Quan niệm lựa chọn vợ chồng từ ngày xửa ngày xưa là vậy. Câu ca dao này đã khái quát một cách tài tình, rằng, vợ phải là người của chợ búa, buôn bán thật thà hay “mồm mép tép nhảy”, nói năng hòa nhã hay “hàng tôm hàng cá”; bên cạnh đó, người “đầu ấp tay gối” ắt cần biết việc bếp núc vì thế hằng ngày phải đi chợ, cứ nhìn xem các cô nàng tỏ thái độ trả giá, lựa chọn mua bán thế nào, ít nhiều cũng là lúc nhận ra tính cách của họ. Hơn nữa, chợ vẫn là nơi quý bà quý cô hay lui tới, do đó, ta có cơ hội quan sát, tìm kiếm theo ý mình.
Còn đàn ông thì sao?
Hèn nhất vẫn là hạng: Chồng người đi ngược đi xuôi/ Chồng em ngồi bếp cho người lấm tro. Cưới phải người ấy, thiệt là phí công phí của “Bõ công trang điểm má hồng răng đen”. Phải là người hách xì xằng Xuống đông tĩnh, lên đoài đoài tan mới đáng mặt đàn ông đàn ang.
Vậy, cách tìm không sợ “nhầm hàng” vẫn là “ở chốn ba quân” đấy thôi. Chốn ấy, đàn ông mạnh mẽ, quyết đoán, khỏe mạnh, mà sau này, vốn vóc tơ liễu yếu thì họ mới có thể ngã vào lòng mà thốt lên: Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân/ Tuyết sương che chở cho thân cát đằng (Truyện Kiều).
Nói cách khác, như ngôn ngữ thời nay, có như thế, làm được như thế thì người đàn ông ấy mới thật sự “men/chuẩn men”. Rất nam nhi chi chí. Rất “trượng phu”. Mà, tính cách ấy dù thời đại nào cũng khiến cho giai nhân mỹ nữ say như điếu đổ. Ấy là có thể do các cô nghĩ thế chăng? Chắc là thế. Dù gì đi nữa, dù có là “bà này/bà nọ” đi nữa thì bao giờ họ cũng cần có người đàn ông bên cạnh, dù không cần nhờ cậy về tài chính, quyền lực nhưng sống ở đời nếu có người chồng/người tình thì vẫn khiến họ yên tâm hơn.
Vậy, đàn ông nghĩ gì về tiêu chuẩn “men”?
Người khác thế nào, tôi không thể biết. Sở dĩ không biết còn do mỗi người mỗi quan niệm, mỗi suy nghĩ, không ai có thể áp đặt. Chỉ biết có lần, cô bạn tôi kể mẩu chuyện nhỏ, đại khái anh chàng người yêu của cô cuồn cuộn cơ bắp, trông “cực ngon”…
Vâng, khi yêu, người phụ nữ nào cũng vẽ ra trong mắt mình một hình ảnh hiên ngang, ngời ngời dũng cảm như chàng Từ Hải? Chà nếu có dịp nào đó, chàng ra tay ắt thiên hạ sẽ lác mắt ngợi khen và nàng sẽ sung sướng lẫn tự hào, phổng mũi.
Dịp ấy đã đến, vào một chiều đẹp nắng và tâm hồn phơi phới, chàng chở nàng phóng xe xuống phố và miệng huýt sáo yêu đời.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
“Kìa anh, có một vụ cướp giật. Lao vô cứu cô gái đó đi anh”, nàng thảng thốt kêu lên. Những tưởng chàng sẽ ra tay hiệp sĩ “Giữa đàng thấy chuyện bất bằng chẳng tha” như Lục Vân Tiên tả xung hữu đột cứu người yếu thế.
“Ủa? Sao vậy anh?”, nàng ngạc nhiên. Mặt chàng tỉnh bơ: “Kệ họ, dây vào chỉ thêm rách việc. Bộ em không thấy thằng kia đang cầm dao nhọn hoắt à?”. Nói xong, chàng tăng tốc quay đầu xe rẽ vào lối khác.
Trưa ấy, dù ngồi ăn trên hồ bán nguyệt, sen mùa hạ thơm ngát, gió trời lồng lộng nhưng tâm hồn nàng đã tổn thương ít nhiều. Nàng buông đũa, nghĩ thầm: “Con người khỏe mạnh như Hercules mà mình ngưỡng mộ lại ích kỷ đến chết nhát vậy sao!”.
Qua chuyện này, tôi hiểu “men” không phải là hình thức bề ngoài. Phải ẩn chứa một tính cách gì đó ở bên trong. Lại nữa, có người cho rằng, đàn ông “men” phải là người giàu có, tiền bạc rủng rỉnh, một khi vợ/người yêu “cần” là họ đáp ứng đầy đủ. Liệu chừng suy nghĩ đó nghe có lọt lỗ tai không?
Tôi không biết, chỉ biết hiện nay có không ít người phụ nữ lại quan niệm rằng, “men” không có nghĩa đang sở hữu một khối tài sản đồ sộ, vì đó chưa phải mục tiêu họ chọn để “nâng khăn sửa túi” kết “model” ăn đời ở kiếp.
Ơ hay, chẳng lẽ họ cần đến những anh chàng “khố rách áo ôm”? Ừ, cứ cho người đó hiện tại không nhiều xu, không rủng rỉnh tiền bạc nhưng họ sẽ chọn nếu anh ta/chàng ta luôn là người có khát vọng, có ý thức và phấn đấu trở thành người giàu có. Nói nôm na, “men” phải là người dám thay đổi chính mình.
Đành rằng, người phụ nữ nào cũng thích cưới một người giàu sụ do thừa kế, nhưng chắc chắn họ sẽ hài lòng ưng ý hơn nếu người chồng của mình dù hiện tại tiền không nhiều nhưng có khả năng làm ra tiền. Tôi tán thành suy nghĩ này. Ấy mới thật sự là “men”, là bản lĩnh của người đàn ông.
Bạn có đồng ý như thế không?
Theo phunuonline