Giới chuyên gia nhận định tình trạng này có nguy cơ tạo nên một thảm họa môi trường ở khu vực, làm suy yếu những nỗ lực tái chế đã đạt được trong suốt thời gian dài.
Với ước tính khoảng 129 tỷ khẩu trang, sản xuất chủ yếu từ nhựa nhiệt dẻo polypropylene, và 65 tỷ găng tay được sử dụng trên toàn thế giới mỗi tháng, việc quản lý chất thải đang trở thành thách thức ngày càng lớn đối với nhiều quốc gia trong nỗ lực đối phó với những hệ quả của đại dịch Covid-19.
Nhựa không biến mất hoàn toàn, mà thay vào đó phân hủy thành những mảnh nhỏ vô hình được gọi là vi nhựa. Chúng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người khi xâm nhập chuỗi thức ăn.
Rất lâu trước khi đại dịch bùng phát, các nhà bảo tồn đã cảnh báo về những mối đe dọa đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người do ô nhiễm nhựa gây ra. Giờ đây, vấn đề càng trở nên khó khăn khi mọi người ưu tiên cho sức khỏe và an toàn của họ, nhưng không hiểu rằng các sản phẩm sử dụng một lần không mang lại sự bảo vệ tốt hơn so với những sản phẩm tái sử dụng khác.
Ví dụ các biện pháp hạn chế nhằm chống Covid-19 của chính phủ Philippines đã làm gia tăng lượng bao bì thải ra môi trường và gây thiệt hại đáng kể cho cả sinh kế của những người thu gom rác cũng như khả năng duy trì các sáng kiến tái chế địa phương, theo Von Hernandez, điều phối viên phong trào Toàn cầu Không sử dụng Nhựa.
"Việc phân loại rác thải để tối đa hóa quá trình thu hồi vật liệu tái chế đã không được khuyến khích do lo ngại rằng điều này có thể làm lây lan virus", Hernandez cho biết. "Các trường hợp lây nhiễm virus qua tiếp xúc bề mặt vẫn chưa được chứng minh, nhưng ngành công nghiệp nhựa đã nhanh chóng lợi dụng nỗi sợ hãi của công chúng để biện minh cho việc sử dụng ngày càng nhiều nhựa dùng một lần".
Hơn 115 bác sĩ, học giả và chuyên gia y tế từ khắp nơi trên thế giới hồi tháng 6 ký một tuyên bố của Tổ chức Hòa bình Xanh khẳng định không có bằng chứng cho thấy nhựa dùng một lần mới có thể bảo vệ người tiêu dùng khỏi lây nhiễm Covid-19.
Hàng loạt nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những vật dụng che mặt, mũi, miệng có thể tái sử dụng và giặt lại hoàn toàn hiệu quả trong chiến lược phòng chống virus và nhiều quốc gia đã áp dụng chúng.
Chính phủ Mỹ đã phân phối khẩu trang có thể giặt lại và tái sử dụng cho một số ngành thiết yếu. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) còn ban hành hướng dẫn về cách may khẩu trang từ các loại vải khác nhau. Chính phủ Australia cũng cung cấp hướng dẫn may khẩu trang vải cho người dân. Chính quyền đặc khu Hong Kong hồi tháng 5 phát miễn phí khẩu trang vải dùng nhiều lần cho mọi người dân muốn sử dụng.
Trong khi đó, những đề xuất nhằm loại bỏ dần các loại nhựa sử dụng một lần đã bị gạt đi ở Philippines. Cả thành phố Parañaque và thành phố Quezon ở vùng đô thị Manila hồi đầu năm đã cấm túi nylon, nhưng sau đó rút lại quyết định trên do lo ngại các vấn đề về hậu cần và an toàn.
"Hành động này nói lên nhiều điều về sự thiếu tầm nhìn xa và quyết tâm chính trị từ phía những người ra quyết định cũng như cho thấy thực tế là họ không thể đưa ra các quyết định mang tính khoa học, có bằng chứng", Hernandez nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc giá dầu chạm đáy cũng làm trầm trọng thêm vấn đề khi nó khiến nhựa nguyên sinh giá rẻ tràn ngập thị trường, Hernandez lưu ý. Điều này có thể dẫn đến tình trạng gia tăng chất thải tại những trung tâm thành phố, gây quá tải những bãi chôn lấp. Cuối cùng, chất thải lại rò rỉ vào các đường nước và trôi ra đại dương.
Sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines là hai nước đóng góp nhiều nhất vào ô nhiễm rác thải nhựa trên biển.
Covid-19 khiến nhu cầu đối với các thiết bị bảo hộ cá nhân sử dụng một lần (PPE) như khẩu trang, găng tay, áo choàng bệnh viện, tấm chắn mặt... tăng cao. Theo một báo cáo mới đây từ Ngân hàng Phát triển châu Á, thủ đô Manila của Philippines dự kiến là thành phố thải ra nhiều rác y tế nhất khu vực Đông Nam Á, với 280 tấn mỗi ngày.
Trong nỗ lực nhằm đối phó tình trạng này, Cơ quan Quản lý Môi trường Philippines đã ban hành một bản ghi nhớ cho phép xử lý chất thải Covid-19 bằng cách đốt, bỏ qua Đạo luật Không khí Sạch và Quy tắc Vệ sinh, cấm các công nghệ đốt rác thải ra khói độc.
Theo Hernandez, đốt rác thải là một giải pháp sai lầm. "Đốt những vật liệu như vậy sẽ biến chúng thành vấn đề ô nhiễm độc hại ghê gớm, khiến cộng đồng bị tổn hại nhiều hơn, khiến người dân trở nên nhạy cảm và dễ mắc bệnh hơn", Hernandez lập luận.
Jorge Emmanuel, chuyên gia về xử lý an toàn chất thải nguy hại, trợ giảng về khoa học và kỹ thuật môi trường tại Đại học Silliman, Philippines, cũng cho rằng biện pháp đốt chất thải y tế là quá nguy hiểm.
Quá trình trên giải phóng các hạt vật chất, bao gồm cả các hạt bụi mịn PM2.5 cực kỳ nguy hiểm vào bầu khí quyển. Điều này liên quan đến việc tăng tỷ lệ tử vong do Covid-19, theo một số nghiên cứu sức khỏe mới công bố.
Việc đốt rác thải cũng khiến con người phải tiếp xúc với các chất độc polychlorinated dioxin và furan, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là chất độc hại nhất mà khoa học biết đến. Chúng gây chết người ở nồng độ rất thấp và tồn tại trong môi trường hàng thế kỷ.
"Đốt rác không phải một lựa chọn khả dĩ với Philippines vì họ không đủ năng lực kỹ thuật để giám sát độc lập và liên tục lượng phát thải dioxin từ các lò đốt", Emmanuel nói. Ông thêm rằng Philippines còn thiếu các quy định về môi trường phù hợp và thiếu cả các bãi chôn lấp chất thải nguy hại.
Theo Emmanuel, tái sử dụng vẫn là phương pháp xử lý tiết kiệm và phù hợp hơn cả. "Trong hệ thống phân cấp quản lý chất thải, việc ngăn ngừa phát sinh chất thải được ưu tiên hơn việc xử lý và tiêu hủy", ông cho hay. "Cần nhớ rằng virus gây ra Covid-19 thuộc nhóm mầm bệnh dễ bị tiêu diệt nhất. Người ta có thể tiêu diệt virus hiệu quả khi ngâm vật liệu bị nhiễm trong thuốc tẩy 1% hoặc cồn etylic 70% 5 phút, hay ngâm 5 phút trong nước nóng 70 độ".
"Như chúng ta từng làm trong đại dịch Ebola, các tấm nhựa đã được khử khuẩn có thể được đem phơi dưới ánh nắng sau đó sử dụng lại. Ánh nắng chiếu trực tiếp có thể làm giảm khả năng lây nhiễm của virus tới 90% cứ sau 7 đến 13 phút. Phương pháp đơn giản này sử dụng nguyên liệu sẵn có và phù hợp với những nơi có thu nhập thấp như các nước đang phát triển. Nó có thể giảm thiểu đáng kể chất thải PPE", Emmanuel lưu ý.
Trong một kịch bản đáng mong chờ nhất, Emmanuel tin rằng Covid-19 có thể là cơ hội để các nước đang phát triển củng cố hệ thống chăm sóc y tế và xử lý rác thải, đầu tư vào những hệ thống xử lý lành mạnh với môi trường, đồng thời áp dụng các chính sách quản lý, giảm thiểu việc sử dụng nhựa vì cả sức khỏe cộng đồng lẫn môi trường.
"Sau khi đại dịch đi qua, thế giới vẫn cần đương đầu và giải quyết các cuộc khủng hoảng khí hậu và ô nhiễm nhựa. Chúng ta nên tìm kiếm các cơ hội nhằm tránh lặp lại những sai lầm đã đưa chúng ta vào khủng hoảng ngay từ những ngày đầu: Sự tàn phá môi trường", Hernandez nhấn mạnh.
Theo vnexpress