Công an Quảng Nam lấy lời khai của chị Arất Thị B. khi chị này được về Việt Nam sau gần 8 năm bị lừa bán sang Trung Quốc - NAM THỊNH
Công an tỉnh Quảng Nam vừa giải cứu, đưa chị Arất Thị B. (23 tuổi, ở thôn Tu Ngung – Abung, xã Arooi, H.Đông Giang, Quảng Nam) về đoàn tụ với gia đình sau gần 8 năm bị một đối tượng lạ lừa bán sang Trung Quốc làm vợ hai người đàn ông.
Bị bỏ đói, đau đớn vì đòn roi
Những ngày qua, thông tin về Arất Thị B. trở về nhà sau nhiều năm mất tích đã khiến người trong làng xôn xao. Ai cũng bảo, B. may mắn sau khi nghe câu chuyện của cô ở xứ người, với những tháng ngày bị bỏ đói, đòn roi hành hạ. Dù tinh thần đã dần ổn định, nhưng nỗi ám ảnh quá khứ vẫn khiến B. rùng mình, đau đớn.
Căn nhà trên đỉnh đồi bỗng trở thành nơi nhộn nhịp vì người làng tìm đến thăm hỏi, động viên, mừng B. đoàn viên với gia đình.
Ngồi thu mình lại một góc, chị Arất Thị B., nhớ lại tháng 4.2012, thông qua mạng xã hội, chị quen biết với một người đàn ông tên Tuấn (không rõ lai lịch). Quá trình tâm sự, nhắn tin qua lại, Tuấn biết gia đình B. khó khăn, bản thân chị cũng muốn tìm việc làm kiếm tiền phụ giúp ba mẹ.
Lợi dụng điều này, Tuấn rủ rê, hứa hẹn chị B. đi làm việc với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng. Ở huyện miền núi xa xôi, gia đình lại thuộc hộ nghèo của xã nên khi nghe Tuấn nói như vậy, chị B. liền gật đầu đồng ý dù không biết công việc cụ thể ra sao.
Như đã hẹn, B. được người đàn ông lạ mặt đưa xuống TP.Đà Nẵng, rồi lên xe khách ra thẳng khu vực cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Đến tối, Tuấn dùng xe máy chở chị đi băng rừng đưa đến một gia đình ở Trung Quốc. Lúc này, B. mới biết mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc nên chỉ biết ngồi khóc.
“Không lâu sau đó, tôi bị ép gả cho một người đàn ông lớn tuổi người Trung Quốc bị thiểu năng, sống ở vùng nông thôn. Họ nói đã mua mình từ một nhóm khác”, B. trải lòng.
Được về nhà sau gần 8 năm bị lừa bán qua Trung Quốc với chị B. là niềm hạnh phúc vô bờ - NAM THỊNH
Theo B., thời gian đầu mới qua, đêm nào cũng khóc vì nhớ nhà, nhớ ba mẹ. Mặc khác, lại không biết nói tiếng Trung nên cả ngày không trò chuyện với ai. Nhà chồng của chị làm nông, 7 người phải sống trong một căn nhà chật chội. Mỗi ngày, sáng sớm chị phải đi làm đồng, nếu hôm nào không đi sẽ bị ba mẹ “chồng” la mắng, chửi bới.
Thời gian sau, B. mang thai và sinh 2 đứa con với người chồng này. B. bị gia đình chồng bắt phải làm việc cật lực, từ lo công việc nhà, làm ruộng, cho đến chăm sóc chồng. Chưa kể lúc say xỉn, cáu giận việc gì hay những lúc lên cơn động kinh thì chồng chị lại đánh đập vợ không thương tiếc.
'Được khóc trên vai người thân nó sướng lắm!'
Ngồi trầm ngâm một lúc, chị B. tiếp tục câu chuyện đẫm nước mắt. Chị nói, ở với nhà chồng được hơn 3 năm thì mới biết được đôi từ tiếng Trung. Gia đình chồng không cho dùng điện thoại. Mãi đến năm 2017, họ mới mua cho chị một cái điện thoại để xài.
Đến năm 2018, tiếng Trung của B. đã giỏi hơn. Cùng với đó, không chịu nổi những trận đòn roi, B. lén trốn khỏi gia đình, sống lưu lạc bên ngoài, khi trong người không một đồng xu dính túi. Lúc này, chị được một người đàn ông Trung Quốc khác hỏi thăm, giúp đỡ và cho ăn uống. Những tưởng cuộc đời từ đây sẽ thay đổi theo một ngã rẽ khác, nào ngờ, khi đã về làm vợ, B. lại bị người chồng sau liên tục bạo hành.
Không cam chịu tủi nhục nơi xứ người, chị B. tìm cách liên lạc về gia đình ở Việt Nam. Đầu tháng 1.2019, nhờ sử dụng mạng xã hội, chị B. liên hệ được với người thân ở H.Đông Giang nhờ giúp đỡ. Người thân của chị B. sau đó trình báo Công an huyện Đông Giang và Công an tỉnh Quảng Nam.
Được sự chỉ dẫn của lực lượng công an, chị B. sau đó đã chạy trốn tìm đến công an phía Trung Quốc cầu cứu. Sau khi trình báo, phía công an ở Trung Quốc đã xuống làm việc với gia đình nhà chồng thứ 2. Khi hoàn tất các thủ tục, họ đưa chị ra cửa khẩu ở tỉnh Quảng Ninh rồi về Việt Nam.
"Hồi nghe tin sắp được về nhà, mình không thể nào ngủ được, cứ trằn trọc suốt nhiều đêm liền. Chừ có cho tiền tỷ, mình cũng không dám nghĩ sẽ đến Trung Quốc một lần nào nữa. Với mình, bây giờ chỉ mong được mãi ở bên người thân, dù khó khăn đến mấy cũng sẽ phấn đấu làm ăn, như một cách để làm lại cuộc đời”, B. tâm sự.
Theo B., những ngày đầu về nhà sau gần 8 năm bị lừa bán sang Trung Quốc, gặp lại ba mẹ, chị đã khóc rất nhiều. “Về nhà tôi khóc vì vui sướng, vì hạnh phúc chứ không phải khóc vì tủi nhục như lúc ở xứ người! Được khóc ở quê hương, khóc trên vai người thân nó sướng lắm!”, chị nức nở.
Theo thanhnien