Những người ủng hộ phong trào "đình công" này cho rằng luật cấm cưỡng hiếp trong hôn nhân có thể khiến nhiều nam giới bị kết tội sai, trở thành công cụ để người vợ "đòi tiền cấp dưỡng" trong các vụ ly hôn.

"Nếu một người bị buộc tội hiếp dâm vợ của mình, anh ta chẳng có cách nào để tự bào chữa cả", Anil Kumar, người tạo ra trào lưu phản đối mạnh mẽ trên witter với hashtag #marriagestrike và sáng lập tổ chức bảo vệ quyền nam giới Save Indian Family Foundation, nói với VICE.

 
dan ong an do tay chay hon nhan anh 1

Các tổ chức vì quyền nam giới như Purush Aayog cho rằng điều luật này "không cần thiết" vì mọi hành vi tình dục trong hôn nhân vốn có sự đồng thuận từ cả vợ và chồng. Ảnh:Purush Aayog.

Thực tế, điều luật đang được xem xét trên không đánh đồng các cáo buộc với việc kết án chính thức.

Nhiều dân mạng đã chế nhạo hashtag #marriagestrike và những lời đe dọa "không kết hôn" từ một vài người đàn ông Ấn Độ.

"Tẩy chay hôn nhân ư? Đó là một lời đe dọa hay hứa hẹn?", một dân mạng chia sẻ trên Twitter.

Một người dùng khác cho biết: "Ủng hộ xu hướng #marriagestrike. Đừng dừng trào lưu này lại. Nhờ các bạn, tôi có thêm cái cớ khác để thuyết phục cha mẹ hoãn việc kết hôn".

Ấn Độ là một trong 36 quốc gia không hình sự hóa tội cưỡng hiếp trong hôn nhân. Bộ luật Hình sự Ấn Độ quy định tất cả hành vi quan hệ tình dục giữa vợ chồng đều dựa trên sự đồng thuận, với điều kiện người vợ không dưới 15 tuổi.

Chính quyền Delhi cho rằng điều luật trên không cần thiết vì hành vi này được bao hàm trong những hành động tàn ác với phụ nữ bị gây ra bởi chồng.

 
dan ong an do tay chay hon nhan anh 2

Nạn cưỡng hiếp trong hôn nhân đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội Ấn Độ. Ảnh:Independent.

Một cuộc khảo sát sức khỏe gia đình toàn quốc được thực hiện vào năm 2015 cho thấy trung bình phụ nữ nước này có nguy cơ đối mặt với bạo lực tình dục từ chồng cao gấp 17 lần so với những đối tượng khác.

Song, quan điểm nam quyền vẫn chiếm thượng phong trong xã hội, ăn sâu vào bộ máy chính trị.

"Cần đảm bảo rằng vấn nạn này không tiếp tục lan rộng, gây mất ổn định thể chế hôn nhân, đồng thời không trở thành công cụ để tác động tiêu cực tới nam giới", chính quyền Delhi tuyên bố trong một phiên tòa biện hộ.

Các nhóm bảo vệ quyền lợi cho đàn ông như Purush Aayog đang lên tiếng phản đối, cho rằng điều luật này "không có chỗ trong hôn nhân".

"Tôi thực sự nghĩ sự đồng thuận trong việc quan hệ tình dục đã ăn sâu vào hôn nhân. Nếu người chồng bị trừng phạt theo điều luật trên, ai dám kết hôn?", Barkha Trehan, người phụ nữ điều hành Purush Aayog, trả lời.

Bà cho biết mình nhận được 15-20 cuộc điện thoại từ nhiều nam giới ở những độ tuổi khác nhau, thể hiện thái độ bất bình.

"Họ băn khoăn liệu mình có đánh mất sự nghiệp, phẩm giá, trở thành tội phạm chỉ vì lấy vợ hay không", bà Trehan nói thêm.

Theo nhà báo Rituparna Chatterjee, người chuyên viết về chính trị giới, phong trào #marriagestrike nhằm chiếm đoạt các biện pháp bảo vệ cần thiết cho những người đã kết hôn sống sót sau bạo lực tình dục.

"Quan hệ tình dục dưới bất kỳ hình thức nào đều cần sự đồng thuận từ cả 2 bên. Cố gắng tước bỏ quyền được bảo vệ của phụ nữ dựa trên nỗi sợ họ có thể 'làm giả việc bị cưỡng hiếp' là dấu hiệu lạm dụng của đàn ông trên cơ thể nữ giới", Chatterjee nói.

"Thay vì cố gắng ngăn chặn điều luật bằng những hashtag tẩy chay lố bịch, hãy đặt câu hỏi rằng biện pháp nào sẽ được xây dựng trong luật để đảm bảo tính công bằng", nhà báo nói thêm.

Theo Zing