|
|
Chương trình giao lưu - nghệ thuật “Hạnh phúc gia đình Việt” do Bộ VHTTDL phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Ảnh: HIỀN LƯƠNG |
Kế hoạch xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, phân công cụ thể các nội dung, kế hoạch của ngành VHTTDL để triển khai thực hiện Chương trình, hướng tới thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Nội dung Kế hoạch gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp ở các cấp.
Đảm bảo nguồn lực thực hiện có hiệu quả
Một trong những yêu cầu quan trọng đối với Kế hoạch được đặt ra là phải được triển khai trong toàn ngành, phù hợp với kế hoạch hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương để bảo đảm nguồn lực thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình. Bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả, đúng tiến độ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương được nêu trong Kế hoạch. Việc tổ chức thực hiện phải nghiêm túc, thiết thực, tránh hình thức.
Các nội dung chính của Kế hoạch gồm: Hoàn thiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu; Xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình; Thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình; Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp, các ngành; Hợp tác quốc tế; Nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình…
Với từng nội dung, Kế hoạch đưa ra các hướng dẫn cụ thể. Về hoàn thành pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình cũng đã đưa ra các nội dung rất chi tiết, quan tâm tới các đối tượng tham gia: Rà soát, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ người bị bạo lực là người phụ thuộc vào thành viên khác trong gia đình; Rà soát, bổ sung hoàn thiện chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình và đội ngũ cộng tác viên dân số tham gia phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở.
Yêu cầu trách nhiệm của người đứng đầu
Để tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp liên ngành giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình, Kế hoạch đặt ra các nội dung: Xây dựng nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo Chương trình được duyệt; Xây dựng và vận hành mạng lưới phòng, chống bạo lực gia đình các cấp, cộng tác viên dân số thực hiện công tác gia đình ở cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phòng, chống bạo lực gia đình, thu thập thông tin về bạo lực gia đình. Đặc biệt, Kế hoạch yêu cầu quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương nếu để xảy ra tình trạng bạo lực trong phạm vi quản lý.
Trong Kế hoạch, vấn đề xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình cũng được quy định cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên về phòng, chống bạo lực gia đình. Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn hôn nhân và gia đình, tư vấn hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Đồng thời nâng cao năng lực cho người tham gia cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình. Thực hiện đánh giá, rà soát hoạt động của Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở. Xây dựng hướng dẫn triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới.
Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình là một nội dung quan trọng đặt ra trong Kế hoạch. Bộ VHTTDL yêu cầu các hoạt động truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình phải phù hợp với từng đối tượng, văn hóa của vùng miền, đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vào các ngày kỷ niệm về gia đình hằng năm: Ngày Gia đình Việt Nam (28.6), Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25.11)… Khuyến khích tổ chức, sáng tác các chương trình và tác phẩm văn hóa nghệ thuật, các hoạt động thể thao thực hiện truyền thông về phòng, chống bạo lưc gia đình. Tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng, chương trình tuyên truyền lưu động có nội dung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình. Các cơ quan truyền thông, báo chí của ngành xây dựng và duy trì hiệu quả các chuyên trang, chuyên mục với thời lượng và khung giờ phù hợp nhằm hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình…
Vụ Gia đình được giao là đầu mối, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ và kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả, tổng hợp đề xuất, kiến nghị với Bộ trưởng Bộ VHTTDL về các biện pháp cần thiết, bảo đảm Kế hoạch được thực hiện hiệu quả và đồng bộ. Các Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ Kế hoạch tham mưu UBND cùng cấp ban hành kế hoạch của địa phương triển khai thực hiện Chương trình. Tổ chức lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án của ngành tại địa phương. Chú trọng phát huy hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác gia đình, đặc biệt ở cấp cơ sở. Quan tâm, bố trí, cân đối nguồn lực của ngành tại địa phương bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Đề xuất giải pháp củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em tại cơ sở…
Kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch từ nguồn ngân sách sự nghiệp bảo đảm xã hội của Vụ Gia đình được cấp qua Văn phòng Bộ VHTTDL, nguồn ngân sách của các địa phương tham gia triển khai thực hiện Chương trình và nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Theo baovanhoa