leftcenterrightdel
 Em Lê Đỗ Tuấn Hưng rất thích học tiếng Việt để có thể giao tiếp với người thân ở Việt Nam cũng như tham gia được nhiều hoạt động văn hóa của người Việt

“Hôm qua em tới trường

Mẹ dắt tay từng bước

Hôm nay mẹ lên nương

Một mình em tới lớp…”

Đều đặn mỗi cuối tuần, một góc trung tâm thương mại SAPA, tại Praha, Cộng hòa Séc lại vang lên những giọng nói bập bẹ, ngây ngô của thế hệ thứ 2, 3 người Việt. Không phân biệt lứa tuổi, trình độ, mỗi học sinh khi tham gia các lớp học tiếng Việt như thế này đều mong muốn có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Việt với bố mẹ, gia đình cũng như hỗ trợ gia đình hội nhập tốt ở nước sở tại.

“Cháu là người Việt Nam, bố mẹ cũng là người Việt nên cháu học tiếng Việt để có thể giao tiếp được. Thứ 2 là khi gặp người thân thì học tiếng Việt có thể giao tiếp với mọi người. Nếu bố mẹ có bị ốm thì cháu có thể dịch giúp bố mẹ với bác sĩ qua tiếng Séc cho chuẩn ạ”, em Lê Đỗ Tuấn Hưng cho biết.

Hơn 17 năm tham gia giảng dạy cho các thế hệ người Việt, cô Lê Hồng Nhung cho biết khó khăn trong việc dạy và học ở nước ngoài là học sinh không có nhiều thời gian tiếp xúc với tiếng Việt; các lớp học chỉ diễn ra vào cuối tuần lại dành cho học sinh ở các lứa tuổi khác nhau, do đó việc biên soạn một giáo trình phù hợp với từng nhóm tuổi gặp nhiều hạn chế. Khó khăn là vậy, nhưng cô và các giáo viên khác vẫn luôn cố gắng truyền tải cách tiếp cận tiếng Việt nhanh nhất, dễ hiểu nhất cho các em với tâm niệm nếu không giữ được tiếng Việt thì không thể giữ được văn hóa truyền thống.

“Tôi tham gia giảng dạy tiếng Việt tại Séc bởi thế hệ thứ 2,3 sinh ra tại đây mà đối với các em tiếng Séc là tiếng mẹ đẻ. Tôi thấy các em ít có thời gian tiếp xúc với người Việt hoặc nói chuyện tiếng Việt rất ít, khả năng nói giao tiếp bằng tiếng Việt rất kém. Tôi nghĩ rằng nếu tình trạng này vẫn diễn ra, nếu chúng ta không giữ được ngôn ngữ thì sẽ không giữ được văn hóa truyền thống người Việt. Do đó, tôi quyết định tham gia giảng dạy và giúp các em học tiếng Việt để ít nhất có thể giao tiếp nói chuyện với ba mẹ và sau đó là viết chính tả sao cho đúng”, cô Nhung chia sẻ.

leftcenterrightdel
Cô Lê Hồng Nhung vẫn miệt mài hàng tuần tham gia các lớp dạy tiếng Việt cho các thế hệ thứ 2,3 của người Việt tại Praha, Cộng hòa Séc 

Là một trong những người đầu tiên thành lập Trung tâm tiếng Việt tại Praha, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng bên cạnh sự chung tay của gia đình và cộng đồng, mỗi thầy cô phải là người gắn kết và truyền tải tình yêu tiếng Việt tới các thế hệ học sinh.

“Dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng thực sự là nghệ thuật, phải làm sao để các cháu mến, các cháu yêu, các cháu nhớ, các cháu đến, chứ thực sự không có gì bắt buộc các cháu”, ông Sơn cho biết.

leftcenterrightdel
Đại diện Đại sứ quán và cộng đồng chụp ảnh lưu niệm với thầy trò và trung tâm tiếng Việt Praha 

Với một cộng đồng hơn 80.000 người Việt đang sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Séc, việc duy trì, nâng cao nhận thức về tiếng Việt sẽ có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn và lan tỏa bản sắc văn hóa người Việt ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt tại Cộng hòa Séc cho biết: “Theo tôi, nếu nói về một quốc gia thì tiếng Việt còn thì đất nước còn, hay dân tộc nào còn tiếng mẹ đẻ thì còn tồn tại dân tộc đó. Đối với cộng đồng, còn tiếng Việt sẽ còn bản sắc văn hóa dân tộc và cộng đồng đó còn tồn tại; trong gia đình nếu tiếng Việt còn thì sẽ là sợi dây gắn kết các thế hệ trong gia đình bền chặt và phát huy được truyền thống quý báu của dân tộc. Vì thế tôi nghĩ, dạy Tiếng Việt ở đây phải là sự hợp tác, sự quyết tâm của cộng đồng, của xã hội và của gia đình để chúng ta bảo tồn được tiếng Việt. Khi Nhà nước Việt Nam lấy ngày mùng 8/9 là ngày tôn vinh tiếng Việt, thực sự tôi rất cảm động, bởi vì điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài”.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Duy Nhiên bày tỏ sự xúc động khi có một ngày tôn vinh tiếng Việt, đó sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với các cái cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài và là động lực để kiều bào gắn kết hơn nữa với quê hương. 

Có thể thấy, việc duy trì tiếng Việt trong mỗi gia đình là mong muốn, nguyện vọng của các thế hệ người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Đó cũng là động lực để các thế hệ sau tiếp nối, duy trì và phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa người Việt, hội nhập tốt ở nước sở tại. Giữ gìn tiếng Việt cũng chính là giữ gìn hồn cốt của dân tộc, là sợi chỉ đỏ kết nối người Việt khắp năm châu cũng như là cầu nối hữu nghị với bạn bè trên toàn thế giới./.

Theo vov