|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Chị đột nhiên bị rối loạn tiền đình. Bác sĩ ra lệnh: “Phải nghỉ ngơi một tuần”. Chuyện vợ phải nằm yên vốn làm anh hoang mang. Nhưng sau khi nghe bác sĩ dặn dò, tinh thần trụ cột của anh dâng cao ngùn ngụt. Anh quyết:
- Việc của em là nằm nghỉ, nhà cửa đã có anh và con! Nhà mình ai cũng rành việc rồi, chẳng có gì phải sợ!
Rồi chồng tính: Trước nay tụi nhỏ phụ việc dọn dẹp, anh rửa chén, lau nhà, giặt đồ, em chỉ chuyên tâm nấu nướng.
Vậy giờ anh sẽ “cân” luôn phần nấu nướng. Hôm nào bận anh sẽ gọi đồ ăn bên ngoài. Vợ vừa dợm nói “việc đâu chỉ có thế”, chồng đã cướp lời:
- À, còn chuyện đưa đón con anh cũng sẽ lo, bí quá thì… gọi xe ôm.
Vợ phì cười. Thôi thì cứ để anh tính toán, rồi tự… nếm mùi khó khăn khi thực sự lâm trận.
Ngày đầu tiên, chồng dậy sớm lo cơm nước. Loáng một cái, bàn ăn đã có cơm canh sốt dẻo. Con trẻ háo hức, vợ hiền ngỡ ngàng.
Chuyện “lo bữa sáng cho gia đình” của anh lên hẳn… nhóm chat của gia đình bên nội. Anh đến công ty đã thấy mọi người nhắn tin khen ngợi tưng bừng. Nhưng nhà bao việc, chồng chỉ thả nhẹ một mặt cười, và đúc kết: “Không ai là không thể thay thế được, chỉ cần mình đủ trách nhiệm thôi!”.
Phụ nữ trong nhà mát lòng mát dạ. Anh nói thế, khác nào giáo dục cả mấy đứa em trai đang có mặt trong nhóm chat.
Chỉ có vợ anh là lẳng lặng chạnh lòng.
Sang được ngày đầu tiên, nhà cửa đâu vẫn vào đấy. Bệnh tình của vợ cũng có chiều hướng thuyên giảm. Nhưng anh tuyệt nhiên không phiền vợ trong việc nhà. Anh giương cao ngọn cờ “tự tay làm hết”.
Đến ngày thứ ba, chồng từ công ty gọi về, nói:
- Anh gọi một chị dọn nhà qua app dịch vụ, chị ấy sắp đến, em mở cửa nhé!
Chị mừng thầm. Đây là một “bước lùi” trong nỗ lực tự tay làm hết của anh. Một khi anh còn bất lực với việc nhà thì chị còn có quyền lực vô song trong lĩnh vực này.
Nhưng chỉ hai giờ sau, căn nhà đã bóng loáng dưới bàn tay của chị nhân viên dọn dẹp. Hóa ra, những cày cục đến đau lưng, mỏi cổ của vợ sau giờ làm chỉ bằng hai giờ làm công giá mềm của bên dịch vụ.
Chuyện có người làm thay việc dọn dẹp chẳng làm chồng bớt đi uy thế. Các con đã bắt đầu gọi “ba” mỗi khi cần giúp đỡ. Chị tưởng sẽ rất mừng khi chồng quán xuyến được nhà cửa, chẳng ngờ thực tế lại buồn khó tả.
Những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ theo y lệnh, chị thấy bọn trẻ bắt đầu đi về với anh xe ôm công nghệ. Đó là chuyện chưa từng có vào cái thời mẹ đảm đương nhà cửa. Chị từng dặn con không được đi xe ôm, nếu mẹ đến trễ thì phải kiên nhẫn đợi. Chị hãi hùng việc giao con cho người khác, dù đó là chú xe ôm trong xóm hay xe ôm công nghệ.
Tưởng chừng, quá khứ êm ấm kia sẽ khiến bọn trẻ phiền lòng khi ba không thể đón rước. Nhưng không, chị không nghe một lời phàn nàn nào. Bọn trẻ còn lanh lợi hơn, chủ động. Nhìn mấy bố con nghiêm túc bàn bạc chuyện gọi xe ôm, chị thấy những ngày mình tất tả chạy tới chạy lui giữa các nơi để đón con sao mà vô nghĩa!
Kỳ nghỉ kết thúc, chị cũng khỏe hẳn. Sắp được quay lại làm nội tướng, chị hoài nghi chính kinh nghiệm và khả năng sắp xếp việc nhà của mình. Chị thấy dường như chị đã ảo tưởng, và cách chị vẫn làm lâu nay chưa hẳn là cách tối ưu.
Mà cách nào là tối ưu chị không rõ.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Tối đó, bốn bố con bất ngờ tổ chức tiệc. Chị ngỡ ngàng trước những hoa, bánh và cả bong bóng bay được tức tốc trang hoàng phòng khách. Bốn bố con bưng bánh kem đến tặng mẹ, và người chồng của năm trịnh trọng công bố: “Mừng mẹ trở lại. Từ nay, cả nhà sẽ được sống sung sướng như xưa!”.
Bọn trẻ vỗ tay, hú hét ầm ào. Chị chưa hiểu mô tê thì cả bốn thành viên đã thay nhau “kể khổ” như vừa được tháo van xả cảm xúc.
- Em thấy việc nhà vẫn ổn đúng không? Nhưng bọn anh đã khổ biết bao nhiêu…
- Ngày đầu tiên đi xe ôm công nghệ, con phải khóc giữa đường vì lên nhầm xe mà không thể gọi lại cho ba, cũng không biết địa chỉ nhà cô giáo (cô dạy năng khiếu cho con) để nói với anh tài xế. Cuối cùng con đứng ngoài đường chờ ba đến giải cứu.
- Tụi nhỏ chê “nhà ba lau không sạch, con đi phải nhón chân” nên anh mới phải thuê hẳn dịch vụ tới dọn lại! - anh nói.
- Mẹ biết không? Buổi tối đầu tiên cho con chó Mi Mi ăn, ba làm nó hoảng, bỏ chạy ra khỏi cửa. Chị Hai đi khắp chung cư tìm cùng ba. Tụi con phải chăm chú học bài, nếu mẹ hỏi thì phải nói ba với chị Hai đi… thể dục.
Những “tai nạn” cứ thế được kể lại làm chị nhiều phen tá hỏa. Chốt hạ, anh nói: Anh dặn tụi nhỏ bí mật để mẹ yên tâm. Người ta nhìn vào vẫn thấy nhà mình ổn, vậy cũng đủ rồi. Nhưng mà, ổn tầm 6 điểm thôi. Mà bọn anh lại quen với chất lượng điểm 10 của em rồi.
Bọn trẻ vỗ tay rần rần. Chị chảy nước mắt. Tưởng chừng chị sẽ hả dạ lắm, nhưng sao lúc này vẫn chỉ thấy một sự xúc động và thương yêu những gương mặt điểm 6 kia quá đỗi!
Theo phunuonline