Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Mỗi bữa, tôi đều nói cho con nghe công dụng của các loại rau củ quả. Dần dà, các con biết “đặt” mẹ nấu món này món kia.

Ngày còn bé, hồi học lớp Một, lớp Hai, lúc mới biết đọc, mỗi khi lên trạm xá của xã, tôi đều lân la ra vườn thuốc nam để đọc tên các cây thuốc. 

Hình ảnh của chú Khôi, bác Túy đi hái lá thuốc, phơi thuốc nam đã in đậm trong tâm trí tôi. Những năm tháng được má nuôi lớn bằng rau trái quanh nhà, thêm cách trị bệnh bằng thuốc nam (theo cách gọi của má) đã giúp tôi nhớ và vận dụng vào cuộc sống riêng của mình.

Có má dạy bảo, tôi biết và nhớ nhiều loại rau, và biết thêm nhiều trái cây rừng nhờ ba.

Nhà có mấy em nhỏ lâu lâu bệnh vặt như cảm, ho, sốt, sổ mũi… má liền sai tôi đi hái lá trong vườn hay xin bên lối xóm. Nào là đi hái cho má ít cỏ mực để rơ lưỡi cho em, hái ít lá mơ phía sau hàng rào để má chưng với trứng gà trị kiết lỵ, xin bông đu đủ đực để trị ho cho Sơn, Tí…

Ngày đó, hễ đau bụng là tôi biết ra vườn hái mấy đọt ổi non, rửa sạch, thêm hột muối, nhai chút là bớt đau.

Lớn hơn một chút, lên lớp Tám, tôi để dành tiền để mua cuốn sách Chữa bệnh bằng cây thuốc vườn nhà và bắt đầu tha thẩn quanh vườn, quanh xóm để nhận biết cây thuốc. Tôi biết lá cỏ hôi, ngũ sắc để cầm máu khi đứt tay, chảy máu cam…

Chút hành trang cuộc sống được tích lũy từ đó, tới khi có con tôi lưu tâm nhiều hơn trong việc dùng rau, củ quả khi nuôi dưỡng con.

Ngày còn trong bụng mẹ, con đã “nghe” mùi thơm của lá đinh lăng dồn trong gối để ngủ ngon hơn. Tới khi lớn hơn, có dịp thấy lá đinh lăng khô, con đã nhận ra mùi hương rất quen.

Các con ít ăn rau nên tôi tập cho con ăn theo cách khác. Lá đinh lăng tươi non, được mẹ xắt nhuyễn trộn với chả cá thác lác, trứng gà hoặc nấu như canh rau, canh riêu giúp dễ tiêu.

Mỗi bữa ăn, tôi đều nói cho con nghe công dụng của các loại rau củ quả. Dần dà, các con cũng quen và thi thoảng còn biết “đặt” mẹ nấu canh rau bồ ngót khi thấy miệng đau. Mỗi khi bị viêm họng, ho là chúng đòi uống me đất chưng đường phèn.

Hè về, nhắc ăn món gì cho mát làm tôi nhớ tới canh rau tập tàng. Món đặc trưng, mỗi nơi mỗi khác và mỗi nhà nấu mỗi khác nhưng tựu trung là món không thể thiếu trong mỗi bữa cơm Việt. Trong vườn nhà, hay mua ở chợ quê, chợ thôn, xã, huyện thị trấn hay thành phố đều có loại rau này.

Nhắc rau tập tàng mới thấy sự đa dạng, phong phú của cây rau xứ mình. Từ dền cơm, dền gai, rau đay, rau sam, lạc tiên, mồng tơi, bình bát, mã đề… cả chục loại rau ăn lá, có loại nào nấu loại đó chứ không cứ gì phải đủ năm bảy loại rau với nhau. Chỉ cần mấy con tôm khô, nhúm tép riu, con ruốc, hến, thịt bằm, bắp tươi bào, mướp… hay rong biển, nấm (cho người ăn chay) đều ngọt mát và cho nồi canh ngon. 

Rau nào cũng có vị thuốc: mã đề giúp lợi tiểu, giải nhiệt, mồng tơi (vị chua, tính hàn chữa táo bón, đi tiểu gắt), bồ ngót (ngọt bùi, tính mát, giải độc…). Bữa ăn ngày nóng, nắng có thêm chè đậu xanh nấu đường tán sẽ càng ngon. Món chè này còn là kỷ niệm đẹp và là món đỡ cơn thèm ăn ngọt của chị em tôi ở tuổi đang lớn.

Giờ thi thoảng, nhà mình cũng nấu với nhúm đậu xanh, thêm chút nha đam (có vị hơi đắng nhẫn) vậy là có chè ăn vừa mát gan, lại thanh nhiệt. Đậu xanh tốt cho mắt, giải nhiệt nên món canh bí, cháo bí đỏ đều được thêm vào để đủ chất.

Mùa này có bơ, một loại trái cây thật bổ dưỡng, dễ ăn. Nhà nào chịu khó nấu thêm ít hột sen tán và dầm với trái bơ, ai ăn cũng tốt, làm món ăn xế, ăn giữa buổi rất hợp.

Không chỉ bơ, chuối là thức tráng miệng có hàm lượng dinh dưỡng cao, giúp người già và trẻ em cân bằng thần kinh, đặc biệt tốt cho xương của trẻ.

Nhắc tới chuối, tôi lại nhớ thời niên thiếu của mấy chị em. Nhà có quán nhỏ bên đường, mùa nào thức đó, bán đủ loại trái, có cả bánh, nhưng bán bánh kẹo gì cũng hết vốn vì “năm cái tàu há mồm”, khiến tiền lời không bao nhiêu mà mỗi đứa một cái… coi như xong.

Quán dẹp biết bao lần, cuối cùng má tôi quyết định chỉ bán chuối, chuối vừa rẻ, con ăn lại tốt cho sức khỏe.

Mùa hè, còn là mùa của cây trái. Trẻ em thời này sớm được quen với nhiều loại trái ngon, lạ nên táo, lê, kiwi lại thành trái quen với nhiều nhà.

Chỉ có những người trẻ của thế hệ trước, nay đã có tuổi vẫn còn nhớ ngày xưa trái gì cũng ngon: me chua, khế, xoài non, trái chay, trái sấu, chùm mòi, chùm ruột, chùm dầu, chùm muối, trái say… nhiều thứ đã trở nên quá xa lạ. 

Từ rau trái, bạn có thể tận dụng thân, cọng tía tô nấu sôi để nguội, vắt tí chanh, tắc là có ly nước giải cảm, giải khát hấp dẫn. Nhiều loại thức uống thường ngày như nước chanh-sả, nước bạc hà, nước mát, sâm bí đao, nước trái dâu tằm, râu bắp… là những thứ không mắc tiền đều dễ nấu, dễ uống mà nhiều khi bạn bỏ qua.

Trẻ em nào cũng thích ăn trứng, vì vậy, nhà mình cũng tận dụng sở thích của trẻ để đưa thêm rau gia vị vào thức ăn, thức uống. 

Trứng áp chảo với ngải cứu (có vị đắng, mùi thơm), lá rau mơ (vị nhạt đắng, hơi mặn, mùi hôi vậy mà nhờ tính mát lại trị được chứng ăn không tiêu, giúp thanh nhiệt), hẹ (vị hơi chua, cay, nhiều kháng sinh) được luân phiên thay đổi, với một loại rau đi kèm vừa đổi được khẩu vị, lại bổ sung những vị thuốc, khoáng chất cần cho cơ thể, khổ qua xào trứng cũng là món ăn tốt cho sức khỏe…

Bây giờ, các bạn trẻ mê cơm cuộn của Nhật - Hàn khá tiện lợi mà quên đi những bữa cơm nhà mẹ nấu. Ước mong sau này con cháu còn nhớ những bữa cơm ăn cùng mẹ để dành thời gian thay vì chờ người ta giao cơm tới nhà, hãy dành chút thời gian để nấu lại món xưa mẹ nấu.

“Gia tài của mẹ” chỉ có vậy, là sự góp nhặt từ trong ký ức của tuổi thơ, trong suốt quãng ngày sống ở quê nhà, trong từng bữa cơm gia đình. Những giá trị ấy được khơi nguồn, vun bồi và nuôi dưỡng để con có thêm kỹ năng cuộc sống, tổ chức bữa ăn mang hương vị, phong vị quê nhà. 

Theo phunuonline