Không có tiền thì hạnh phúc tự ra đi
Rất nhiều gia đình đã cãi nhau vì tiền, từ cặp đôi trẻ, tới cặp vợ chồng già với rất nhiều lý do như:
- Vợ chồng tôi dự định sẽ mua cái tivi xịn, màn hình lớn, kết nối internet vào cuối năm, khi hai vợ chồng có tiền thưởng Tết. Nhưng mùa bóng đá chồng sùng sục tìm mua tivi bằng được vì có những chương trình giảm giá hấp dẫn và kịp xem các trận cầu. Chúng tôi cãi nhau vì phải phá bỏ một số kế hoạch định làm từ giữa năm.
- Mùa dịch nên chồng em nghỉ việc ở nhà, còn mỗi lương của em. Thế mà anh ấy dám lấy 10 triệu cho bạn vay mà không cho em biết. Tháng trước anh ấy cũng tự rút tiền đi đổi điện thoại không nói gì. Anh ấy tùy ý tiêu tiền tiết kiệm trong thẻ mà không thèm bàn với vợ.
- Chồng tôi là con út và quen được cha mẹ cưng chiều, chi tiêu rất thoải mái. Mỗi tháng anh ấy chỉ đưa cho mẹ 500 nghìn đồng đóng góp sinh hoạt phí. Có vợ rồi cả hai cũng chỉ gánh góp cho mẹ 1 triệu đồng, đưa thêm bà cũng không lấy. Nhà anh giàu có, lương anh cao hơn lương tôi nhưng nhiều khi lĩnh lương cái là anh đã tiêu hết tiền, không tiết kiệm được đồng nào. Cách quản lý tiền của chồng quá vô tư, tôi sợ khi có con, hoặc nhà có việc lớn thì trở tay không kịp, mà không biết làm cách nào "phanh" lại để anh biết tiết kiệm cho gia đình nhỏ.
- Hơn 20 năm sống chung nhưng chúng tôi vẫn hay cãi nhau vì tiền. Chồng tôi thích cuộc sống thoải mái, phóng khoáng. Tôi xuất thân nông dân nên tiêu gì cũng tính toán tỉ mỉ, có tiền chỉ muốn gửi ngân hàng để lấy tiền lãi hàng tháng cho chắc ăn, dư tiền thì thích đi làm từ thiện chia sẻ với những người nghèo khó. Nhưng chồng tôi không bao giờ bỏ 1 xu làm từ thiện, lại thích mạo hiểm đầu tư tiền bạc để làm ăn lớn.
Không chỉ các cặp vợ chồng trẻ, mà nhiều cặp vợ chồng già cũng cãi cọ nhau vì tiền cách tiêu tiền. Nhiều đôi vợ chồng có thói quen để tiền chung, khi ai cần tự lấy ra tiêu. Nhưng khi chồng nổi hứng mua điện thoại mới, vợ thích bộ đầm đẹp cứ... mạnh tay chi là về cãi nhau.
Các nhà nghiên cứu hôn nhân coi kỹ năng đứng đầu hạnh phúc gia đình chính là việc "quản" tiền trong nhà, kể cả người có thu nhập cao cũng vẫn có thể rơi vào cảnh thiếu tiền, nợ nần, khó khăn… khiến hạnh phúc tự ra đi.
Do thu nhập của hai vợ chồng khác nhau, và có một người phải chuyên tâm lo lắng chuyện con cái, nhà cửa... nên mức đóng góp sẽ không thể bằng nhau, mà tùy khả năng mỗi người. Nhưng cần quán triệt là mỗi người cần đóng góp chung xong để đảm bảo cuộc sống cho 1 gia đình trước, còn lại bao nhiêu mới được quyền chi tiêu theo ý mình.
Chứ không phải như một số ông chồng đã và đang làm là lương của mình thì giữ chi riêng, tích lũy riêng, tiêu theo ý mình. Còn lương của vợ thì phải bỏ ra nuôi con, nuôi cả chồng và gánh góp hai bên gia đình.
Cách để tiền bạc không chi phối hạnh phúc
Ai cũng biết tiền không phải là tất cả, nhưng không có tiền thì rất vất vả. Nhưng chúng ta nên học cách để tiền bạc không chi phối hạnh phúc hôn nhân như sau:
1. Khi gặp cuộc sống khó khăn thì niềm tin và tình yêu hai vợ chồng cần trao cho nhau tăng lên gấp nhiều lần so với lúc bình thường.
2. Khi đã có "của để dành" vợ chồng cần biết làm chủ bản thân để ngăn chặn các vấn đề tiêu cực nảy sinh (như nghiện ngập rượu chè, cờ bạc, con cái hư hỏng, ông ăn chả bà ăn nem…).
3️. Con người có thể làm ra đồng tiền, có thể mưu cầu hạnh phúc qua đồng tiền, nhưng không vì thế mà nghĩ rằng tiền có khả năng định đoạt số phận của một cuộc hôn nhân. Bởi bản chất, tiền vô tri vô giác, tự thân nó không xây dựng được hạnh phúc cũng như không có sức phá hủy hạnh phúc của con người.
4. Sau khi kết hôn, thay vì nói "của tôi" như trước đây", vợ chồng nên cùng nhận thức mọi thứ rằng đó là kết quả của "chúng ta" thì mới trọn vẹn tin tưởng, thương yêu nhau.
5. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, vợ chồng cũng nên biết điều với nhau về mặt tài chính. Khi một trong hai người có mức thu nhập cao hơn người kia: Nếu chồng có thu nhập cao hơn vợ thì điều tối kỵ nhất là người chồng không nên làm "quản gia" trong việc chi tiêu hằng ngày của gia đình. Nếu vợ có mức thu nhập cao hơn chồng thì người vợ cần phải biết cẩn thận trong từng lời ăn tiếng nói và cử chỉ của mình. Hãy để người chồng cùng chia sẻ trách nhiệm đó với mình, để người chồng tự tin, thoải mái và cảm thấy mình được vợ tôn trọng hơn.
6. Nếu không muốn xảy ra những cuộc khẩu chiến hay "chiến tranh lạnh" thì vợ chồng cần sớm thảo luận cách chi tiêu và mục đích chi tiêu tiền bạc hàng ngày một cách thẳng thắn, cởi mở và bình đẳng để thống nhất cách sử dụng tiền trong quá trình xây dựng hạnh phúc chung.
7. Chân thành và công khai các vấn đề tiền bạc cá nhân trước và sau khi kết hôn (như số tiền tiết kiệm được, số tiền được bố mẹ cho, tiền phải trả do vay mượn, số tiền phải chu cấp cho gia đình hàng tháng, hay mục tiêu, nguyện vọng tài chính mong muốn trong tương lai…). Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát, tất cả đều phải công khai, rõ ràng để tạo sự tin tưởng, thông cảm giữa hai vợ chồng ngay từ đầu và lâu dài để vấn đề tiền bạc không chi phối hạnh phúc gia đình.
Sự khác nhau về nền tảng văn hóa, giáo dục sẽ dẫn đến thái độ tiếp cận với chuyện tiền bạc ở mỗi người khác nhau. Về bản chất, tiền tự thân nó không xây dựng được hạnh phúc, cũng không có sức phá hủy hạnh phúc hôn nhân. Nếu chồng có thu nhập cao hơn vợ thì điều tối kỵ nhất là người chồng không nên làm "quản gia" trong việc chi tiêu hằng ngày của gia đình. Nếu vợ có mức thu nhập cao hơn chồng thì người vợ cần phải biết cẩn thận trong từng lời ăn tiếng nói và cử chỉ của mình.
Nếu hai vợ chồng không biết cư xử với tiền đúng mức trong hôn nhân thì nhiều tiền hạnh phúc cũng tan. Nếu biết dùng tiền đúng mức thì ít tiền mang lại no ấm, hạnh phúc cho gia đình.
Theo vietnamnet