Thảo Trinh dừng thuê giúp việc, tự vun vén việc nhà để tiết kiệm.
Nhiều bạn trẻ tại Hà Nội và TP.HCM đã tìm được cách để thích nghi với cuộc sống ở nhà phòng dịch. Tự nấu ăn, không tiêu tiền vào shopping, ăn vặt hay làm đẹp, không ít người đã học được thói quen tiết kiệm tiền tốt trong thời gian giãn cách xã hội. Zing đã trò chuyện cùng 6 bạn trẻ để lắng nghe câu chuyện chi tiêu trong giai đoạn phải giãn cách xã hội.
Hồ Lê Thảo Trinh (33 tuổi, TP.HCM, sáng lập công ty truyền thông)
Khi dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM, tôi gặp nhiều áp lực do công việc bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều khách hàng hủy hợp đồng, dời vô thời hạn, hay cắt giảm ngân sách cho kế hoạch truyền thông, dẫn tới thu nhập giảm mạnh so với năm ngoái.
Thậm chí, tôi phải thanh lý cắt lỗ việc kinh doanh nhà cho thuê vì không đủ khả năng tài chính.
Khi túi tiền không còn rủng rỉnh như trước, tôi ý thức hơn về việc quản lý tài chính cá nhân. Giờ đây, do chỉ làm việc ở nhà, tôi bớt được một khoản tiền không nhỏ từ việc di chuyển hàng ngày, mua sắm quần áo…
Hơn một tháng nay, tôi tự làm tóc, làm móng cho bản thân khi không thể tới tiệm.
Mặt khác, để tiết kiệm chi phí và tránh tiếp xúc với người khác tới mức tối đa, tôi cũng dừng thuê người giúp việc, tự tay thu vén việc nhà.
Thú thực, tôi thấy khá mệt do vừa phải gồng gánh công ty, vừa quán xuyến bếp núc. Nhưng trước tình huống bất khả kháng như hiện tại, tôi cố gắng biến việc ở nhà thành niềm vui, cố gắng động viên bản thân mỗi ngày.
Nhân thời gian giãn cách xã hội, tôi cũng đăng ký học một khóa đầu tư chứng khoán. Cách này giúp tôi có thể rèn luyện đầu óc, tránh trì trệ và cải thiện thói quen quản lý tài chính cá nhân.
Bài học tôi rút ra khi ở nhà tránh dịch là việc tiết kiệm phải làm ngay khi nhận lương. Chỉ cần để dành 20-40% thu nhập mỗi tháng, duy trì đều đặn thì ta sẽ không bị động trong những trường hợp cấp bách như hiện giờ.
Vũ Thị Hồng Hạnh (23 tuổi, TP.HCM, nhân viên phát triển sản phẩm)
Thực tình, tôi mới bắt đầu học cách tiết kiệm được khoảng 3 tháng trước khi Sài Gòn bùng phát dịch bệnh. Tôi cảm thấy may mắn bởi bản thân cố gắng vượt qua nỗi sợ cá nhân để làm được điều này.
Trước đó, mỗi lần khi nhắc đến lập kế hoạch tài chính cá nhân, tôi dễ rơi vào căng thẳng và hốt hoảng nên thường né tránh.
Hồng Hạnh coi giãn cách xã hội là cơ hội để lập kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn.
Tôi dần hình thành thói quen mua sắm không cần nhìn giá, nhất là từ ngày rời Vĩnh Phúc vào Sài Gòn làm việc.
Có những tháng tôi chi tiêu hơn 20 triệu đồng, vượt quá thu nhập hàng tháng mà không rõ mình "vung tiền" vào những gì.
Sau khi nhận thức được rằng tình trạng "tiêu hoang" sẽ để lại hậu quả khó lường, nhất là trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, tôi quyết tâm thay đổi bản thân.
Tôi tắt liên kết tài khoản ngân hàng với các ứng dụng cho phép thanh toán điện tử, đồng thời để rất ít tiền mặt trong người để hạn chế mua sắm. Mỗi lần nhận lương, tôi chuyển ngay số tiền cần tiết kiệm, tương ứng 1/3 thu nhập tháng, sang một tài khoản khác và kiên quyết không đụng đến. Ngoài ra, tôi tích cực đẩy mạnh khoản thu nhập ngoài của mình.
Nguyễn Thị Diệu Thanh (26 tuổi, TP.HCM, freelancer)
Trong thời gian giãn cách xã hội, ngoài tiền thuê nhà, tôi tiêu hết khoảng 3 triệu đồng/tháng. Con số này chỉ bằng 1/3 so với trước đây.
Tôi từng tốn khá nhiều tiền vào việc đi cà phê, ăn tối ở nhà hàng và mua sắm mỗi cuối tuần.
Diệu Thanh tự nấu cơm thay vì ăn nhà hàng khi ở nhà giãn cách xã hội.
Giờ đây, tôi chỉ tiêu tiền để mua đồ ăn hàng ngày, thỉnh thoảng đặt trà sữa, cà phê về nhà. Tôi tự nấu cơm mỗi bữa, thức ăn còn dư có thể để tủ lạnh và hâm lại ăn tiếp vào ngày hôm sau.
Hiện tại, nhu cầu mua sắm của tôi chỉ ở mức tối thiểu. Dịp sale lớn 7/7 của các trang thương mại điện tử, tôi cũng ngó qua nhưng không thấy thứ gì cần thiết phải mua sắm.
Trong mùa dịch, tôi hạn chế chi tiêu nhất có thể và nghĩ rằng đây là việc nên làm. Nếu việc giãn cách xã hội vẫn còn kéo dài, tôi tự tin mình có thể tiếp tục tiết kiệm để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nguyễn Thị Quỳnh Trang (25 tuổi, Hà Nội, nhân viên văn phòng)
Tôi được công ty cho phép ở nhà làm việc online, tuy nhiên thu nhập bị cắt giảm một phần. Tôi bắt đầu ý thức hơn trong việc quản lý và tiết kiệm chi tiêu, ít nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội.
Quỳnh Trang tiết kiệm hơn nhờ hạn chế đi cà phê.
Tôi không còn đi ăn ở hàng quán và mua quần áo nhiều như trước đây. Tôi tự nấu nướng ở nhà, thực phẩm được mẹ ở quê gửi lên, do vậy tiết kiệm được khá nhiều tiền.
Chỉ một khoảng thời gian ngắn giãn cách xã hội, tôi đã rủng rỉnh tiền tiết kiệm hơn. Tôi sẽ duy trì thói quen chi tiêu hợp lý này kể cả sau khi dịch bệnh kết thúc.
Trần Mẫn Linh (23 tuổi, Hà Nội, content writer)
Khi dịch bùng phát ở Hà Nội, tôi làm việc từ xa, không phải đi lại nhiều do tính chất công việc. Nhờ đó, tôi "bỏ túi" được khoảng 3 triệu đồng tiền ăn uống, đi lại.
Đương nhiên, giống như nhiều bạn trẻ khác, tôi cũng thích ngó nghiêng vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến trong thời gian ở nhà.
Tuy nhiên, trước khi quyết định mua một món đồ nào đó, tôi thường giữ trong giỏ hàng khoảng 2-3 ngày để xem có thực sự cần nó không.
Mẫn Linh càng tiết kiệm được nhiều tiền hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Thực tế, từ trước giai đoạn dịch Covid-19, tôi đã chủ động tối giản hóa việc chi tiêu của bản thân. Tôi là người ít có nhu cầu vật chất và ghét nhà chứa nhiều đồ đạc.
Chẳng hạn, nếu chọn mua một chiếc váy, tôi sẽ xem xét liệu nó có thể vừa mặc đến công ty, vừa đi chơi không.
Điều đó phần nào giúp tôi trang trải cuộc sống khi công việc freelance vẫn chưa đem lại thu nhập ổn định. Ngoài ra, tôi đầu tư một phần số tiền tiết kiệm vào tiền mã hóa và để đó lâu dài.
Võ Ngọc Phương Chi (27 tuổi, TP.HCM, freelancer)
Vì tính chất công việc thuộc lĩnh vực phiên dịch và du lịch, dịch Covid-19 khiến tôi khó kết nối với khách hàng ở nước ngoài. Lượng công việc giảm rõ rệt, thu nhập hàng tháng cũng bị ảnh hưởng tới 40-50%.
Phương Chi hạn chế mua mỹ phẩm để tập trung cho nhu cầu thiết yếu.
Do thu nhập giảm, tôi buộc phải thay đổi thói quen chi tiêu bằng cách cắt giảm khoản chi cho sở thích cá nhân như ăn uống, mỹ phẩm, du lịch… để tập trung cho nhu cầu thiết yếu (lương thực, thuốc thang…).
Trước đó, tôi hay gọi đồ ăn ngoài, chủ yếu là món ngọt, để giải tỏa áp lực. Giờ đây, tôi nấu nướng thường xuyên hơn.
Ngoài ra, tôi cũng rèn thói quen lập bảng thống kê thu chi cụ thể, duy trì việc trích 20% thu nhập vào quỹ tiết kiệm và quỹ khẩn cấp, phòng trường hợp dịch bệnh như hiện tại.
Thời gian ở nhà tránh dịch giúp tôi nhận ra ai cũng cần có thói quen chi tiêu, tích lũy hợp lý để vừa tiết kiệm, vừa không bạc đãi bản thân.
Theo zingnews