|
|
Thầy Trương Văn Phương luôn tận tình chỉ bảo, hướng dẫn để các trò tiếp thu bài học hiệu quả. (Ảnh: Trần Tuấn) |
Thầy giáo trẻ gieo chữ Việt trên đất Lào
Đến với Trường Tiểu học Thống Nhất (thị xã Thakhek, tỉnh Khammuane, Lào), từ xa chúng tôi đã nghe được tiếng giảng bài đặc sệt vùng Quảng Bình của một thầy giáo hòa với tiếng trẻ râm ran học đánh vần tiếng Việt. Đó là giọng của thầy Trương Văn Phương (sinh năm 1987) - người 14 năm qua vẫn miệt mài với hành trình “cõng” tiếng mẹ đẻ sang dạy cho con em cộng đồng người Việt sinh sống tại nước bạn Lào.
Chia sẻ về cơ duyên đến với đất nước Triệu Voi, thầy Phương kể, năm 2011, tỉnh Quảng Bình thông báo tuyển giáo viên sang Lào dạy học. Thầy đăng ký tham gia nhưng trong lòng vẫn đắn đo bởi nỗi lo về cuộc sống xa nhà. Tuy nhiên, sự ủng hộ, động viên từ gia đình đã giúp thầy có thêm động lực để vững tâm vượt qua những khó khăn khi khăn gói “chân ướt chân ráo” sang Lào.
Trong quá trình giảng dạy, thầy Phương nhận thấy khó khăn lớn nhất là giao tiếp ngôn ngữ giữa thầy và trò. Nguyên nhân là bởi con em người Việt ở đây đã là thế hệ thứ 5, thứ 6, vốn tiếng Việt rất ít, hàng ngày chủ yếu đều sử dụng tiếng Lào. Để tạo sự kết nối, tăng tính hấp dẫn, hiệu quả cho bài giảng, thầy Phương đã áp dụng phương pháp vừa học vừa chơi.
“Xuyên suốt buổi học, tôi thường sử dụng các hình ảnh phù hợp với bài giảng hoặc ngôn ngữ cơ thể để các em dễ hiểu hơn. Như khi dạy về chữ “bé” thì phải đưa hình ảnh của các em bé hay khi dạy phát âm “dấu hỏi” trong từ “giỏ cá” thì phải có hình ảnh cái giỏ. Đồng thời phải tạo không khí thoải mái, giúp các em tự tin phát âm, trả lời câu hỏi thì mới dễ dàng tiếp thu kiến thức”, thầy Phương nói.
Những lúc rảnh rỗi, thầy Phương tự học thêm tiếng Lào, tìm hiểu về văn hóa đời sống của người dân bản địa hay học hỏi kinh nghiệm từ các thầy cô đi trước. Từ đó cải thiện cách làm để mỗi lần lên lớp có thể giúp các trò tiếp thu bài giảng nhanh, dễ hiểu và bổ ích nhất.
Thầy Phương bộc bạch: “Nghề giáo là một nghề thiêng liêng và đặc biệt hơn là giáo viên Việt Nam sang giảng dạy ở đất nước bạn có ý nghĩa trong việc gìn giữ tiếng Việt cho nhiều thế hệ con em người Việt. Chính mong muốn đem tiếng Việt vươn rộng ra thế giới và tinh thần ham học, khát chữ của các em học sinh đã tạo động lực để tôi ở lại Khammuane”.
Hơn 10 năm công tác tại Lào, thầy giáo trẻ Trương Văn Phương là tấm gương có nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy tiếng Việt, được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của UBND tỉnh Khammuane, tỉnh Quảng Bình, Tổng lãnh sự quán… Về những dự định sắp tới, thầy Phương đang ấp ủ mở một trung tâm dạy tiếng Việt nâng cao, chuẩn bị hành trang cho các em học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 tại Lào có mong muốn sang Việt Nam học tập.
Tiếp tục hành trình lan tỏa tình yêu tiếng Việt
Giống với thầy Phương, trên mảnh đất Lào còn rất nhiều những tấm lòng mong muốn gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ mai sau. Dù bận bịu với công việc hàng ngày tại Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt, chị Đinh Thị Phương Loan, Việt kiều sinh sống tại thủ đô Vientiane vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để hàng tuần đến với lớp tiếng Việt miễn phí. Lớp học do Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane và Chùa Phật Tích phối hợp tổ chức.
Từng có kinh nghiệm giảng dạy tại Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du, chị Loan cho rằng, việc mở thêm các lớp tiếng Việt là rất cần thiết bởi học tiếng Việt giúp các cháu hiểu thêm văn hóa Việt, tiếp tục gìn giữ các truyền thống tốt đẹp của người Việt và không quên nguồn cội. Đặc biệt, lớp học không chỉ có các học viên Việt đăng ký học tập mà còn có khá đông học sinh người Lào.
Đối với sư thầy Douangsamay Khamphoumi, tiếng Việt giúp ông giao tiếp được với người Việt, tìm hiểu được các nét văn hóa, phong tục tập quán và nhiều điều khác từ nước bạn Việt Nam. Do vậy việc học tiếng Việt là điều cần thiết và quan trọng. Nhờ tham gia lớp học tiếng Việt miễn phí tại Chùa Phật Tích, ông đã có thể hiểu và giao tiếp cơ bản bằng tiếng Việt. Thời gian tới ông mong muốn sẽ tiếp tục học nâng cao để thành thạo tiếng Việt hơn nữa.
|
|
Lớp học tiếng Việt miễn phí tại Chùa Phật Tích. (Ảnh: Phạm Kiên) |
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Chánh Văn phòng Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane cho biết, nhờ sự ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Chùa Phật tích, Hội người Việt Nam ở thủ đô Vientiane và sự ủng hộ của cộng đồng, lớp học hiện duy trì 3 buổi/tuần với các khóa học tiếng Việt kéo dài 3 tháng. Các học sinh khi đến với lớp học không những không phải đóng tiền mà còn được cung cấp miễn phí tài liệu, sách, vở viết.
Ban tổ chức cũng thành lập Tủ sách tiếng Việt phục vụ miễn phí bà con kiều bào và các bạn Lào. Tủ sách được đặt ngay trong không gian các lớp học với nhiều đầu sách, trong đó có những cuốn sách, truyện, đặc san song ngữ Việt - Lào, giúp người đọc hiểu hơn về quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa hai nước.
Theo chị Huyền, những lớp học tiếng Việt không chỉ giúp cho cộng đồng người Việt Nam ở Lào gìn giữ và phát huy tiếng Việt mà còn giúp những người nước ngoài có thêm tình yêu với tiếng Việt, hiểu thêm về sự giàu đẹp của tiếng Việt. Từ đó góp phần lan tỏa các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Việt, xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh và hướng về quê hương, đất nước.
Để góp phần xây dựng thành công những lớp học này không thể không kể đến sự nhiệt tình và tâm huyết của các giáo viên chuyên và không chuyên là người Việt đến từ cộng đồng. Những tấm gương ấy không chỉ mang trên vai trách nhiệm truyền dạy tiếng Việt, mà còn làm sống dậy giá trị văn hóa, tạo nên nhịp cầu kết nối hai dân tộc. Họ là biểu tượng của tình hữu nghị, đưa tiếng Việt trở thành phương tiện giao lưu, gắn bó con người Việt Nam và Lào.
Theo thoidai