Những 'sứ giả' mang tiếng Việt đến với Italy
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chụp ảnh lưu niệm cùng giáo viên và sinh viên Việt Nam-Italy. (Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo)

Đó là những tấm gương của những người thầy, những sinh viên Việt tận tâm gây dựng văn hoá Việt, gieo những con chữ để phát triển tiếng Việt, góp phần gây dựng cầu nối hữu nghị, phát triển bền vững quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Italy trong hiện tại và tương lai.

Đến với Trường Đại học Ca’ Foscari, chúng tôi đã trực tiếp gặp được những “sứ giả” của tình hữu nghị Việt Nam-Italy, những con người thật sự tâm huyết, ngày đêm đau đáu với sự nghiệp dạy tiếng Việt ở Italy như thế.

Đó là các tấm gương như Giáo sư Richard Trần Quang Anh, cô giáo Lê Thị Bích Hường, và một số sinh viên mới từ Việt Nam sang học tại Italy. Trong đó, có lẽ xúc động nhất là tấm gương của cô giáo Lê Thị Bích Hường. Cô Hường quê ở Việt Trì, Phú Thọ, nhưng lại chủ yếu sống ở Sen Hồ, Việt Yên, Bắc Giang - một trong 49 làng quan họ cổ từ khi còn nhỏ.

Chia sẻ với đoàn công tác chúng tôi, cô bộc bạch tâm sự: "Bố mẹ tôi không làm trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng đã tham gia vào lĩnh vực này. Bố là kỹ sư điện nhưng tích cực sáng tác, rồi tham gia vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Mẹ tôi cũng vậy. Bà là một trong những người đứng ra thành lập Câu lạc bộ quan họ ở làng, đặt lời mới cho các bài hát theo làn điệu dân ca quan họ, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, chủ quyền biển đảo, đồng thời mở lớp dạy quan họ miễn phí cho hơn 50 cháu ở làng Sen Hồ.

Bác ruột tôi là Trần Linh Quý, nhà nghiên cứu quan họ, cựu hiệu trưởng trường Trung cấp Nghệ thuật Hà Bắc trước đây. Cậu ruột là Trần Minh Chính, Tiến sĩ Văn hóa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã có một công trình nghiên cứu về dân ca quan họ khá đồ sộ, công phu với tựa đề Sinh hoạt văn hóa Quan họ làng. Công trình đã được nhận giải thưởng Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2016 vì những đóng góp có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy, phát triển loại hình dân ca đặc sắc này".

Có lẽ vì vậy mà những làn điệu dân ca quan họ đã ngấm vào huyết mạch của cô bé Hường từ bé, nên khi sang Italy, cô Hường như một “ca sĩ”, luôn biết uyển chuyển lồng ghép, vừa dạy tiếng Việt vừa dạy hát. Cô đã đem các làn điệu dân ca quan họ đến với các sinh viên và những học giả, những người bạn Italy yêu quý Việt Nam. Và trân quý hơn, cô giáo Lê Thị Bích Hường luôn tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì sự nghiệp truyền bá tiếng Việt. Cô sẵn sàng dạy thêm giờ miễn phí khi có sự kiện và dồn tất cả công sức, tiền của cá nhân để tổ chức các sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam tại Italy…

Nói về cơ duyên với đất nước Italy, cô Hường kể vào năm 2005, cách đây 18 năm trước, khi đang làm việc tại Brazil với tư cách là Giám đốc điều hành Dự án hợp tác giữa Italy và Brazil, một người bạn người Pháp gốc Việt đã nhờ cô dạy tiếng Việt.

"Mục đích của chị là có vốn tiếng Việt để có thể nói chuyện với họ hàng ở Việt Nam khi về nước. Sau đó, tôi dạy thêm một vài người nữa cũng với mục đích giúp họ có thể nói chuyện với họ hàng bên Việt Nam. Sau 10 năm làm việc ở Brazil (2005-2015), tôi quay trở lại Italy. Tôi bắt đầu thành lập Hiệp hội nhịp cầu văn hóa Italy-Việt Nam và dạy tiếng Việt với tư cách giáo viên tình nguyện tôi quan niệm có thêm một người biết tiếng Việt là sẽ có thêm một người biết về Việt Nam.

Để có thể dạy học, tôi đã tham gia cuộc tập huấn dành cho các giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài do Chính phủ Việt Nam tổ chức thông qua Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài. Sau đó, tôi dạy tiếng Việt cho các cháu người Việt được nhận làm con nuôi ở Italy trong dự án do thành phố Bologna tài trợ. Từ năm 2019, khi bộ môn tiếng Việt bắt đầu được thành lập, tôi nộp đơn và trúng tuyển làm giảng viên thực hành tiếng Việt và công tác tại Đại học Ca’ Foscari cho đến nay", cô Hường nhớ lại.

Biết chúng tôi đang quan tâm về việc dạy và học tiếng Việt, cô giáo Hường thẳng thắn chia sẻ, so với “bên nhà”, việc dạy tiếng Việt cho đối tượng là sinh viên người Italy khá đặc thù, khó khăn, phải biết cách cải tiến. Đặc thù ở chỗ, tiếng Việt là một bộ môn mới và so với các tiếng châu Á khác như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn... còn chưa phát triển nên số lượng sinh viên vào học còn rất ít.

Bản thân người nước ngoài học tiếng Việt cũng rất khó. Do tiếng Việt có nhiều thanh điệu nên tôi đã sử dụng các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam (trống, chập cheng) để cho các em sinh viên hình dung được sự khác nhau giữa các âm điệu do khác dấu. (Ví dụ tùng - thanh trầm, cắc - thanh cao, phỏng theo cách gọi tên âm thanh khi ta đánh vào mặt trống hay thành trống). Đây là phương pháp dạy học đặc thù, vận dụng sáng tạo mà tôi đặt tên là "Phương pháp dạy phát âm Tùng cắc".

Các em sinh viên Italy khi đăng ký học tiếng Việt đều mong muốn được biết về văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy, so với các trường đại học có dạy môn tiếng Việt, Đại học Ca’ Foscari là nơi duy nhất cung cấp cho các em sinh viên những kiến thức cả về lịch sử, văn học, kinh tế, địa chính trị, nghệ thuật và mọi khía của văn hóa Việt Nam.

Những 'sứ giả' mang tiếng Việt đến với Italy
Cô giáo Lê Thị Bích Hường cùng các sinh viên Viêt Nam, Italia biểu diễn trong Chương trình "Hồn Việt". (Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, số giờ học tiếng Việt cũng chưa được nhiều như các bộ môn khác. Một tuần học 2 buổi (lý thuyết và thực hành), mỗi buổi 2 tiếng với tổng số là 60 giờ cho một học kỳ và 120 giờ cho cả năm, tương đương với 1 tháng rưỡi nếu học 1 tuần 5 ngày và 4 giờ trong 1 ngày. Học sinh học tiếng Thái và tiếng Việt với số giờ tương đương như nhau nhưng số học sinh được sang Thái Lan thực tập gấp 5 lần số học sinh được sang Việt Nam thực tập.

Từ đặc thù đó, chúng tôi mang đến cho sinh viên nhiều hình thức chuyển tải để có thể vừa dễ học tiếng Việt, vừa dễ cảm thụ nét đặc sắc văn hóa Việt Nam qua các thể loại dân ca, sân khấu cổ truyền Việt Nam như quan họ, chèo, cải lương, tuồng cổ, múa rối nước. Hoặc qua các tác phẩm thơ của các nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Bính, Hồ Xuân Hương và đặc biệt là Truyện Kiều của Đại văn hào Nguyễn Du…

Và gieo mầm rồi cũng tới ngày hái quả. Theo cô Hường, các em sinh viên Italy rất hiếu học và thể hiện tình yêu với Việt Nam bằng cách đón nhận và tham gia tích cực các hoạt động văn hóa ngoại khóa do cô khởi xướng. “Nhiều khi các em phải tập ở công viên khi chưa mượn được phòng hay chịu rét trong phòng không có lò sưởi để nghe tôi giảng Truyện Kiều, tập đọc những vần thơ Kiều đầu tiên. Các em được tôi động viên phát huy khả năng của mình và đều được tạo điều kiện để tham gia tất cả các sự kiện văn hóa mà tôi khởi xướng", cô nói.

Các sinh viên Italy khi theo học tại Đại học Ca’ Foscari đều bày tỏ sự hứng khởi với phương pháp dạy và học tiếng Việt tại đây. Sinh viên Tommaso Becchi tâm sự: "Em chọn học tiếng Việt vì nhiều lý do. Trước hết, em bị thu hút bởi lịch sử đất nước của Bác Hồ. Biết ngôn ngữ là điều cần thiết để thâm nhập văn hóa của một quốc gia, đặc biệt là một quốc gia có lịch sử lâu đời như Việt Nam. Em rất hài lòng với lựa chọn của mình. Hiện tại, em rất nóng lòng được đến Việt Nam để đi dạo quanh phố cổ Hà Nội và ngắm nhìn những tòa nhà chọc trời của TP. Hồ Chí Minh".

Những 'sứ giả' mang tiếng Việt đến với Italy
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, giáo viên Trường Đại học Ca' s Focari. (Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo)

Trực tiếp trao đổi với đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn đầu, các phát biểu của lãnh đạo Đại học Ca’ Foscari tại Venice đều khẳng định, bộ môn tiếng Việt đã, đang phát triển tppts. Nhà trường hoàn toàn ủng hộ việc duy trì và phát triển bộ môn tiếng Việt tại đây. Các sinh viên theo học tiếng Việt đều rất yêu quý Việt Nam nên rất chăm chú học và miệt mài tìm hiểu văn hoá Việt.

Tại buổi trao đổi, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: "Các thầy cô giáo bộ môn tiếng Việt ở đây đã làm rất tốt. Chính các bạn đã làm một việc hết sức quý giá. Các bạn chính là những nhân tố quan trọng góp phần gìn giữ hồn cốt dân tộc trong cộng đồng người Việt tại nước sở tại. Và các bạn cũng là 'sứ giả' truyền bá hệ giá trị văn hoá Việt Nam để làm cầu nối, phát triển tình hữu nghị Việt Nam-Italy.

Những kiến nghị của nhà trường, của các thầy cô giáo và các sinh viên rất chính đáng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các Bộ, ngành hữu quan cần sớm nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ và phía nước bạn để có chủ trương, chính sách tháo gỡ, giải quyết, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các thầy cô giáo dạy tiếng Việt và các sinh viên Italy theo học tiếng Việt có điều kiện tốt nhất".

Theo baoquocte