Người nặng lòng đưa giảng dạy tiếng Việt vào Đại học Harvard
Cập nhật lúc 23:54, Chủ nhật, 18/02/2024 (GMT+7)
12 năm giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Lomonosov (Liên Xô), 30 năm giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Harvard (Mỹ) và ngay cả khi nghỉ hưu, GS Ngô Như Bình, kiều bào tại Mỹ, vẫn đau đáu một suy nghĩ là làm thế nào để nhiều người nước ngoài nói được tiếng Việt và hiểu hơn về đất nước Việt Nam.
|
|
GS Ngô Như Bình về Việt Nam tham dự Chương trình Xuân quê hương 2024 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TIÊU NGUYỄN |
Sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ trên phố Hàm Long (Hà Nội), cậu bé Ngô Như Bình từng có một tuổi thơ êm đềm bên bố mẹ và người thân. Trong ký ức của kiều bào Ngô Như Bình, Tết xưa vô cùng ấm áp và thiêng liêng. “Vào những ngày trước Tết, tôi thường được bố giao nhiệm vụ đi mua lá dong, chuẩn bị củi và mượn nồi nấu bánh chưng... Ngày nay, cuộc sống đã được cải thiện, thu nhập của người dân khá hơn trước. Tết Nguyên đán cũng theo hướng hiện đại nhưng không khí Tết vẫn rất thiêng liêng”, GS Ngô Như Bình bồi hồi nhớ lại không khí Tết quê mà hơn 40 năm sống xa quê hương nhưng lúc nào ông cũng nghĩ về nó.
Ngược dòng thời gian hơn nửa thế kỷ trước, từ sinh viên xuất sắc của Khoa Tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (1968-1973), Ngô Như Bình trở thành giảng viên Khoa Tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (1973-1978) trước khi đi học nghiên cứu sinh chuyên ngành lý thuyết ngôn ngữ tiếng Nga tại Viện Tiếng Nga, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô tại Moscow (Liên Xô).
Cơ duyên trở thành giảng viên dạy ngôn ngữ Việt tại Đại học Harvard đến với ông rất tình cờ. Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, xã hội Liên Xô bắt đầu cởi mở. Đại học Lomonosov mời một số giáo sư đại học của Mỹ sang giảng dạy. Trong những cuộc nói chuyện, các giáo sư Mỹ cho biết nhiều trường đại học ở Mỹ cần giảng viên dạy tiếng Việt. Qua sự giới thiệu của các giáo sư Mỹ, năm 1992, Ngô Như Bình nộp đơn ứng cử vị trí người dạy tiếng Việt cho Học viện Đông Nam Á học mùa hè (SEASSI) tổ chức tại Đại học Washington ở Seattle và ông may mắn được tuyển.
Trong khi đang dạy tại SEASSI, ông được tin Đại học Harvard tuyển người dạy tiếng Việt. Thế là ông nộp đơn “chơi” nhưng không ngờ lại đỗ thật. Cho đến nay, GS Ngô Như Bình đã có 30 năm giảng dạy tiếng Việt tại Bộ môn Ngôn ngữ và văn minh Đông Á tại Đại học Harvard. GS Ngô Như Bình cũng có nhiều buổi thuyết trình về tiếng Việt cho sinh viên tại Việt Nam. Trong các buổi thuyết trình, GS Ngô Như Bình luôn nhấn mạnh, tiếng Việt là trí tuệ, là linh hồn và là tâm hồn của người Việt Nam. Tuy vậy, tiếng Việt cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức như mất bản sắc dân tộc, viết-nói sai chính tả, lỗi ngữ pháp...
Ngoài giảng dạy, GS Ngô Như Bình còn xuất bản hơn chục đầu sách và giáo trình dạy tiếng Việt cho người bản ngữ tiếng Anh ở cấp đại học và giáo trình dạy tiếng Anh-Mỹ cho người bản ngữ tiếng Việt. “Tôi có rất nhiều dự định, trong khi việc giảng dạy đòi hỏi cần dành thời gian để nghiên cứu và phải có trách nhiệm lớn về mặt nghiệp vụ”, GS Ngô Như Bình giải thích cho quyết định nghỉ hưu của mình để tập trung vào viết sách.
GS Ngô Như Bình bật mí rằng, ông đang viết một cuốn sách dạy tập đọc dành cho sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai học tiếng Việt ở các trường đại học tại các nước nói tiếng Anh. “Cuốn sách của tôi có 15 chủ đề và tất cả tư liệu đều được tôi lấy từ báo chí trong nước. Tôi đã viết xong 4 chương và đang viết chương 5. Tôi hy vọng sẽ hoàn thiện bản thảo vào tháng 9 tới. Trong chuyến về Việt Nam tham dự Chương trình Xuân quê hương 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức đầu tháng 2 này, tôi đã chụp rất nhiều ảnh để đưa vào sách. Một điều rất thú vị là qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch, tôi dự định bổ sung cơm Tấm Sài Gòn vào chương ba-văn hóa ẩm thực Việt Nam”.
Một trong những điều mà GS Ngô Như Bình rất vui mừng đó là quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ ngày càng phát triển mạnh mẽ. “Năm 2023 là tròn 50 năm Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 / 27-1-2023). Năm 1973, tuy chiến tranh chưa kết thúc nhưng người Mỹ buộc phải rút quân khỏi Việt Nam. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam (tháng 9-2023), hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Đây là điều đáng mừng bởi nó phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước”, GS Ngô Như Bình khẳng định.
Theo qdnd