Vợ chồng ông Nguyễn Bang - bà Phạm Thị Minh Nguyệt không ngờ thói quen “thảy con vào nhà sách, tiệm sách” từ nhỏ mỗi khi cha mẹ đi công chuyện đã tạo mối thiện duyên cho con trai mình gắn bó với sách. Hiện tại, chàng trai nhỏ ngày nào giờ trở thành cầu nối đưa sách Việt đi khắp nước Mỹ.

Cha, con và những... tấn sách 

Tại căn nhà cũ xây từ năm 1991, ông Bang kể, con trai ông là anh Nguyễn Phạm Hồng Phước (Austin Nguyễn - Phước Nguyễn) vẫn thường gọi điện về nhà ba, bốn lần mỗi tuần. Nội dung chủ yếu trong những cuộc gọi ấy phần là hỏi thăm ba mẹ, phần là kết nối với “đầu mối” giúp anh nhận sách, bọc sách và đóng gói vận chuyển hàng từ đầu cầu Việt Nam. Lâu lâu, cậu con trai lại đùa với ba: “Chà, cũng ghê chứ ba ha, hồi đầu chỉ là trên dưới chục cuốn, giờ đã hơn một tấn rồi đó”.

Xuất phát từ nhu cầu mua dùm sách tiếng Việt từ Việt Nam gửi sang cho bạn, bây giờ, mỗi chuyến hàng của Sách Việt (sachviet.us) đã gần hai tấn sách. Tầm hai tháng, vợ chồng ông Bang lại đóng gói sách gửi sang cho con trai, theo số lượng và tên đầu sách do Phước cập nhật từng đợt.

Dịch vụ của Phước may mắn kích hoạt một nhu cầu tiềm ẩn không hề nhỏ. Chẳng hạn, các trường học ở Mỹ có môn tiếng nước ngoài và tiếng Việt là một trong số đó. Từ những khách lẻ, giờ Phước đã có nhiều khách sỉ với số đơn hàng lên đến vài trăm cuốn/lần. Đó là chưa kể mạng lưới khách lẻ truyền miệng, rỉ tai nhau không ngừng tăng lên mỗi ngày.

Bà Phạm Thị Minh Nguyệt, mẹ của Phước, kể hồi Phước còn là sinh viên, có lần biết con trai phải làm thêm ở cây xăng vào buổi tối, chỉ ngủ được tầm ba tiếng trước khi đến trường, đêm nào bà cũng khóc. Thế nhưng, Phước bảo: “Ba mẹ từ quê vào Sài Gòn lập nghiệp được thì con cũng có thể tự lo được cho mình khi đi xa”. Đến năm cuối đại học, Phước đã có thể tự lo cho bản thân bằng nhiều công việc như bán hàng ở cây xăng vào ban đêm, làm vi tính, quay - dựng phim... 

Hiện tại, Phước là IT manager của một công ty xây dựng chuyên về mảng hóa dầu. Thu nhập ổn định, Phước cũng đã mua được nhà ở Mỹ. Vậy nhưng, ước mơ mang tiếng Việt đi khắp thế giới chính là lẽ sống của Phước. Phước nói, khi đến Mỹ anh mới hiểu được nỗi nhớ tiếng Việt của những người xa quê. Họ đọc sách để không quên gốc gác, nguồn cội. Họ đọc sách để duy trì liên kết với quê nhà và cũng để thế hệ tiếp nối, dù sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, cũng nhớ về ông bà tổ tiên mình ở Việt Nam. Thế hệ tiếp nối ấy cũng sẽ gắn kết hơn với chính những người gần gũi nhất với mình bằng những con chữ.

Phước hạnh phúc vì tủ sách của mình ngày càng có nhiều bạn đọc
Phước hạnh phúc vì tủ sách của mình ngày càng có nhiều bạn đọc

Trong gần hai tấn sách của mỗi đợt vận chuyển, đã có 1/5 là sách của các bạn trẻ đặt trước. Ngoài sách văn học thông thường, Phước còn đáp ứng cả sách dạy học piano và guitar vì theo anh, sẽ có các bậc cha mẹ biết chơi nhạc cụ muốn dạy con nhưng không có giáo trình.

Luôn xem sách là ... đứa con cưng 

"Đối tượng khách hàng của tôi là tất cả mọi người. Từ trẻ em đến các cô chú cao niên, ai cũng có nhu cầu học hỏi và làm mới trí óc của mình qua những câu chữ. Trong đó, tôi đặc biệt xúc động với trường hợp một đứa trẻ bị chẩn đoán tự kỷ nhưng nhờ sách Việt mà biết đọc, một người Việt trong trại giam Mỹ được thả hồn qua những trang sách hay một cô cao niên đọc sách để vơi bớt nỗi cô đơn..."

Nguyễn Phạm Hồng Phước

Phóng viên: Lấy lương nuôi sách, anh có thấy cuộc sống của mình chật vật không? Điều gì khiến anh dấn thân bán một mặt hàng có biên độ lợi nhuận không cao như sách? 

Nguyễn Phạm Hồng Phước: Với tôi, cuộc sống hiện tại có thể nói là tạm ổn. Cũng có lúc đói meo, ăn mì gói nhưng những lời động viên và phản hồi của các bạn làm tôi lại muốn đi chuyển sách tiếp.

Gắn bó với công việc này, tôi cảm nhận được nhiệt huyết của người trẻ, lòng tin của mọi người vào Sách Việt, sự ủng hộ của các bạn Việt Nam ở Mỹ cũng như những nhà xuất bản ở Việt Nam. Đúng là nếu nói về tiền thì sách là mặt hàng có biên lợi nhuận thấp nên không thu về nhiều, chưa kể tâm lý người mua thường muốn giảm giá hoặc giao nhận miễn phí (thú thực thỉnh thoảng tôi cũng bỏ tiền túi ra làm cho mọi người vui vẻ một chút). Có thể nói, việc lượng khách hàng biết đến Sách Việt đến nay tính bằng hàng chục ngàn người chính là động lực để tôi đi tiếp.

Chia sẻ thêm một chút, điều tôi thiết tha muốn làm là tổ chức một chợ online cho người Việt Nam cũng như dân châu Á bên này. Đôi lúc, những bạn sống ở xa khu Asian Town phải lái xe mấy tiếng đồng hồ mới có thể mua được thứ họ cần trong khi mình có thể giúp họ có được những thứ đó mà không phải mất thời gian thì tại sao lại không làm? Tất nhiên, dù có mở rộng sang mặt hàng nào đi nữa, sách vẫn là đứa con cưng của tôi.

Gia đình - nơi gieo tình yêu sách cho anh Nguyễn Phạm Hồng Phước
Gia đình - nơi gieo tình yêu sách cho anh Nguyễn Phạm Hồng Phước

* Gia đình không mấy dư dả, nhưng có vẻ ba anh không tiếc điều gì khi đầu tư cho anh?

- Đúng vậy. Ba mẹ tôi từ Quảng Nam đi kinh tế mới ở Đồng Nai, sau đó đến Sài Gòn lập nghiệp vào đầu thập niên 1990. Lúc ấy, ba tôi nghỉ dạy ở trường cấp I, cấp II, chuyển qua nghề dệt để nuôi gia đình. Em trai tôi hiện cũng du học ở Mỹ. Tôi có học bổng của Trường SaigonTech và gia đình không chu cấp nhiều. Tôi đi làm thêm để có thể trang trải cho cuộc sống ở Mỹ.

Trở lại chuyện đi học thì hồi nhỏ, tôi không phải là người thích học. Năm tôi học lớp Ba, bài kiểm tra tiếng Anh của tôi được 0 điểm, điều đó làm ba tôi không hài lòng. Bẵng đi hai năm sau, bất ngờ ba đăng ký cho tôi học thêm tiếng Anh ở một trung tâm tiếng Anh lớn nhất nhì thành phố. Thời đó học phí không hề rẻ nhưng ba vẫn cố gắng cho tôi học bằng được. Tôi nghe ba kể lại, lúc đó dành dụm được chút tiền, ba tôi gọi điện thoại lên tổng đài 1080 hỏi thăm xem trung tâm nào dạy tiếng Anh tốt nhất để ghi danh cho tôi. 

Năm lớp 12, đứng giữa sự lựa chọn thi vào nhạc viện hay thi vào khoa công nghệ thông tin, tôi nhận được tin mình được học bổng toàn phần ở Trường SaigonTech, chi nhánh của Houston Community College System, nên tôi vào đây học luôn, không thi đại học. Qua đến Mỹ, lúc nhìn lại, tôi thấy sự đầu tư của ba rất xứng đáng. Có vốn tiếng Anh tốt, cộng với tư duy sáng tạo và tư duy logic nhờ việc học nhạc và chơi cờ từ nhỏ, tôi có thể thi vượt cấp, vào thẳng năm học thứ hai của trường. Nếu lúc đó chọn thi vào nhạc viện, có thể bây giờ tôi đã là một nghệ sĩ dương cầm.

Hàng tấn sách Việt nhờ Phước làm cầu nối đã đến tay hàng chục ngàn người đọc yêu tiếng Việt đang sinh sống tại Mỹ
Hàng tấn sách Việt nhờ Phước làm cầu nối đã đến tay hàng chục ngàn người đọc yêu tiếng Việt đang sinh sống tại Mỹ

* Thông thường, thời gian đầu bao giờ cũng khó khăn. Ở Mỹ, đem từng cuốn sách đến tay người cần, vừa nghe đã biết là không dễ...

- Thời gian ban đầu ấy khó khăn lắm. Trong đó, hai cái khó nhất vẫn là vốn và thời gian vì tôi vừa đi làm kiếm tiền vừa lấy tiền đó đắp qua công ty sách. Mặt khác, vì phải đi làm từ sáng đến tối nên tối về tôi mới nhắn tin được với khách hàng. Tôi cảm ơn khách hàng nhiều lắm vì trong giai đoạn 2016-2017, các bạn đã hiểu và trả lời tin nhắn giữa đêm khuya.

Nhờ bán online nên tôi không tốn tiền thuê mặt bằng cũng như mua tủ/kệ bày sách mới. Tôi tận dụng phòng khách trong nhà làm mặt bằng, mua tủ/kệ cũ, làm sao tiết kiệm chi phí hết mức để dành tiền mang về những đầu sách hay cho mọi người. May mắn, lúc đó tôi làm IT nhưng phòng làm việc kế phòng marketing và nhờ vậy tôi học được kha khá chiêu marketing từ các nhân viên của công ty đó.

Tự hào với hành trình gieo tiếng Việt trên đất Mỹ

* Đã từng có một quỹ đầu tư khá lớn ngỏ ý với dự án của bạn. Tại sao hai bên không thể gặp nhau? Bạn có định hướng phát triển doanh nghiệp bằng cách kêu gọi góp vốn không?

- Cũng nhờ một vài bí quyết và một vài mối quan hệ tốt mà Sách Việt được quỹ EuroAsia Investment SA ở Thụy Sĩ để mắt đến. Tuy nhiên đợt rồi, vì dịch COVID-19 hoành hành nên tôi chỉ gặp nhà đầu tư được một lần ở Serbia. Sau đó, khối Schengen cấm người bay từ Mỹ nhập cảnh vào nên không thể chốt thỏa thuận. Tôi hy vọng sau này bớt dịch, có thể quay lại với kế hoạch đó.

Thật ra, tôi không muốn kêu gọi vốn, vì như vậy công ty sẽ phải chịu sự chi phối từ bên ngoài. Điều tôi muốn là quản lý các quy trình một cách chặt chẽ và tốt nhất cho khách hàng. Tôi chỉ chấp nhận xem xét với quỹ EuroAsia Investment SA vì sau khi xem qua kế hoạch kinh doanh của tôi, họ cũng chấp nhận cách tôi quản lý và đồng ý không xen vào chuyện nội bộ công ty.

* Với lượng khách hàng lên đến hàng chục ngàn người, có thể nói Sách Việt đã phủ sóng khắp nước Mỹ chưa?

- Sách Việt của tôi giao sách trên mọi tiểu bang của Mỹ. Có cả các bạn ở Hawaii và Alaska nữa. Mọi người đều biết số lượng người Việt tại Mỹ đông nhất là ở bang California và thứ hai là Texas, nhưng dạo gần đây lượng người đặt sách tại Sách Việt ngoài California (nhiều nhất) lại là Massachusetts (bang có các trường đại học nổi tiếng như Harvard và MIT) rồi mới đến Texas, sau đó là Arizona và Florida. Thật thú vị, không ngờ ở những tiểu bang tưởng chừng ít người Việt lại mang đến những con số khác hẳn.

* Nếu tự đánh giá, bạn có cho rằng sức ảnh hưởng của Sách Việt tại Mỹ cũng làm thay đổi được một điều gì đó?

-  Tiếng Việt nằm trong danh sách năm thứ tiếng được nói nhiều nhất ở Mỹ, cụ thể là tiếng Anh (239 triệu người), tiếng Tây Ban Nha (41 triệu), tiếng Trung Quốc (3,5 triệu), tiếng Tagalog (1,7 triệu) rồi đến tiếng Việt (1,5 triệu). Tuy nhiên, số người nói này hầu hết là dân bản địa. Người Mỹ nói tiếng Anh, người Mexico nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha… Số lượng người Mỹ học tiếng Việt thật sự rất ít. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp như vợ Việt, chồng Mỹ (người chồng làm chung hãng với tôi) thì người chồng Mỹ bắt đầu tìm hiểu tiếng Việt để lúc đến Việt Nam có thể nghe, hiểu và giao tiếp với gia đình vợ. Anh cũng học những câu hay hay để “nịnh” và làm vợ bất ngờ.

Qua những câu chuyện nho nhỏ như thế, tôi thấy Sách Việt phát huy vai trò của mình một cách thật thú vị. Và còn những đứa trẻ gốc Việt lớn lên ở Mỹ nữa chứ, tôi nghĩ các em sẽ đọc sách như một cách rèn luyện tiếng Việt và hiểu hơn về nguồn cội của mình qua các tác phẩm.

Thay đổi to tát thì chưa. Hành trình gieo chữ, dù là tiếng gì cũng không thể nhìn thấy được ở ngày một ngày hai. Tuy nhiên, chỉ cần hôm nay có thêm một người bỗng thốt lên hay viết ra một từ tiếng Việt, tôi cho đó đã là sự thành công. 

* Chữ và tiếng không chỉ là chữ và tiếng mà còn là văn hóa, là cội nguồn dân tộc. Xem như bạn đang quảng bá tiếng Việt trên đất Mỹ?

- Nói thật lòng, tôi rất tự hào với việc mình đang làm. Quả thật, tiếng Việt chính là văn hóa Việt. Đơn cử mới đây, có một người em rapper muốn tìm hiểu về cội nguồn dân tộc Việt Nam với mong ước cho ra những bài nhạc hay hơn nữa. Em có hỏi qua tôi về những cuốn sách lịch sử dày cui. Điều đặc biệt là em mới hơn 20 tuổi. Nhờ những cuốn sách tiếng Việt mà em liên lạc được với tác giả và bàn luận về văn hóa Việt Nam ngay trên đất Mỹ.

Tôi chỉ đơn giản có chuyến hành trình mang sách Việt đến với nhiều người, nhưng hành trình ấy kiến tạo nên nhiều hành trình khác, mà hành trình tìm kiếm cội nguồn đó là một ví dụ.
 

* Cảm ơn bạn đã chia sẻ. 

 

Theo phunuonline.com.vn