Trên đường đi bộ vào vùng đất thánh, tụi mình dừng lại ở một quán cà phê để ăn sáng.
"1 tách cappuccino và 1 chiếc bánh bombolone cho tôi", mình nói với anh bán hàng, trông có vẻ là người nhập cư đến từ Nam Mỹ.
"Gì cơ? Bombolone á?", anh ấy phì cười hỏi bằng tiếng Anh vì nghĩ mình là khách du lịch.
|
Tác giả cùng mẹ và người cô là bác sỹ đến từHà Nội
|
"Thế ở Roma người ta gọi nó là gì?", mình hỏi lại.
"Thôi bỏ đi", anh ta bảo. "Chị đến từ đâu?"
"Việt Nam. Còn anh?"
"Thôi bỏ đi", anh ấy nhắc lại câu này khiến mình hơi ngạc nhiên, có vẻ anh không được vui cho lắm.
"Chị sang du lịch hay sống ở đây?"
Mình kể nhanh với anh việc từng học ở Roma, đã sống ở Ý nhưng giờ đang nay đây mai đó theo các dự án y tế. Khi nghe từ y tế, anh ấy chợt hỏi: "Cô là bác sỹ? Vậy xin hãy giúp tôi..."
|
Bên trong Tòa thánh Vatican
|
Thế rồi, lột bỏ vẻ khinh khỉnh lạnh lùng như lúc đầu, anh bắt đầu kể cho mình nghe vấn đề sức khỏe của anh, tuy mới 35 tuổi nhưng anh đứng không vững, luôn phải chịu đựng những cơn đau nhói ở vùng khớp háng bên phải suốt 2 năm nay.
"Sự đau đớn khiến tôi trở nên già nua như thế này, không thể nở được một nụ cười", anh giải thích.
"Cô của tôi là bác sỹ chuyên về lĩnh vực này. Để tôi hỏi cô cho anh".
"Vâng, làm ơn cứu tôi với. Tôi đang tuyệt vọng, đau đớn nhưng vẫn phải làm việc vì gia đình", giọng anh đầy vẻ van lơn, đôi mắt trực trào như sắp khóc.
"Đây là cửa hàng của anh à?", mình hỏi.
"Không, là quán của anh tôi. Tôi làm công cho anh ấy. Nếu cô khuyên gì, tôi thề sẽ làm theo vì đau đớn quá rồi, tôi đã khám nhiều nơi kể cả về nước chụp chiếu, xét nghiệm mà không giải quyết được".
|
Bác sĩ Việt tham quan Tòa thánh Vatican
|
Cô mình lắng nghe, xem phim chụp X-quang và quan sát tư thế đi đứng rồi chẩn đoán rất có thể anh đang chớm mắc bệnh "hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi" do đứng nhiều và lao động quá sức, đưa cho anh ấy những lời khuyên khẩn cấp, cách chữa bệnh về lâu dài và chuẩn bị tài chính để điều trị. Anh nghe xong thì tập tễnh chạy sang cửa hàng bên cạnh, bỏ cả quán, bỏ cả khách.
Mình phải đi nên qua tìm để nói cho anh tên loại thuốc cần dùng. Thì ra anh ấy đang gọi điện về nhà, nói tiếng Tây Ban Nha, mếu máo như sắp khóc.
Tối muộn ở Florence, nhà mình ăn kebab trong tiệm của người Pakistan, gặp 1 anh Pakistan cũng đang ăn vội bữa tối là ít cơm và thịt gà nấu cà ri. Hai bên trò chuyện vui vẻ, anh ấy nói rất thích người Việt vì họ chăm chỉ và tốt bụng lắm. Lúc chia tay anh ấy quyến luyến lắm, cứ đặt tay lên ngực để tỏ lòng kính trọng. Cô mình tâm sự thấy anh ấy quá vất vả, làm shipper đạp xe lưng đeo cái túi to đựng đầy đồ đạc lủng củng thương quá, muốn biếu chút tiền nhưng ngại không biết nói sao.
Trước đó vài hôm, khi mình cởi mở trò chuyện với 1 anh bán hàng người Bangladesh, anh ấy đã trở nên thân thiện tới mức tặng hoa quả cho mình mang về, lần nào cũng giảm giá mỗi khi mình ghé tiệm mua hàng, dù mình chỉ ở Roma có 3 hôm. Mở lòng, thân thiện thì ta sẽ được nhận lại như thế. Còn nếu không được thì cũng chẳng mất gì, nhưng ít ra cũng sẽ để lại ấn tượng tốt trong mắt người khác.
Thương quá những số phận con người, vì mưu sinh mà phải tha hương, phải chịu đựng ốm đau bệnh tật để nuôi gia đình. Còn nhiều lắm những số phận như thế nên nếu giúp được gì, dù chỉ là thông tin thì cũng nên giúp người ta.
Theo Thanh niên