leftcenterrightdel
 Cứ nghĩ chồng ở nhà chăm con, Lan yên tâm tăng ca để kiếm tiền lo tết (Ảnh minh họa)

Lan làm việc ở cửa hàng thực phẩm nên cuối năm công việc rất bận rộn. Lan không ngại vất vả, cô nhận làm tất cả mọi việc từ đứng bán hàng, đóng gói, chốt đơn đến đi giao hàng. Khi chị chủ đề nghị cô cố gắng tăng ca vào buổi tối để có thêm tiền lo tết cho gia đình, Lan chỉ đắn đo vì không biết gửi con ở đâu.

Chồng Lan làm nghề tự do, không có thu nhập hơn nửa năm nay. Mọi chi phí sinh hoạt và nuôi con đều do Lan gánh vác. Nhưng nhắc đến chuyện trông con cho vợ đi làm, anh lại giãy nảy. Anh luôn lấy cớ công việc của mình giờ giấc thất thường, ai gọi thì đi nên không chủ động được thời gian. Thực tế, anh đi cả ngày, chẳng mấy khi ở nhà, nhưng không mang về cho vợ đồng tiền nào.

Ban ngày, Lan gửi con gái 3 tuổi ở một nhóm trẻ gia đình với phí khá cao để đi làm, vì trường mầm non chưa mở cửa. Giờ mà gửi thêm vào buổi tối, khoản tiền nộp tăng lên, sợ không kham nổi. Nhưng nghĩ đến mức thù lao gấp đôi so với làm ca ngày, Lan thấy tiếc.

Lan than thở với chồng chuyện công việc, nói xa gần về chuyện tiền bạc rồi tăng ca. Nào ngờ, anh bảo: “Giờ kiếm việc làm khó, em cứ nhận đi rồi để anh sắp xếp chăm con”. Lan thở phào nhẹ nhõm, cô mừng thầm trong bụng khi lần đầu tiên thấy chồng chủ động chia sẻ chuyện con cái với vợ. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế, chồng đề nghị Lan mỗi tuần đưa thêm cho anh ít tiền tiêu vì “bận trông con không đi làm được”. Lan đành ngậm ngùi đồng ý.

Từ lúc sinh con, một tay Lan chăm sóc chứ chồng lấy cớ công việc ít khi ngó ngàng. Mỗi khi về nhà, anh lăn ra ngủ để lấy sức đi làm. Lan nói mãi chẳng có tác dụng gì nên tự mình sắp xếp mọi việc.

Đợt này, công việc của chồng thất thường, không làm ra tiền nhưng anh vẫn đi đều đặn, chẳng ở nhà. Lan biết, chồng đi tụ tập bạn bè hết ăn nhậu đến đánh bài, về nhà chỉ để ăn rồi ngủ.

Nghe chồng nói thế, Lan cứ tưởng, chồng sẽ ở nhà chăm con nên yên tâm đi làm. Mỗi buổi sáng, Lan để tiền ăn cho hai cha con kèm thêm “tiền công” giữ con cho chồng. Một tuần trôi qua, khi cô về nhà lúc nửa đêm thì hai bố con đã ôm nhau ngủ. Đến ngày thứ 11, khi Lan đang làm việc thì chị hàng xóm gọi điện hốt hoảng bảo cô về ngay vì con gái đau bụng dữ dội.

Lan gọi điện cho chồng thì không liên lạc được, cô tức tốc về nhà. Nhà cửa tối thui, đèn chưa bật, con gái đang nằm ở phòng khách nhà hàng xóm, mặt mày tái mét bên bãi ói.

Lan đưa con đi bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm ruột thừa, phải mổ gấp. Suốt thời gian ngồi trong bệnh viện, đầu óc Lan quay cuồng, vừa giận chồng vừa trách bản thân tham công tiếc việc. Những lời chị hàng xóm nói cứ văng vẳng bên tai.

leftcenterrightdel
 Nếu con xảy ra chuyện gì, chắc Lan chẳng thể tha thứ được cho chồng - một người cha vô trách nhiệm (Ảnh minh họa)

Chị bảo, gần nửa tháng nay, cứ tầm chiều chồng cô đón con gái về rồi “gửi” con cho mấy đứa trẻ lớn hàng xóm. Nghe đâu, anh cho tụi nó mấy chục ngàn đồng mua quà vặt rồi nhờ đút cháo dinh dưỡng cho con gái ăn.

Nói là trông chứ con nít chơi với nhau, đến giờ cơm đứa nào về nhà nấy, con bé lang thang ngoài hẻm. Nhiều hôm, chị hàng xóm thấy thương, gọi vào nhà chơi rồi cho ăn cơm. Chồng Lan chỉ về trước vợ khoảng 1 tiếng.

Cũng may, hôm nay, chị hàng xóm gọi con bé vào nhà mới biết nó đau bụng chứ bé cứ chơi ngoài đường thì không biết ra sao. Đến khi con vào phòng mổ, chồng Lan mới vào tới bệnh viện. Nhìn thấy chồng, Lan chỉ im lặng, không biết nói gì khi trong lòng chất chứa bao nhiêu uất ức.

Nếu con xảy ra chuyện gì, chắc Lan chẳng thể tha thứ được cho chồng - một người cha vô trách nhiệm. Không biết sau chuyện này, chồng có thay đổi hay không nhưng Lan quyết định sẽ không tăng ca nữa. Tết có thể thiếu thốn một chút, chỉ mong con khỏe mạnh và an toàn.

Theo phunuonline