leftcenterrightdel
 Vợ chồng thầy Đình Hương và cô giáo Thu Hường

Nhận giấy mời ngày 15/1 ra Hà Nội nhận giải B ca khúc Trong vòng tay mẹ từ cuộc thi ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (NSVN) năm 2021, cô Trần Thu Hường - giáo viên dạy nhạc Trường THCS Nguyễn Du (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) vừa mừng, vừa lo. 

Đây là lần thứ hai trong năm 2021 cô vinh dự được nhận giải thưởng về âm nhạc. Trước đó là ca khúc Hạnh phúc của em viết về đề tài giáo viên do Hội NSVN cùng Báo Giáo dục Thời đại phối hợp tổ chức. Lần trước nhận giải ở TP.HCM, lần này cô phải ra tận thủ đô. Không chỉ nỗi lo dịch COVID-19, cô còn nỗi lo cha chồng già yếu ở nhà. Ông cụ nay đã cao tuổi, đau ốm nằm một chỗ. Chồng cô, thầy giáo Nguyễn Đình Hương, biết tâm tư của vợ, nên động viên vợ ráng thu xếp công việc để đi Hà Nội: “Ở nhà đã có anh lo cho ông. Em cứ yên tâm”. 

Thực ra việc chăm sóc cha mẹ già, nuôi dạy con nhỏ, anh Hương giỏi hơn vợ. Ngoài việc làm tốt công tác quản lý của một thầy hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Viết Xuân, về nhà anh chịu khó chăm tưới bảy sào cà phê, trồng rau, nuôi gà phục vụ bữa ăn gia đình. 

Tâm sự với chúng tôi, cô Hường chia sẻ, chồng cô trước kia vốn là thầy giáo dạy văn của cô thời còn học cấp III. Học trò mến thầy vì những bài giảng cuốn hút, dễ hiểu, còn ông thầy quý cô trò vì học giỏi, nết na. Mãi đến khi là sinh viên năm thứ ba Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cô trò mới ngỏ lời yêu thầy và được chấp nhận. 

Cả hai vợ chồng đều là giáo viên công tác tại quê nhà Quảng Nam. Hai năm sau khi cưới, năm 1995 họ ôm cậu con trai đầu lòng lên huyện Di Linh (Lâm Đồng) xây dựng quê hương mới. 

Cặp vợ chồng giáo viên được vùng đất cao nguyên ưu ái. Họ tiếp tục nghề dạy học và kết hợp công việc của một gia đình nông dân với những nương chè, rẫy cà phê bạt ngàn. Cô giáo Thu Hường học sư phạm chuyên ngành âm nhạc, vừa có năng khiếu sáng tác vừa có giọng ca ngọt ngào, nên nhanh chóng hòa nhập với đời sống nghệ thuật của các văn nghệ sĩ Lâm Đồng. Học sinh và phụ huynh Trường THCS Nguyễn Du, huyện Di Linh chưa hết ngạc nhiên về cô giáo dạy nhạc xinh đẹp, tài năng, đàn hay hát giỏi, lại tiếp tục cảm phục cô giáo Thu Hường với những sáng tác được sử dụng trên các phương tiện truyền thông, các đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương. 

Giải thưởng về sáng tác âm nhạc của cô giáo Hường ngày càng nhiều, như:  Giải nhất đàn hát với Piano kỹ thuật số toàn quốc ngành giáo dục năm 2012. Giải ba sáng tác cho đàn piano tác phẩm Đà Lạt trong tôi (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng). Giải nhất hội thi Giọng hát hay ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng. Giải khuyến khích ca khúc thiếu nhi Vầng trăng cánh võng của Hội NSVN năm 2014. Giải khuyến khích ca khúc thiếu nhi Trăng của nội Của Hội NSVN năm 2017. 

Thành tích nhiều, giải thưởng cao là đồng nghĩa với việc cô phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều với giới văn nghệ sĩ. Cô say mê với những cuộc hội thảo ở Hà Nội, ở TP.HCM. Cũng có nghĩa là công việc nhà của thầy hiệu trưởng Nguyễn Đình Hương nhiều hơn. Anh vừa chăm sóc hai con nhỏ, kèm cặp cho các con học tập, vừa chăm sóc mấy héc-ta cà phê, chè... 

Có người hỏi đùa ông giáo Nguyễn Đình Hương, có cô vợ tài sắc như vậy, có lo không? Có ghen không? Anh vui vẻ nói: "Vợ giỏi thì đẹp mặt chồng. Việc gì phải ghen!".

Cô giáo Thu Hường thì “bật mí”, rằng lúc đầu ông xã có hơi ghen chút xíu. Sau này thấy vợ đàng hoàng đúng mực, được mọi người yêu quý thì anh yên tâm, đầu tư thời gian nhiều hơn cho việc gia đình, tạo điều kiện cho vợ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Cô giáo - nhạc sĩ Trần Thu Hường thường khoe với bạn bè: “Một người chồng hết lòng vì vợ con, một cán bộ quản lý liêm chính, được đồng nghiệp quý trọng. Đúng là đàn ông hiếm!”.

Nhắc đến thành tích của vợ, thầy giáo Nguyễn Đình Hương rất phấn khởi, tự hào: “Tôi mong bà xã được ra Hà Nội nhận giải nếu điều kiện thuận lợi. Năm nay cô ấy cũng 52 tuổi rồi, tranh thủ đi đâu được thì đi”.

Thầy giáo Hương năm nay cũng bước sang tuổi 60, sắp nghỉ hưu, anh tự nguyện rời chức hiệu trưởng ở trường xa, về làm phó hiệu trưởng một trường gần nhà để tiện chăm lo cho gia đình. 

Theo phunuonline