Dù sống ở nước ngoài nhưng chị Trịnh Hải Hà vẫn mong con mình có điều kiện học tiếng mẹ đẻ một cách đàng hoàng.

Nỗi ưu tư của một người mẹ

Chị Trịnh Hải Hà, sinh năm 1985, tại Hà Nội là 1 trong 23 học sinh xuất sắc được tuyển đi du học tại Singapore vào năm 2000. Năm 2011, chị tốt nghiệp thạc sĩ tại đại học Quốc gia Singapore (NUS), chuyên ngành xã hội học. Sau khi tốt nghiệp, chị làm việc cho công ty tư vấn kinh doanh đa quốc gia Bain & Company. Chị kết hôn và ở lại làm việc tại Singapore từ đó đến nay. Dù làm việc ở nước ngoài, nhưng chị khá quan tâm đến nền giáo dục Việt Nam và mong muốn một ngày nào sẽ đóng góp cho nước nhà trong lĩnh vực này.

Chị Trịnh Hải Hà, sinh năm 1985, tại Hà Nội là 1 trong 23 học sinh xuất sắc được tuyển đi du học tại Singapore vào năm 2000.

 

Năm 2018, với niềm đam mê với giáo dục mầm non, chị đã theo học một chương trình đào tạo giáo viên mầm non theo phương pháp Montessori, là một phương pháp nổi tiếng về tính hiệu quả trong việc phát triển nhân cách và trí tuệ của trẻ theo hướng độc lập, tự tin và sáng tạo. Chị đã thành lập trường Montessori tại Singapore, nơi chị hiện đang tham gia công tác quản lý và giảng dạy.

Trong niềm khát khao được phục vụ cộng đồng, lại là một người mẹ Việt Nam nặng tình với quê hương, chị từng trăn trở: Làm sao con chị có thể nói, đọc, và viết tốt tiếng Việt khi sống một môi trường mà mọi người đều dùng tiếng Anh. Đem mối bận tâm này chia sẻ với bạn bè, chị nhận ra rằng đó cũng là mong muốn của nhiều gia đình người Việt hiện đang sinh sống tại nước ngoài. Mọi người mong con em mình có khả năng sử dụng tiếng Việt để kết nối với gia đình, người thân, cũng như để có thể sống và làm việc ở Việt Nam trong tương lai (trong trường hợp gia đình trở về nước, hoặc các cháu lớn lên làm việc ở những vị trí đòi hỏi giao tiếp với người Việt, đọc tài liệu tiếng Việt).

Như được tiếp thêm nghị lực, chị đã mạnh dạn mở lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào vào chiều thứ Bảy hàng tuần, trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất ngôi trường Montessori. Chị gọi tên là lớp học là lớp "Vui học tiếng Việt". Có lẽ đây là lớp tiếng Việt đầu tiên dành cho trẻ em người Việt tại Singapore. Chính vì vậy, mà nhiều phụ huynh không ngại đi tàu điện ngầm 30km để đưa các cháu tới lớp. Hiện lớp "Vui học tiếng Việt" có 12 cháu theo học thường xuyên. Các cháu mang nhiều quốc tịch khác nhau như: Singapore, Mỹ, Úc, Việt Nam... nhưng đều có bố hoặc mẹ là người gốc Việt.

Hành trình giữ gìn tiếng mẹ đẻ nơi đất khách

Là một trong những người tiên phong trong việc mở lớp dạy tiếng Việt ở Singapore, chị Hà đối diện với rất nhiều khó khăn, nhất là kinh phí để tổ chức lớp học, xây dựng chương trình giảng dạy. Việc thu hút được đội ngũ giáo viên tâm huyết với công việc cũng không hề đơn giản. Dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài có những đặc thù riêng mà các chương trình hiện có chưa đáp ứng được. Nhiều em học sinh hầu như không nói tiếng Việt ở nhà. Để có được những bài học sinh động, bổ ích, hấp dẫn với các các em đòi hỏi giáo viên phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức suy nghĩ, sáng tạo, chuẩn bị tài liệu, học liệu. Bên cạnh đó, các gia đình người Việt ở rải rác khắp nơi trên đất nước sư tử biển, do vậy việc tập trung các em học sinh lại vào một giờ và một địa điểm cũng rất khó khăn. Nhất là khi mỗi em đều có lịch học, lịch chơi cuối tuần khác nhau.

Để có được những bài học sinh động, bổ ích, hấp dẫn với các các em đòi hỏi giáo viên phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức suy nghĩ, sáng tạo, chuẩn bị tài liệu, học liệu.

 

Tại các trường công lập ở Singapore, tất cả học sinh ngoài học tiếng Anh còn phải học thêm tiếng mẹ đẻ. Ba tiếng mẹ đẻ chính thức là tiếng Trung, tiếng Mã lai và tiếng Tamil. Tuy nhiên, học sinh có thể xin phép bộ giáo dục học một tiếng mẹ đẻ khác để thay thế. Hiện nay đã có sáu thứ tiếng được bộ giáo dục cho phép, gồm tiếng Pháp, Đức, Nhật, Thái và Miến. Nếu tiếng Việt cũng được công nhận như vậy thì sẽ rất tốt cho nhiều học sinh, nhất là người gốc Việt, cũng như tốt cho các mối quan hệ quốc tế của Việt nam. Chị mong muốn nhà nước quan tâm đến việc làm sao để Singapore công nhận tiếng Việt là một ngôn ngữ mà học sinh có thể lựa chọn để học như một tiếng mẹ đẻ hoặc một ngoại ngữ. Đây là việc mà cộng đồng một số nước khác trong khu vực đã làm được đối với tiếng của họ, ví dụ như Thái lan và Myanmar.

Để việc học tiếng Việt ở nước ngoài được thuận lợi hơn chị rất mong nhận được sự chia sẻ và và hỗ trợ của các cơ quan nhà nước về nguồn lực tài chính và tư vấn tổ chức.

Thu Ba