Nếu làm theo lời khuyên của ai đó, chúng ta dễ dàng đổ lỗi cho họ. Tuy nhiên, chúng ta đang đánh mất sức mạnh của mình mà không hề biết.
Tôi làm bánh trôi nước nhưng vỏ bánh cứ bị bể. Tôi hỏi một chị hay làm bánh. Chị ấy nói: “Chị không biết khuyên sao vì chị nắn bánh chẳng bao giờ bị vỡ cả”.
Khi bối rối, ta thường tìm kiếm lời khuyên từ người này người khác thay vì tự giải quyết. Mọi người cũng nhiệt tình trao lời khuyên theo quan điểm, sự hiểu biết, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân họ. Tuy nhiên, thường ta khó áp dụng lời khuyên của họ, hoặc có áp dụng nhưng tình hình lại tệ hơn, hoặc chỉ có thể giải quyết vấn đề một cách tạm thời.
Lý do là vì họ không phải người trong cuộc, họ có bản tính khác ta, có những trải nghiệm khác ta, nên lời khuyên của họ không thể chính xác cho tình huống của ta. Ý định của họ là tốt, ta trân trọng những lời khuyên của họ, nhưng chỉ dùng để tham khảo. Quyền chọn lựa và quyết định hành động là của ta. Tình huống từ ta thì lời giải cũng từ ta, không ai khác.
Có một bạn, khi gặp chuyện không hiểu, cứ hay hỏi tôi vì sao. Tôi hỏi lại: “Theo em thì vì sao như vậy?”. Bạn nghĩ một chút rồi trả lời. Tôi nghe xong nói: “Em thấy đấy, câu trả lời đã có sẵn trong em”.
Chúng ta rất nhiệt tình trong việc đưa ra lời khuyên cho người khác. Có nên khuyên người khác không? Có một triết gia nói rằng, điều dễ nhất trần đời là cho lời khuyên. Vì ta không thực hiện nó, vì đó không phải là tình huống của ta. Vì ta không ở trong tình huống của họ và ta không thấy rõ toàn bộ sự việc. Ta chỉ nghe từ một phía, một vài khía cạnh của vấn đề. Nếu muốn cho lời khuyên, bạn có chắc là sẽ chịu trách nhiệm những gì xảy ra sau khi họ thực hiện lời khuyên đó?
Một em trai đến than thở với người chị về việc vợ cậu ấy cứ hay sai vặt trong khi cậu vừa đi làm về, rất mệt. Một phần vì thương em, một phần vì không ưa cô em dâu, và lại có bản tính hẹp hòi nên người chị cho ngay lời khuyên: “Cứ nói là tôi đi làm về mệt lắm. Nói cô ta tự làm đi”.
Cậu em vốn bản tính quảng đại, hay giúp người. Cậu chỉ hơi khó chịu và than thở một chút, nhưng cậu vẫn có thể làm được. Cậu có thể nghỉ mệt một chút rồi giúp vợ. Như vậy, mối quan hệ vợ chồng vẫn êm ấm. Còn nếu nghe theo người chị, mối quan hệ của họ có thể trở nên lung lay, đổ vỡ. Chỉ vì một lời khuyên, chúng ta có thể lái cuộc đời của người khác theo hướng khá xa so với việc để họ tự giải quyết vấn đề theo cách riêng của họ, phù hợp với họ.
Vì sao chúng ta xin lời khuyên từ người khác? Khi tình huống xảy ra, chúng ta rối bời, không biết cách giải quyết. Mặt khác, tinh tế hơn, chúng ta không muốn chịu trách nhiệm cho những gì chúng ta quyết định. Nếu làm theo lời khuyên của ai đó, chúng ta dễ dàng đổ lỗi cho họ.
Tuy nhiên, chúng ta đang đánh mất sức mạnh của mình mà không hề biết. Đó là sức mạnh phân định đúng sai và ra quyết định. Ta sẽ trở nên dựa dẫm và phụ thuộc vào người khác. Tình huống nối tiếp tình huống, ta càng phụ thuộc, càng yếu ớt. Trong khi nếu dũng cảm chịu trách nhiệm cho những quyết định của chính mình và học bài học từ những quyết định sai, sau mỗi tình huống sức mạnh bên trong của ta lại được gia cố, mạnh mẽ hơn.
Theo phunuonline