Ở tuổi 27, Lucia Thảo Hương Simekova tạo nên cột mốc đời mình khi chuỗi nhà hàng “Phở” do cô sáng lập vừa mới đi vào hoạt động được hai năm không chỉ đạt doanh thu cao ngất ngưởng mà còn giúp cô gái gốc Việt lọt vào danh sách Forbes 30 Slovakia.
- Tình yêu ẩm thực Việt Nam đến với chị thế nào?
Lucia Thảo Hương Simekova: Mẹ tôi thường hay nấu các món ăn Việt ở nhà vì thế đồ ăn Việt gắn bó với tôi như một phần tất yếu. Cách ăn uống món Việt cũng rất khác biệt, chúng tôi thường hay có những bữa cơm gia đình và mời bạn bè người thân đến nhà.
Lucia Thảo Hương Simekova lọt vào danh sách Forbes 30 Slovakia
Tôi còn nhớ tất cả mọi người phải ngồi khoanh chân bên mâm cơm vì chúng tôi không có bàn lớn. Đúng là rất khác so với cách các món ăn được phục vụ ở Slovakia. Tôi nghĩ ẩm thực Việt Nam không chỉ ngon mà còn thú vị nữa.
- Liệu đó có phải là một trong những lý do chị quyết định khởi nghiệp kinh doanh với phở?
Lucia Thảo Hương Simekova: Một phần thôi. Quan trọng hơn cả tôi vẫn là người Việt Nam. Bố mẹ luôn dạy tôi rằng, sống ở đâu làm gì thì phải luôn ghi nhớ Việt Nam vẫn là cội nguồn dân tộc, phải giữ được cái văn hóa, cái hồn Việt Nam bên trong mình.
Từng tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành bất động sản thương mại nhưng Lucia Thảo Hương quyết định rẽ hướng sang kinh doanh chuỗi nhà hàng bán phở tại Slovakia.
Ngoài lý do quảng bá ẩm thực Việt rộng rãi đến người dân Slovakia thì, tôi nghĩ, ở một khía cạnh nào đó, chuỗi nhà hàng “Phở” còn chính là sự kết nối giữa tôi với quê nhà Việt Nam.
- Quá trình khởi nghiệp với chuỗi “Phở” hẳn không thiếu những thử thách, chị đã vượt qua những khó khăn ấy thế nào?
Lucia Thảo Hương Simekova: Tôi nghĩ ai cũng phải đối mặt với thử thách khi bắt đầu kinh doanh, tôi cũng không phải ngoại lệ. Thử thách lớn nhất ở thời điểm đó thực ra rất… bình thường như việc đăng ký kinh doanh hay thuê nhân viên chẳng hạn; ngoài ra, làm thế nào để nhiều người biết đến phở cũng là bài toán cần lời giải.
Người trẻ châu Âu rất thích các sự kiện văn hóa như lễ hội âm nhạc, vì thế chúng tôi quyết định mở một gian hàng ở một lễ hội âm nhạc với khoảng 13.000 người đến tham gia.
Rất nhiều người tìm đến quầy hàng của chúng tôi và thực sự hào hứng khi có thể thưởng thức phở ở một không gian ngoài trời như vậy. Tôi nhớ nhiều người đã rất tò mò, họ sẵn sàng đứng chờ cả tiếng đồng hồ chỉ để ăn một bát phở.
Tuy nhiên, do là lần đầu tiên phục vụ cho số lượng người đông như vậy, chúng tôi cũng gặp phải nhiều trục trặc như thiếu nguồn nước hay chế biến không kịp… Đó cũng là những bài học tiền đề vô cùng cần thiết giúp chúng tôi mở nhà hàng đầu tiên một cách thuận lợi.
- Phở là món ăn gần như là quốc hồn quốc túy của Việt Nam ở đâu cũng có nên đôi khi cũng là cái gì đó khá cũ kỹ, thậm chí nhàm chán. Chị đã làm gì để phở vẫn giữ lại những gì tinh hoa nhất nhưng vẫn mới mẻ, đủ hấp dẫn thực khách?
Lucia Thảo Hương Simekova: Không có bí mật gì cả. Tôi luôn chọn nguyên liệu tốt nhất nhập khẩu từ Việt Nam, chọn thịt chất lượng cao và chế biến đúng công thức, ví dụ nước dùng cần được hầm đủ lâu để có được hương vị tự nhiên. Bản chất món phở truyền thống đã đủ hấp dẫn người ăn rồi nên khi chúng tôi sử dụng công thức nấu phở của gia đình thì chắc chắn sẽ có những biển thể nho nhỏ vừa miệng.
Tuy nhiên, cách chúng tôi phục vụ phở có phần khác biệt, giống với những quầy bar ramen ở nhiều nhà hàng kiểu Nhật; chúng tôi muốn phục vụ những bát phở Việt chất lượng theo kiểu năng động và thuận tiện nhất.
- Được biết chị từng theo học về bất động sản thương mại, nghe có vẻ không liên quan lắm đến việc mở nhà hàng? Tại sao lại có sự chuyển hướng này?
Lucia Thảo Hương Simekova: Tôi luôn nung nấu ý tưởng dự án kinh doanh của mình từ lâu nhưng chưa có dịp thực hiện. Tôi và chồng từng đi du lịch nhiều nơi trước khi có em bé và rất ấn tượng với một nhà hàng nhỏ ở Paris. Ý tưởng về một nhà hàng Việt Nam ấm cúng đến với chúng tôi đơn giản như vậy.
Nền tảng kinh doanh bất động sản giúp tôi quan sát những mô hình nhà hàng trong trung tâm thương mại, từ đó học hỏi rất nhiều cách thức vận hành và cách tận dụng không gian nhà hàng, thậm chí tìm được những địa điểm rất thú vị cho chuỗi “Phở." Tôi không nghĩ đây là sự chuyển hướng hoàn toàn, mà chỉ đơn giản là kết hợp giữa đam mê và kỹ năng mình có.
Lucia Thảo Hương cùng anh họ – hiện giữ vai trò bếp trưởng chuỗi ''Phở''.
Ở giai đoạn khó khăn như đại dịch COVID-19 vừa rồi, chúng tôi phải đóng cửa các nhà hàng trong 1 tuần, nhưng quyết định vẫn mở bếp cho dịch vụ giao thức ăn, vì tuy chẳng có nhà hàng nào mở cửa nhưng khách hàng thì vẫn cần ăn uống những món không thể nấu được tại nhà. Kỹ năng phân tích rủi ro từ nền tảng thương mại đã giúp tôi rất nhiều để có thể duy trì chuỗi “Phở," đồng thời có thể giữ được toàn bộ nhân viên của mình.
- Thành công của chuỗi “Phở” đã giúp chị lọt vào danh sách Forbes 30 Slovakia, điều này có ý nghĩa thế nào với chị?
Lucia Thảo Hương Simekova: Giấc mơ một ngày nào đó mình sẽ xuất hiện trên Forbes luôn ám ảnh tâm trí tôi. Thú thật tôi rất ngưỡng mộ những người trẻ có mặt trong danh sách này, vì thế tôi vô cùng phấn khích khi giờ đây điều kỳ diệu này xảy đến với chính mình. Quan trọng hơn cả, nó khẳng định mọi người đều công nhận công việc tôi đang làm. Đây không chỉ là thành công của riêng cá nhân tôi mà của những cộng sự đã cùng gắn bó cho dự án này.
Chuỗi nhà hàng ''Phở'' của Lucia Thảo Hương tại Slovakia có đến 2/3 nhân viên là người Việt. Đây cũng là cách mà cô tạo công ăn việc làm giúp đỡ các đồng hương tại nơi đất khách quê người.
Bên cạnh đó sự kiện này cũng góp phần giúp món phở nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung được chú ý hơn ở Slovakia, đồng thời cũng tiếp thêm động lực giúp tôi tiếp tục triển khai các dự án mới trong tương lai gần.
- Em bé của chị vẫn còn nhỏ, chị cân bằng giữa vai trò làm mẹ và doanh nhân như thế nào?
Lucia Thảo Hương Simekova: Đúng là không đơn giản chút nào. Tôi đưa bé đi khắp nơi từ ngân hàng đến họp hành, nhưng gia đình cũng hỗ trợ tôi không ít.
- Sinh ra và lớn lên tại Slovakia đồng nghĩa với việc tiếp nhận cả hai nền văn hóa, vậy điều gì khiến chị nhận thấy mình “Việt Nam” nhất?
Lucia Thảo Hương Simekova: Tôi luôn hướng về gia đình. Nói như vậy không có nghĩa chỉ có người Việt mới quan tâm đến gia đình đâu nhé. Tôi chỉ đơn giản nhận ra rằng, bất kỳ người Việt nào tôi gặp cũng đều chăm chỉ, và sự chăm chỉ này đến từ quan điểm coi trọng giá trị gia đình và cố gắng hỗ trợ gia đình.
Những việc tôi làm hay mọi quyết định cá nhân đều xoay quanh gia đình mình, ví dụ như việc tôi chọn sống ở Slovakia là để được gần gũi gia đình. Anh chị em của tôi cũng vậy.
- Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến khá phức tạp và ảnh hưởng đến việc kinh doanh của không ít người. Về phần chị thì sao?
Lucia Thảo Hương Simekova: Trong tương lai gần, việc đánh giá rủi ro để duy trì công việc kinh doanh trong giai đoạn đại dịch vẫn được ưu tiên hàng đầu. Về lâu dài, tôi muốn mở rộng chuỗi “Phở”, có thể mở thêm vài địa điểm mới. Tôi muốn “Phở” trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều người không chỉ tại Slovakia mà có thể trên toàn châu Âu chẳng hạn.
- Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thú vị.
Theo Vietnamplus