- Ra mắt bản dịch Truyện Kiều tiếng Anh ở tuổi 87, cảm xúc của ông thế nào?

- Tôi thấy bản thân chinh phục được "đỉnh núi Everest" của cuộc đời, mọi gánh nặng được trút bỏ. Nhiều lúc, tôi nghĩ mình không thể tiếp tục vì sức khỏe suy kiệt. Năm ngoái, khi dịch đến câu 3.254, tôi sung sướng quá, gọi điện thông báo cho bạn tôi - dịch giả Phạm Toàn. Ông Toàn là người động viên, đồng hành với tôi trong quá trình dịch. Bạn tôi đã mất, không thể nhìn thấy tác phẩm được in thành sách.

- Ông thấy nản chí nhất khi nào?

- Thời điểm mới dịch Truyện Kiều hơn hai năm trước, tôi mắc nhiều bệnh. Chứng zona thần kinh khiến cơ thể tôi đau nhức, không nhấc nổi chân, tay, phải vào TP HCM chữa trị một thời gian. Tôi gặp cản trở vì thị lực kém, mắt tôi đã gần lòa, nhìn người chỉ còn thấy bóng. Tôi làm việc trên một chiếc máy tính nối với màn hình lớn, phải phóng to đến mức cả màn hình chỉ chứa được vài dòng. Tôi mò mẫm, tỉ mẩn gõ từng chữ một. Người ta dịch xong vài trang có khi tôi mới dịch được một dòng.

Nhiều buổi sáng, tôi mở máy và không nhìn ra nét chữ nào. Tôi hoang mang, sợ hãi vì nghĩ mình phải bỏ cuộc. Tôi nhắm mắt, tự trấn an: "Chưa đến lúc tận thế đâu". Và rồi tôi mở mắt ra, thật kỳ diệu, tôi có thể nhìn thấy nét chữ mờ mờ. Hai năm qua, tôi phải tiêm thuốc trợ lực trực tiếp vào mắt đến vài chục lần.

Mắt kém, tai hơi nặng, đi xuống cầu thang phải có người dìu, Dương Tường ví cơ thể ông như một cỗ máy rệu rã, có thể long hết ốc vít bất cứ lúc nào. Ảnh: Thanh Thanh.

- Ngoài những khó khăn về sức khỏe, ông gặp cản trở gì khi chuyển ngữ tác phẩm kinh điển của đại thi hào Nguyễn Du?

- Tôi không thể tra cứu từ điển hay các tài liệu, chỉ có thể dựa tất cả vào trí nhớ của mình. Thuở nhỏ, tôi ở với một bà dì. Bà không biết chữ nhưng nhớ như in Truyện Kiều, thường ngâm nga ru tôi. Vì thế, tôi đã thuộc làu làu tác phẩm. Thỉnh thoảng, học trò sang nhà tôi ngâm Kiều. Tôi trao đổi, giảng giải những đoạn Kiều tôi thích, giống như một giờ dạy Văn.

- Đầu tư nhiều công sức, trí lực dịch Kiều, ông nhận được gì khi sách ra mắt?

- Cuốn này Nhà sách Nhã Nam in hộ tôi, tôi không có nhuận bút, tôi chỉ lấy sách để tặng bạn bè, người thân. Tôi nghĩ như vậy là tốt lắm rồi. Khi dịch Kiều, tôi không đặt nặng chuyện tiền nong.

Tôi ví cuốn sách như một nén hương dâng lên cụ Nguyễn Du, lên tổ nghề, là thành phẩm để tôi tri ân tiếng Việt. Trong hơn nửa thế kỷ dịch thuật, tôi đã đưa nhiều kiệt tác văn học thế giới về Việt Nam. Cuộc đời tôi được tiếng Việt nuôi dưỡng, giờ là lúc tôi trả ơn.

- Đặt tên tác phẩm là "Kiều in Dương Tường's version", ông ngụ ý điều gì?

- Bản dịch là cách hiểu của tôi về Truyện Kiều, trong đó có 100% của Nguyễn Du và 100% của Dương Tường. Tôi quan niệm người dịch là đồng tác giả, phải đưa vào cái "tôi" và sự sáng tạo. Điều này được thể hiện rõ ngay trong câu đầu tác phẩm. Nguyễn Du viết: "Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau". Tôi dịch rằng: "In the one-hundred-year span of a human life. Destiny implacably sets upon Talent", hàm ý tài sắc luôn là nạn nhân của định mệnh. Bởi tác phẩm cho thấy tài sắc luôn chịu sự chi phối của định mệnh. Nếu có gì thay đổi được "mệnh", đó chính là "đức", sống có đức để "đức năng thắng số" mà thôi.

Bìa sách "Kiều in Dương Tường's version". Ảnh: Nhã Nam.

- Ông nghĩ sao khi việc sáng tạo trong dịch thuật có thể khiến văn bản xa rời tác phẩm gốc?

- Sáng tạo, tôn trọng bản gốc tưởng chừng đối lập nhưng lại đi liền với nhau. Để đạt được điều đó, người dịch phải hiểu sâu sắc tác phẩm. Tôi lấy ví dụ với Chinh phụ ngâm. Đặng Trần Côn viết: "Thiên địa phong trần. Hồng nhan đa truân". Đoàn Thị Điểm diễn Nôm: "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi. Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên". Ở đó có 100% của Đặng Trần Côn và 100% của Đoàn Thị Điểm, với sự sáng tạo của bà. Mọi thứ vẫn mượt mà, hợp lý.

- Bản "Kiều in Dương Tường's version" của ông còn một số lỗi liên quan đến ngữ nghĩa, văn cảnh. Ông giải thích thế nào?

- Điều tôi hối tiếc nhất khi dịch Kiều là sau khi hoàn thành tác phẩm, tôi đã sức cùng lực kiệt, không thể rà soát lại một lượt. Trong dịch thuật, khâu hậu kiểm vô cùng quan trọng. Thế nhưng tôi đã già yếu quá rồi. Giờ tôi không thể lên mạng. Tôi không biết và cũng không để tâm người ta nói gì về bản dịch của mình. Tất nhiên, bản dịch nào cũng có sai sót.

- Trong hơn nửa đời dịch thuật, ông từng gặp tai nạn nào và rút ra kinh nghiệm gì?

- Tôi vướng sự cố vào năm 2013, khi dịch Lolita, tôi đã dựa theo các chú thích của Alfred Appel để làm chú thích của mình, bị một số độc giả nói đạo chú thích. Tôi từng xin lỗi độc giả vì đáng ra, tôi nên thay câu "chú thích trong sách đều của người dịch" bằng câu "các chú thích trong bản này đều do người dịch tra cứu từ nhiều nguồn, trong đó một nguồn quan trọng là cuốn The annotated Lolita". Tuy nhiên, tôi quá bận rộn nên không nghĩ ngợi nhiều. Giờ đây nhớ lại chuyện này, tôi thấy rất bình thường, không coi đó là tai nạn nghiêm trọng. Kinh nghiệm của tôi là hãy làm hết sức với cái tâm của mình.

- Ông thấy được và mất gì từ công việc này?

- Tôi thấy mình chỉ có được, không mất gì. Mấy chục năm qua, vốn ngoại ngữ và tiếng Việt của tôi dày dặn, phong phú hơn. Tôi cũng có những niềm vui nho nhỏ khi độc giả tìm đến nhà, bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Nhiều người còn nhắn tin cho tôi, nói họ đặt tên con là Dương Tường vì yêu mến dịch giả.

- Sau dự án Kiều, ông tiếp tục làm gì?

- Tôi vẫn "ăn nằm với con chữ" như một thói quen gần 60 năm nay. Tôi không để đầu óc mình ngơi nghỉ. Không dùng được máy tính, tôi liên tục lẩm nhẩm, ngâm nga trong đầu một câu thơ, câu văn rồi dịch chúng sang nhiều thứ tiếng. Mới đây, tôi dịch bài Màu tím hoa sim của Hữu Loan sang tiếng Anh, được một tạp chí đăng.

Tôi tiếc nuối vì sức khỏe kém, không còn đủ trí lực để viết một cuốn hồi ký. Nhiều năm qua, bạn bè, người thân giục giã nhiều nhưng tôi luôn ưu tiên công việc dịch thuật, không nghĩ đến viết cho bản thân.

- Ông nghĩ gì khi nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đặt ra câu hỏi: "Gần 90 tuổi vẫn dịch Kiều, người dịch trẻ đang ở đâu?".

- Ông Xuân Nguyên trách người dịch trẻ vậy thôi nhưng tôi nghĩ rất khó. Tôi cũng nung nấu ý định chuyển ngữ Kiều từ khi còn trẻ. Thế nhưng, tôi lúc đó tự thấy mình chưa đủ trình độ, sự chín muồi để làm điều đó.

- Ông nghĩ gì về nền dịch thuật đương đại của nước nhà?

- Tôi cảm thấy vài chục năm nay, văn học nói chung và dịch thuật nói riêng, đều đi xuống. Chúng ta không tìm thấy một đại diện nổi bật. Tôi thấy buồn khi công nghệ càng hiện đại, văn học lại càng nghèo nàn. Tôi không thích xem tivi vì trên đó, các bạn trẻ hiện nay làm tiếng Việt mất đi sự trong sáng nhiều quá.

Theo vnexpress