Anh Capstan Lê sang Australia định cư từ năm 2002. Sau khi cưới vợ, gia đình anh có thêm 2 thành viên mới là 2 cậu con trai nhỏ vào các năm 2012 và 2014. Ngay từ trước khi có con, vợ chồng Capstan Lê đã quyết tâm giữ tiếng Việt cho con nên luôn kiên trì nói tiếng Việt với con ngay từ khi các cháu ra đời. Vợ chồng anh đã tận dụng mọi cơ hội để nói tiếng Việt với con trong các câu chuyện hàng ngày, qua việc đọc sách, xem phim, hát karaoke hay làm bếp.
Ngay cả trong các hoạt động ngoài trời như đạp xe, cắm trại, gia đình anh Capstan Lê cũng luôn sử dụng tiếng Việt để trau dồi khả năng ngôn ngữ và mở rộng vốn từ vựng cho các cháu... Vì vậy, đến nay mặc dù 2 con trai của vợ chồng anh Capstan Lê tuy đều sinh ra tại Australia và nay đã 8 tuổi và 10 tuổi nhưng đều nói tiếng Việt tốt và đọc cả sách tiếng Việt. Gia đình anh Capstan Lê là một trong số nhiều gia đình người Việt tại Australia đang nói tiếng Việt tại nhà để duy trì tiếng mẹ đẻ cho các con.
Theo kết quả cuộc điều tra dân số năm 2021, tại Australia có hơn 334.000 người gốc Việt Nam đang sinh sống, trong đó khoảng 321.000 người đang sử dụng tiếng Việt tại gia đình, tăng khoảng 44.000 người so với năm 2016. Mặc dù số lượng người nói tiếng Việt đang gia tăng tại Australia song tập trung nhiều vào những người lớn. Còn việc dạy và duy trì tiếng Việt cho các cháu nhỏ trong các gia đình người Việt vẫn đang gặp nhiều khó khăn và không nhiều gia đình có thể làm được như gia đình anh Capstan Lê.
Từ năm 2018 đến năm 2020, Trường Đại học Charles Sturt đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về năng lực ngôn ngữ của trẻ em Việt Nam tại Australia và việc bảo tồn tiếng Việt tại Australia.
Tiến sỹ Trần Hồng Vân, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả dự án cho thấy thế hệ người Việt nhập cư vào Australia trong những năm 1980-1990 giữ tiếng Việt rất tốt do nói ít tiếng Anh nên trong gia đình chủ yếu nói tiếng Việt. Từ những năm 2010 trở lại đây, người Việt nhập cư vào Australia nói tiếng Anh tốt hơn và cũng không coi trọng sử dụng tiếng Việt để giao tiếp với con cái nên trong gia đình tiếng Anh được sử dụng để trao đổi nhiều hơn tiếng Việt.
Theo tiến sỹ Trần Hồng Vân, gia đình có vai trò quyết định trong việc giúp con duy trì tiếng Việt. Tiến sỹ Trần Hồng Vân khẳng định, trẻ em có thể cùng lúc học nhiều ngôn ngữ vì thế các gia đình không cần lo lắng về việc các con nói tiếng Việt ở nhà sẽ ảnh hưởng đến việc học tiếng Anh tại trường.
Tiến sỹ Trần Hồng Vân cho biết từ những quan sát của mình và từ những kinh nghiệm của bản thân cho thấy nếu gia đình tạo dựng quy tắc nói chuyện bằng tiếng Việt ở nhà, tạo dựng môi trường và bố mẹ thể hiện tình yêu đối với văn hóa Việt Nam thì con cái cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc duy trì và phát triển tiếng Việt.
Tiến sỹ Trần Hồng Vân nói: “Bố mẹ cần phải giữ tiếng Việt cho con từ khi mới lọt lòng, bằng cách giao tiếp hàng ngày, sinh hoạt hàng ngày đã phải nói tiếng Việt với con rồi chứ không phải đợi đến lúc 5-6 tuổi mới gửi con đi học tại trường tiếng Việt thì đã quá muộn. Tiếng Việt phải được bắt đầu từ khi con mới sinh ra, có thể là từ khi mình có bầu mình đã nói chuyện tiếng Việt với con rồi, gieo vào cho con những chữ cái, tiếng Việt và sau này con sẽ quen hơn với việc học tiếng Việt. Yếu tố đầu tiên là bắt đầu từ rất là sớm.
Thứ hai là, tiếng Việt phải là môi trường trong gia đình. Khi con ra ngoài xã hội, con đi học thì đã có rất nhiều tiếng Anh rồi, đã được học tiếng Anh ở trường ,ở ngoài xã hội, mọi người đã nói với con bằng tiếng Anh rồi thì về nhà mình phải đảm bảo môi trường tiếng Việt cho con, bố mẹ không nói tiếng Anh với con nữa. Đấy là một cách rất hiệu quả để cho con giữ tiếng Việt. Thứ ba nữa là tận dụng mọi cơ hội để nói tiếng việt với con, qua sinh hoạt hàng ngày. Không nhất thiết phải ngồi vào bàn nói chuyện với nhau mà mình nói chuyện với nhau, nấu cơm hoặc làm vườn thì có thể giúp con, giải thích các từ ngữ tiếng Việt với con..Đây là yếu tố rất cần thiết để dạy tiếng Việt cho con. Ngoài ra có 1 yếu tố nữa rất quan trọng đó là bố mẹ phải có thái độ rất tích cực với cả văn hóa Việt và tiếng Việt thì con mới cảm nhận được điều đấy từ bố mẹ và con cũng yêu quý tiếng Việt, yêu quý văn hóa Việt Nam của mình”.
Với anh Capstan Lê, một trong những yếu tố quan trọng để các gia đình người Việt sống ở nước ngoài có thể duy trì được tiếng Việt cho con đó là bố mẹ tự hào là người Việt Nam:
“Mình phải tự hào về nguồn gốc, văn hóa của mình và ngôn ngữ của mình thì mình mới nói được Tiếng Việt, và mình mới giữ được tiếng Việt và truyền cảm hứng cho con. Văn hóa của Việt Nam mình cả ngàn năm là mình giữ tiếng Việt, giữ đất nước của mình, một văn hóa mà trên thế giới này người ta rất tôn trọng... Hiện tại mình đang nói tiếng Việt, đó là điều rất thiêng liêng, mình phải truyền cảm hứng cho con của mình để các con thấy được văn hóa, nguồn gốc của mình rất đáng tự hào và nên nói tiếng Việt, nên giữ tiếng Việt. Chính sự tự hào này làm cho cha mẹ quyết tâm hơn trong việc khuyến khích con học và nói tiếng Việt”, anh Capstan Lê chia sẻ.
Vợ chồng anh Capstan Lê cũng tạo thêm động lực cho các con khi học và sử dụng tiếng Việt khi giải thích cho các cháu về lợi ích của việc sử dụng thành thạo tiếng Việt, đó là tạo sự kết nối bền vững với bố mẹ, ông bà và gia đình. Bên cạnh đó, anh Capstan Lê cũng nói với các con rằng, khi nói được nhiều ngôn ngữ thì sẽ học được cách tư duy và giải quyết vấn đề của nhiều nền văn hóa và cũng có thêm cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Ngoài việc nỗ lực duy trì tiếng Việt cho con, vợ chồng anh Capstan Lê còn dành thời gian cuối tuần tới trung tâm dạy tiếng Việt của cộng đồng để giúp trẻ em người Việt sinh ra và lớn lên ở Australia giữ gìn tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Mặc dù phải chia sẻ thời gian nghỉ ngơi quý báu với các em nhỏ song điều đó không làm vợ chồng anh Capstan Lê phiền lòng, mà ngược lại các buổi đi dạy tiếng Việt đã mang hạnh phúc đến với vợ chồng anh vào mỗi dịp cuối tuần.
“Mình rất vui khi mình đi dạy tiếng việt vì thấy các em sinh ra và lớn lên ở đây nói tiếng Việt, thỏ thẻ tiếng Việt làm mình rất hạnh phúc khi nghe điều đó. Điều đó làm động lực cho mình mỗi tuần mình soạn giáo án, soạn bài để đến dạy cho các em. Đó là động lực rất là lớn khi thấy các em nói tiếng Việt”, anh Capstan Lê cho biết.
Tại thành phố Brisbane của Australia còn có một trường dạy tiếng Việt có tên gọi Yêu Tiếng Việt của một đôi vợ chồng đều là chuyên gia ngôn ngữ người Việt.
Tiến sỹ Nguyễn Thế Dương, Giám đốc điều hành trường Yêu Tiếng Việt cho biết, trường bắt đầu hoạt động từ năm 2016 và đến nay đã trở thành một địa chỉ dạy tiếng Việt có uy tín, thu hút rất nhiều bạn nhỏ đang sinh sống tại Australia và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
“Yêu tiếng Việt luôn tuân thủ theo 1 phương châm giảng dạy đó là học mà vui, vui mà học nên bất kỳ lớp học tiếng Việt nào cũng tuân thủ tiêu chí phải vui tươi và hấp dẫn. Chúng tôi muốn biến lớp học trực tuyến thành môi trường, là nơi các em có thể chơi đùa với tiếng Việt, không phải chỉ là học tiếng Việt và biến tiếng Việt thành một khu vườn cổ tích rất lung linh với nhiều trò chơi hấp dẫn và nhiều hoạt động tương tác. Và tiếng Việt trong lớp học đó thực sự trở thành tiếng Việt của các em chứ không phải là của phụ huynh hay của thày cô giáo. Nếu đã là tiếng Việt của các em thì các em sẽ rất tự hào và rất tự nhiên, rất tự hào khi được nói tiếng Việt, tự nhiên yêu tiếng Việt”, ông Nguyễn Thế Dương nói.
Người lớn có nhiều động lực để giữ tiếng Việt cho con song với các em nhỏ để các em hứng thú nói tiếng Việt và tham gia vào các lớp học tiếng Việt thì đòi hỏi không chỉ có sự nỗ lực động viên của bố mẹ còn cần cả sự kiên trì từ chính các em.
Vì muốn gìn giữ tiếng Việt cho con và muốn bạn bè của con cùng nói được tiếng Việt nên tiến sỹ Trần Hồng Vân đã mở một lớp nhỏ dạy tiếng Việt tại nhà vào chiều chủ nhật mỗi tuần. Các cháu học sinh đều là con của bạn bè và chơi thân với các con của chị trong nhiều năm vì thế các cháu đến lớp không chỉ được học tiếng Việt mà còn được chơi với bạn.
Trương Trí Huy là một bạn nhỏ 12 tuổi đang là học sinh của trường Sydney Technical High School. Huy đã tham gia lớp học tiếng Việt tại nhà của chị Trần Hồng Vân được hơn 1 năm và em đang rất thích học ở đây vì vừa học, vừa có bạn. Huy cho biết, kể từ khi đi học, khả năng nói và viết tiếng Việt của em đã tốt hơn và em sẽ tiếp tục học cho đến khi có thể tự mình đọc được sách.
“Con học tiếng Việt để nói được với ông bà ở Việt Nam và đọc sách được và viết được tiếng Việt. Con sẽ học tiếng Việt ở lớp bác Vân cho đến khi đọc được sách mà không cần có người giúp”, em Trương Trí Huy nói.
Tiếng Việt không chỉ là một ngôn ngữ mà còn là gốc rễ của văn hóa Việt, là sợi dây kết nối gia đình, giữa con cháu với họ hàng, ông bà và cha mẹ. Vì vậy, với nhiều người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, việc dạy con sử dụng tiếng Việt không chỉ để truyền dạy tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ tiếp nối mà còn là cách duy trì sợi dây kết nối tình cảm với gia đình và với quê hương Việt Nam. Vì điều này mà nhiều người Việt sống đang sống tại Australia như gia đình anh Capstan Lê hay gia đình chị Vân hay gia đình thày Nguyễn Thế Dương và cả những bạn nhỏ như Trương Trí Huy đang nỗ lực mỗi ngày với hy vọng “mưa dầm thấm lâu” để tiếng Việt sẽ không bị mai một và được tiếp nối qua nhiều thế hệ người Việt sống ở nước ngoài./.
Theo vov