Tôi cố gắng duy trì tập thể dục tại nhà. Ảnh minh họa.

Nói đến đại dịch COVID-19, điều làm chúng ta lo lắng không chỉ là sức khỏe thể chất mà còn là sức khỏe tinh thần. Tôi đã từng phải cách ly 17 ngày trong phòng kín, không được tiếp xúc với bất kỳ ai, nên tôi rất hiểu nỗi cô đơn và khó khăn khi đột ngột bị tách khỏi gia đình và một mình loay hoay trong phòng kín.

Vậy tôi đã vượt qua điều ấy như thế nào?

Trước tiên, tôi cố gắng tạo cho mình một thời gian biểu cố định và duy trì mỗi ngày. Một trong những khó khăn khi ở một mình là rất dễ “buông thả” bản thân nhưng càng “buông thả”, bạn sẽ càng chỉ thấy tinh thần mình trì trệ. Vì vậy, hãy cố gắng duy trì!

Thời gian biểu của tôi khá đơn giản, chỉ gồm bốn việc chính:

1.     Làm việc tại nhà tám tiếng mỗi ngày

2.     Theo dõi sức khỏe bằng cách đo nhiệt độ, đo nồng độ Oxy, bổ sung vitamin C và D, uống một vài loại thuốc bổ khác. Tôi thực hiện xen kẽ các hạng mục này trong cả ngày

3.     Sau giờ làm việc, tôi sẽ đạp xe đạp trong phòng khoảng 30 phút, rồi ăn tối, tắm rửa, dưỡng da, chăm sóc cơ thể…

4.     Buổi tối là thời gian dành để gọi cho bố mẹ, cho chồng ở xa, đọc sách, xem phim… hoặc làm bất cứ điều gì khác giúp tôi dễ chịu

Đấy là thời gian biểu của tôi. Tùy điều kiện của bạn, bạn có thể lập một thời gian biểu khác cho mình. Nhưng từ trải nghiệm bản thân, tôi nhận ra một thời gian biểu tốt nhất là khi đáp ứng được ba điều:

- Chăm sóc sức khỏe và bản thân

- Luôn có thời gian để tập thể dục

- Luôn có thời gian để vận động tinh thần, ví dụ như làm việc, đọc sách, xem phim, đeo đuổi một đam mê nào đó mà bạn yêu thích như chơi xếp hình, viết lách, vẽ tranh…

Đọc sách là một cách vận động trí óc hiệu quả -Ảnh minh họa

Vậy nên, dù thời gian biểu của bạn ra sao, tôi hy vọng có thể đáp ứng được ba yếu tố đó. Về phần mình, tôi duy trì thời gian biểu như trên trong khoảng hai tuần và cảm thấy khá ổn, không buồn chán cũng không suy sụp. Nhưng vào ngày cuối cùng của tuần thứ hai, khi đang nằm lướt mạng như mọi khi, bỗng dưng tôi nghĩ đến bánh Trung thu, rồi lại nghĩ đến tết Trung thu còn có một tên gọi khác là Tết đoàn viên, rồi lại nghĩ Tết đoàn viên này chắc chỉ có thể gọi điện cho bố mẹ online, rồi lại nghĩ không biết bao giờ mới gặp bố mẹ. Thế là tôi òa khóc. Khóc tức tưởi, khóc nức nở, khóc rất lâu trong khi trước đó mọi thứ vẫn bình thường.

Bạn biết không, đáng sợ nhất là khi chúng ta cứ nghĩ rằng mình ổn, nhưng sự thật lại không ổn chút nào. Vậy nên lời khuyên thứ hai tôi dành cho các bạn chính là: Nếu thấy không ổn, hãy cứ khóc. Khóc là các giải tỏa căng thẳng rất tốt và rất nên làm. Đừng ngại khóc, ngay cả khi bạn đã trưởng thành, thậm chí ngay cả khi bạn là đàn ông. Cảm xúc tiêu cực càng dồn nén sẽ chỉ càng gây hại.

Hãy khóc khi cảm thấy không ổn, nhưng đừng bao giờ từ bỏ hy vọng. Ảnh minh họa.

Một nghiên cứu của Trường Đại học Harvard, Mỹ, cho thấy trong suốt thời gian đại dịch có đến 54% người khảo sát cảm thấy cạn kiệt cảm xúc, 53% thấy buồn, 50% dễ bực dọc, 43% thường xuyên nhầm lẫn 43%, 38% mất ngủ, 32% dễ nổi điên và đặc biệt 25% có cảm giác tội lỗi.

Nhìn những con số này để thấy COVID-19 không chỉ phá hủy sức khỏe của chúng ta về thể chất mà cả tinh thần ghê gớm đến mức nào. Vậy nên, nếu bạn cảm thấy không ổn cũng không sao cả. Chúng ta cũng chỉ như hàng triệu người khác trên thế giới này đang vật lộn với đại dịch mà thôi.

Cuối cùng, điều bạn cần nhớ trong tim mình chính là hy vọng. Ngày mai, mọi chuyện sẽ khác. Mỗi ngày trôi qua là một ngày cách ly bị “xóa sổ” và bạn sẽ nhanh chóng được đoàn tụ cùng người thân. Phải tin tưởng điều đó và nó nhất định sẽ đến!

Sẽ sớm thôi, những chuỗi ngày này sẽ chỉ còn là lịch sử và chúng ta nhất định bình yên.

Theo phunuonline