp dụng kiến thức chuyên môn đa dạng về khoa học hành vi, kinh tế, sinh học tiến hóa, y học và khoa học thần kinh để xem xét 90 nghiên cứu về COVID-19 và đưa ra dự đoán về sự thay đổi hành vi xã hội và chuẩn mực giới tính hậu đại dịch.
Trái với tất cả các đại dịch trong quá khứ, sự phát triển của công nghệ tin học ở thời hiện đại cùng tính chất của dịch COVDI-19 góp một phần không nhỏ khiến mọi người ngày càng cách xa nhau, không thúc đẩy sự gia tăng lòng trắc ẩn hoặc sự đồng cảm.
Nhóm khoa học lưu ý rằng tác động của đại dịch sẽ thấy rõ nhất ở phụ nữ, những người mà ngay trước đại dịch thường bị căng thẳng hơn bởi hôn nhân, sự nghiệp và nghĩa vụ gia đình.
Tỉ lệ sinh con giảm
Đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế các quốc gia đi xuống, nhiều người mất việc làm, cuộc sống sinh hoạt cá nhân và gia đình có nhiều xáo trộn. Bên cạnh việc giảm mua sắm, thắt chặt chi tiêu và những lo lắng tài chính, thì an toàn sức khỏe bà mẹ trẻ em cũng sẽ khiến nhiều người xem xét lại kế hoạch mang thai trước đó.
Tình trạng này sẽ khiến dân số của một số quốc gia thu hẹp lại và có tác động lớn đến xã hội và kinh tế, ảnh hưởng đến những vấn đề khác như nguồn lao động trong tương lai và các vấn đề an sinh xã hội đối với người cao tuổi sau này.
Hầu hết chúng ta có xu hướng lý tưởng hóa đối tượng hẹn hò qua mạng xã hội - Ảnh: SHUTTERSTOCK
Phụ nữ chọn độc thân, tự giới tính hóa bản thân
Các nhà khoa học dự đoán rằng tỉ lệ phụ nữ lựa chọn sống độc thân sẽ tăng cao hơn trước đó rất nhiều. Thậm chí, phụ nữ sẽ tự giới tính hóa và không muốn gắn bó với đàn ông nữa.
Chuyên gia tâm lý học Martie Haselton thuộc Đại học California Los Angeles cho biết: "Tác động về mặt tâm lý, xã hội và hành vi của COVID-19 đối với thế giới sẽ rất lâu dài. Đại dịch càng kéo dài thì những thay đổi này càng có khả năng xảy ra".
Lý giải về dự đoán sẽ có nhiều phụ nữ lựa chọn sống độc thân hơn, nhóm khoa học cho rằng trong thời gian cách ly tại nhà, các cặp đôi sẽ hẹn hò qua mạng xã hội, qua video sẽ có thể cảm thấy thất vọng khi gặp nhau ở thế giới bên ngoài.
Việc thiếu các tín hiệu cảm xúc trong giao tiếp trực tiếp trong các mối quan hệ sẽ dẫn đến việc lý tưởng hóa quá mức các đối tác tiềm năng. Hiểu chính xác hơn thì hầu hết mọi người sẽ có cảm xúc rất thăng hoa và lý tưởng hóa mối quan hệ qua mạng xã hội, nhưng một khi kết thúc cách ly, gặp nhau người đời thực thì có thể "đời không như là mơ" nữa.
Cảm xúc hụt hẫng và việc bỏ lỡ các cơ hội gặp gỡ khác ngoài xã hội thực có thể khiến mọi người sống độc thân lâu và nhiều hơn.
Ngoài ra, quá trình cách ly xã hội kéo dài làm nảy sinh những bất ổn trong gia đình, sự phân công lao động trong gia đình không công bằng có thể khiến bất bình đẳng giới thêm gia tăng và thúc đẩy chủ nghĩa bảo thủ xã hội nhiều hơn.
Ví dụ, cách ly tại nhà, đóng cửa trường học đã tạo gánh nặng cho phụ nữ khi thêm nhiều trách nhiệm hơn, khiến họ không còn đủ sức khỏe, tâm trí và thời gian cho công việc riêng.
Phụ nữ dần sẽ thay đổi cách nhìn truyền thống về trách nhiệm "trụ cột" của đàn ông và vai trò "giữ lửa tổ ấm" của mình. Họ nhanh chóng tự giới tính hóa bản thân, thoát khỏi khuân mẫu trước đó và trở nên độc lập hơn, không còn phụ thuộc vào đàn ông như trước.
Hiểu theo một nghĩa khác, "đại dịch đã trở thành một cuộc thí nghiệm xã hội trên toàn thế giới. Hậu quả của nó có thể là sự giảm khả năng chịu đựng của phụ nữ trong nhiều vấn đề. Ví dụ như sự nhẫn nhịn, lòng chung thủy, áp lực sinh con, trách nhiệm chăm sóc con cái và nhiều điều khác", chuyên gia tâm lý học Martie Haselton nói.
Theo tuoitre