|
|
Khi mẹ đi làm, người trông cháu không ai đáng tin hơn bà ngoại (Ảnh minh họa) |
Có một điều tôi rất ngạc nhiên: trong câu nói của người xưa về người bà, những gì thân thương nhất người ta thường dùng từ “ngoại”.
Về phương điện “đối ngoại”. Ra chợ thấy bà cụ bán mớ rau/con cá, người mua hỏi: “Bao nhiêu mớ rau/con cá này vậy, ngoại”. Bà cụ cũng lấy làm vui và xưng ngoại luôn với người mua: “Con đưa ngoại mười ngàn”…
Lối xưng hô kiểu vậy rất phổ biến trong đời sống, nhất là ở miền Nam. Tại sao tiếng “nội” lại không được dùng theo nghĩa thân thương như “ngoại”, có lẽ do định kiến từ ngày xưa với cách nhìn nhà chồng ít thân thiện với dâu con chăng?
Từ đó, về phương diện “đối nội”, người đời chắc như đinh đóng cột: “Cháu bà nội, tội bà ngoại”, là ý bà ngoại gắn bó với cháu nhiều hơn so với bà nội, dường như bà ngoại chịu trách nhiệm toàn bộ từ lúc cháu chào đời đến khi đi học. Cả tội vạ cũng đổ lên bà ngoại. Chính cái quan niệm cháu nội thường được coi trọng hơn cháu ngoại đã khiến bà nội nhàn hơn bà ngoại nhưng lại được hưởng phúc nhiều hơn.
Theo các nhà khoa học, cả ông và bà đều truyền lại gen của mình qua các thế hệ con cháu (trai và gái). Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, bà ngoại thường có sức ảnh hưởng lớn hơn đến tương lai của cháu mình so với những ông ba khác.
Như chúng ta đã biết, nam giới mang cặp nhiễm sắc thể giới tính XY, còn nữ giới là XX. Cũng theo các nhà khoa học, 25% nhiễm sắc thể X của bà ngoại có liên quan đến cháu (nam và nữ), còn bà nội chỉ chuyển một bản sao nhiễm sắc thể X cho cháu gái, còn cháu trai lại không được nhận bất kỳ nhiễm sắc thể nào từ bà nội.
Đó là chuyện khoa học, còn với tình thương trong gia đình, dù là ông bà nội hay ngoại đều yêu thương cháu mình, nhưng đúc kết từ người xưa: “Con so về nhà mẹ” đế có thể thấy chỉ bà ngoại mới có những “ưu tiên” về mối liên kết chặt chẽ với trẻ ngay từ lúc mới sinh. Con gái về nhà mẹ sinh nở có bà ngoại lo cho miếng cơm, món ăn phù hợp, chăm nom cả mẹ và bé. Đến khi mẹ đi làm, người trông cháu còn bé không ai đáng tin hơn bà ngoại cả.
|
|
Hiếm ai có thể yêu thương cháu như bà ngoại (Ảnh minh họa) |
Thử hình dung một ngày ở nhà của bà ngoại lúc cháu còn bé: sáng sớm khi cháu còn nằm với mẹ, bà vội vàng ra chợ chọn mua thực phẩm tươi mới. Về nhà, có thể bà chuẩn bị đâu đó xong xuôi, đến khi nấu chỉ cần bật bếp nấu và 15 phút có cơm nóng, canh sốt. Có thể bà đợi lúc cháu ngủ rồi bà mới nấu ăn, nếu trong gia đình còn có ông ngoại phụ một tay với bà.
Cháu còn bé làm sao bà có được giấc trưa vì là lúc cháu chơi (giấc sáng cháu ngủ cho bà nấu cơm). Đến khi dỗ được cháu ngủ giấc xế thì bà lại vội vàng chuẩn bị cho bữa chiều. Cứ thế đến lúc cháu biết đi, tập nói rồi đến trường, cũng chỉ bà ngoại là người bạn thân nhất, chuyện trò, chơi với cháu… Vì bà không nỡ “phiền” đến ba mà cháu khi mà công việc ở sở làm của họ đã quá nhiều áp lực rồi!
Vừa nghỉ hưu, chị bạn tôi mua ngay một chiếc ô tô chỉ với mục đích đưa đón cháu đi học khỏi mưa nắng. Chị chăm cháu ngoại từ lúc cháu mới sinh, cho đến bây giờ cháu đã xong lớp 7. Cháu thân với bà còn hơn với ba mẹ. Như hai người bạn vong niên, từ bài vở ở trường cho đến cãi nhau với bạn bè trong lớp. Tất cả những điều đó là bí mật riêng của hai bà cháu!
Bà ngoại là món quà quý mà thượng đế ban tặng cho những ai có cha mẹ đỡ đần khi lập gia đình riêng. Có rất nhiều người không được hưởng hạnh phúc thấy ông bà nội ngoại. Bởi vậy nên hầu như trong ký ức của đa phần con người, hình ảnh bà ngoại sâu đậm trong tâm trí.
Mỗi người một phần số, cũng có những người lớn lên nhờ vào sự chăm nom của bà nội. Nhưng nhìn chung, bà ngoại thường thân thiết với cháu hơn.
Thời đại công nghiệp, vội vàng, gia đình trẻ bây giờ có ông bà nội ngoại mạnh khỏe phụ một tay chăm cháu là hạnh phúc lớn lao, không gì so sánh được.
Vậy thì, nhắn với các bà mẹ trẻ một điều: Bà ngoại/nội chăm con giúp cô chu đáo vậy đó, đến khi bà có bệnh, các cô nhớ đừng nhăn nhó, đừng vin vào câu "nước mắt chảy xuôi" mà làm buồn lòng bà!
Theo phunuonline