Học viên người nước ngoài chơi violin ca khúc "Hello Vietnam’. (Ảnh: An Lê)

 

Buổi lễ có sự tham gia của đại diện Lãnh đạo ALOV, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại sứ quán các nước tại Hà Nội, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, các trường đại học và các cơ quan báo chí truyền thông.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Phú Bình – Chủ tịch ALOV khẳng định học tiếng Việt và dạy tiếng Việt hiện đang là một xu thế tất yếu khi Việt Nam ước tính có tới 4,5 – 5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Không những thế, nước ta đang mở cửa hội nhập rất mạnh mẽ và nhu cầu người nước ngoài muốn biết về văn hóa Việt Nam, nói và hiểu tiếng Việt Nam ngày càng lớn. Trong tình hình đó, rất nhiều cơ sở giáo dục tiếng Việt đã được mở và phát triển mạnh ở trong và ngoài nước.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình - Chủ tịch ALOV phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: An Lê)

 

Cho rằng việc ra đời những tài liệu với những phương pháp học tiếng Việt mới là một xu hướng tất yếu, Đại sứ Nguyễn Phú Bình đánh giá cao chương trình dạy tiếng Việt của Hanaspeak – một trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đến Việt Nam. Ông nhấn mạnh đây là một đối tác mà ALOV có thể hỗ trợ cho việc dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài và bày tỏ lòng cảm kích Tập đoàn Ntea đã đứng ra hỗ trợ cho việc sản xuất chương trình này.

“Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, với tư cách bảo trợ về tinh thần, sẽ quảng bá, tuyên truyền cho cộng đồng người Việt Nam tại các nước để phát triển và từng bước hoàn thiện chương trình. Chúng tôi còn có một số dự án khác như dạy tiếng Việt online cho giới trẻ Việt nam ở nước ngoài, dự án dạy tiếng Việt thông qua truyện cổ tích, dạy song ngữ. Chúng tôi tin nếu chúng ta phối hợp với nhau, chắc chắn những dự án sẽ thành công, tạo nên một sức mạnh cộng hưởng, mang lại lợi ích cho cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài và cho người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam”, Đại sứ Nguyễn Phú Bình nói.

Bộ học liệu ‘Xin chào Việt Nam’. (Ảnh: An Lê)

 

Trình bày tổng quan về việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, PGS. Nguyễn Lân Trung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký ALOV cũng cho biết trong những năm qua, việc dạy và học tiếng Việt đã trở thành một nhu cầu bức thiết trong các cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài. Tuy nhiên do hoàn cảnh và điều kiện sinh hoạt, làm việc của kiều bào ta ở các nước có khác nhau (ngay trong một nước, giữa các vùng cũng khác nhau) nên hoạt động dạy và học tiếng Việt đã diễn ra rất đa dạng với các mức độ, kết quả rất khác nhau.

Theo PGS. Nguyễn Lân Trung, từ tháng 8/1998, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã mở mục học tiếng Việt trên website của Uỷ ban. Để có tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy, học tiếng Việt, trong thời gian đầu, khi chưa biên soạn kịp, nhiều nơi đã sử dụng sách giáo khoa tiếng Việt cũ (xuất bản tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975) hoặc sách giáo khoa tiếng Việt do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành.

Bà Phạm Thị Hương – Tác giả, Giám đốc Hanaspeak đã giới thiệu bộ học liệu "Xin chào Việt Nam". (Ảnh: An Lê)

 

Gần đây tại một số quốc gia, nhiều giáo viên, nhà nghiên cứu đã biên soạn mới một số sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bài tập... Trên thực tế, chưa có một giáo trình nào được xem là đáp ứng toàn diện nhu cầu chuyên môn. Giáo trình của các trường Đại học ở Việt Nam thường có xu hướng “hàn lâm” nên chưa thật phù hợp với nhu cầu học là để giao tiếp đơn giản hàng ngày. Bời vậy, PGS. Nguyễn Lân Trung hy vọng Đề án do Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì, phối hợp với đơn vị đối tác và các nhà đầu tư, sẽ góp phần cùng với những Đề án khác được triển khai trước đây và hiện nay, nâng cao phạm vi, chất lượng dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Tại sự kiện, bà Phạm Thị Hương – tác giả, Giám đốc Hanaspeak đã giới thiệu bộ học liệu "Xin chào Việt Nam" gồm 20 bài với chủ đề khác nhau thông qua những câu chuyện của nhân vật Hanna như: Gia đình, nghề nghiệp, thời tiết, đi bệnh viện, mua sắm, du lịch… Với thiết kế đẹp mắt, hình ảnh sinh động, chất liệu giấy tốt, ông Nguyễn Kim Cương – Chủ tịch Tập đoàn Ntea, đại diện nhà đầu tư cũng bày tỏ niềm tự hào khi góp phần hỗ trợ cho ra đời bộ học liệu dạy và học tiếng Việt Nam với chủ đề "Xin chào Việt Nam".

Đại biểu tham dự sự kiện bấm nút mở ra mắt gói tài liệu học tập. (Ảnh: An Lê)

 

Thay mặt khách mời, ông Đinh Hoàng Linh – Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng đánh giá cao hoạt động của ALOV và các đối tác có nhiệt huyết tăng cường nhịp cầu nối học tiếng Việt cho kiều bào ta và người nước ngoài. Bày tỏ ấn tượng trước sản phẩm công phụ của giáo trình tiếng Việt “Xin chào Việt Nam”, ông Đinh Hoàng Linh tin rằng bộ học liệu này sẽ góp phần thúc đẩy dạy học và gìn giữ ngôn ngữ tiếng Việt.

Học viên người Nga Lisa Elizabeth, người đã sống ở Hà Nội được 5 năm và là người đại diện một công ty du lịch của Nga tại Việt Nam cho biết, “Khi đến Việt Nam, tôi hiểu mình phải hiểu và nói được tiếng Việt. Bắt đầu bằng hình thức tự học với những giáo trình tự kiếm, nhưng sau một thời gian, tôi biết được mình không có đủ tài liệu cần thiết cũng như phương pháp học của mình không hiệu quả. Khi tìm hiểu về Trung tâm Hanaspeak, tôi đã quyết định học tại đây và đạt được nhiều tiến bộ trong quá trình học tiếng Việt”.

Theo baoquocte.vn