Sắp 9h sáng, Ngọc tất bật soạn bút, vở, mở sẵn máy tính để chuẩn bị cho buổi học tiếng Việt trực tuyến. Suốt 5 tháng nay, những công việc này đã trở thành thói quen và niềm vui với cô bé 12 tuổi.

Sinh ra và lớn lên tại Pháp, Ngọc ít có cơ hội được về thăm quê hương. Thế nhưng, Ngọc rất thích học tiếng Việt. Đó cũng là mối dây gắn kết cô bé với cội nguồn. Biết được thông tin về lớp học của câu lạc bộ "Yêu tiếng Việt" qua Facebook, bố mẹ đã đăng ký cho Ngọc tham gia.

Cô bé rất hứng thú, đều đặn thứ bảy hàng tuần dành một tiếng để học với các thầy cô là người Việt Nam qua ứng dụng Zoom. Các bạn cùng lớp "Kangaroo" với Ngọc không ở Pháp mà ở Australia. Lúc 9h ở Pháp thì Australia là 17h. Cách Ngọc gần nửa vòng trái đất, Tâm Minh và Hào Hiệp ở bang Queensland, Sumi ở bang Victoria cũng lần lượt vào Zoom để tham gia buổi học.

              Một buổi học tiếng Việt trực tuyến qua Zoom của trẻ Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: Thế Dương.

Lớp Kangaroo đang học về thơ lục bát. Với những bạn nhỏ không sinh ra tại Việt Nam, đây thực sự là chủ đề khó nhằn. Thế nhưng bằng tình yêu với tiếng mẹ đẻ, các em đã dần thấm được cái hay, cái đẹp và nét tinh tế của thể thơ này. Thậm chí, một số bắt đầu hứng thú làm thơ lục bát.

Sau những chệch choạc ban đầu, những "thi sĩ" nhí xa quê, chưa từng học tiếng Việt trong trường học, đã bắt đầu sáng tác được những câu thơ mượt mà. "Trăng ơi trăng đã xuống chơi/ Trắng tinh như tuyết của mùa đông qua/ Tròn như trái đất của ta/ Ánh trăng tỏa sáng xa xa chân trời", Ngọc viết.

Ngọc có vốn hiểu biết về tiếng Việt khá nhiều nhưng không phải học sinh nào tìm đến lớp tiếng Việt cũng như vậy. Nhiều em không sinh ra ở Việt Nam, hoặc sống trong môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hàn trong thời gian dài, đã dần xa rời và bị "giãn cách" với tiếng Việt. Nhiều gia đình, phụ huynh bận rộn với công việc, bỗng một ngày nhận ra bị bất đồng ngôn ngữ với con.

                     Bài thơ lục bát do Khánh Ngọc (12 tuổi, Pháp) làm. Ảnh: Thế Dương.

Tiến sĩ ngôn ngữ trẻ em Nguyễn Thế Dương, người điều hành câu lạc bộ "Yêu tiếng Việt", chia sẻ không chỉ những gia đình cả bố lẫn mẹ là người Việt mà ngay cả những nhà có bố hoặc mẹ là người nước ngoài, việc gìn giữ tiếng Việt được xem là yếu tố quan trọng để kết nối với nguồn cội, tạo nền tảng thành công trong cuộc sống sau này. Từ đó, nhiều phụ huynh đã tìm đến mô hình học tiếng Việt trực tuyến của "Yêu tiếng Việt".

Khi tham gia các lớp học, học sinh sẽ được học trực tuyến qua Zoom với số lượng mỗi lớp 4-6 em. Giáo viên là những người đã được đào tạo cơ bản về ngôn ngữ học và phương pháp giảng dạy tiếng Việt. Các lớp học sử dụng bộ giáo trình "Tiếng Việt của em" do nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành. Học phí 15 AUD một buổi (khoảng 250.000 đồng), hiện giảm còn 7,5 AUD do Covid-19.

Hiện học sinh khắp thế giới phải học trực tuyến, vô tình hỗ trợ rất nhiều cho các lớp học tiếng Việt online vì các em sử dụng thông thạo Zoom. Cũng có những em bỡ ngỡ, thậm chí lo lắng lúc ban đầu nhưng rồi lớp học tiếng Việt dần trở nên gần gũi và gắn bó hơn.

Theo thầy Dương, vì học qua Zoom, các lớp học đều được thiết kế đặc biệt để phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi và sở thích của trẻ. Tính tương tác được đẩy mạnh thông qua tình huống giao tiếp thực tế, trò chơi vui nhộn như đoán đồ vật, ô chữ kỳ diệu.

"Những tiếng nói cười không dứt từ các buổi học đã dần đưa các em lạc vào khu rừng cổ tích tiếng mẹ đẻ tuyệt đẹp", thầy Dương nói, say sưa kể chuyện Minh Khuê, 8 tuổi, đến từ New Zealand, rất yêu thích những bài thơ như "Chuột con ngốc nghếch", "Hai con dê qua cầu". Dế Mèn, 9 tuổi, đến từ Pháp, thích ngân nga bài hát "Quả gì mà chua chua thế".

                     Bức thư viết bằng tiếng Việt của một học sinh gửi ông bà mình. Ảnh: Thế Dương.

Thầy Dương cho biết, học sinh ở các trình độ rất khác nhau, có em không nói được một từ tiếng Việt, có em biết nói một chút, nhưng lại không biết đọc; lại có em nói năng trôi chảy nhưng không biết đọc. Nhiều khi luyện cho các bé nói được đúng dấu ngã cũng cần sự kiên trì.

Với đối tượng học sinh khá đa dạng về trình độ lại thuộc nhiều lứa tuổi và ở các quốc gia, việc chia lớp và giảng dạy được tiến hành khá linh hoạt. Có lớp tập trung vào luyện đọc và viết, có lớp chuyên về giao tiếp cơ bản, lại có lớp phải dạy kết hợp nhiều kỹ năng một lúc.

"Chúng tôi luôn phải đổi mới nội dung chương trình, làm cho nó hấp dẫn hơn với các em", thầy Dương chia sẻ và thông tin thêm hiện câu lạc bộ phối hợp với một số tổ chức giáo dục trong và ngoài nước để xây dựng thêm các bộ học liệu cho từng nhóm học sinh nhằm tăng hứng thú cho các em.

Đã mở các lớp dạy trực tuyến được 6 tháng với hơn 70 học sinh, thầy Dương nhận thấy điểm rất tích cực là năng lực tiếng Việt của các bé ngày một tốt lên. Vui nhất chính là phụ huynh và ông bà của các bé. Bà nội bé Milan 7 tuổi, ở Australia, chia sẻ: "Sau một thời gian, cháu đã yêu tiếng Việt hơn và nói chuyện được nhiều hơn với ông bà ở Việt Nam".

Nhiều phụ huynh cũng đánh giá lớp học hữu ích và tiện lợi, nhất là trong thời điểm đại dịch. "Các con chỉ cần có máy tính là có thể học được mọi nơi, mọi lúc. Nó tiết kiệm được khá nhiều thời gian cho cả bố mẹ lẫn các con. Học online còn giúp cho các bạn nhỏ gặp gỡ và kết bạn với nhiều bạn người Việt mới trên khắp thế giới", chị Bảo Anh, một phụ huynh từ Đức chia sẻ.

Nói về kế hoạch thời gian tới, thầy Dương cho biết câu lạc bộ sẽ duy trì việc dạy tiếng Việt cho trẻ em khắp thế giới với phương châm học mà chơi, chơi mà học, tức là dạy học tiếng Việt thông qua nhiều hình thức đa dạng để kích hoạt niềm hứng thú học cho các em. "Với cách này, tiếng Việt sẽ dần trở thành tiếng Việt của em. Và một cách thật tự nhiên, các em sẽ yêu tiếng Việt", thầy Dương nói.

Theo vnexpress