Háo hức đọc sách tiếng Việt
Cứ đến thứ 7 hàng tuần, 30 cháu nhỏ người Việt lại háo hức tới lớp học tiếng Việt do Hội người Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản) tổ chức. Sau khi học đánh vần, ghép chữ, các bài giảng trên lớp, giờ ra chơi các học trò nhỏ lại quây quần bên tủ sách Tiếng Việt và được cô giáo Lê Thị Bích Ngọc đọc truyện, đọc sách cho nghe.
“Tủ sách có nhiều sách phong phú và hấp dẫn, cũng như nhiều tài liệu, sách vở giúp trẻ em tiếp cận tốt hơn với tiếng Việt và văn hóa Việt. Các em rất thích thú đọc”, cô Bích Ngọc chia sẻ với Thời Đại.
Tủ sách tiếng Việt gồm nhiều loại sách như: tài liệu dạy và học tiếng Việt; truyện tranh cho trẻ em (những câu chuyện phát triển trí tuệ, truyền cảm hứng; truyện khoa học thường thức...); tài liệu tham khảo, tài liệu bổ trợ nâng cao (gồm các sách tham khảo giúp nâng cao khả năng đọc hiểu tiếng Việt, đưa người đọc đến với kho tàng văn học dân gian, văn học đương đại của Việt Nam); tài liệu chuyên khảo về tiếng Việt dành cho những người dạy và nghiên cứu tiếng Việt...
|
Tủ sách tiếng Việt tại Fukuoka (Nhật Bản). Ảnh: Duy Anh |
Tủ sách cũng cung cấp mã QR hướng dẫn truy cập chương trình dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt Nam ở nước ngoài trên cơ sở bộ sách Chào tiếng Việt.
Được biết, Tủ sách tiếng Việt này do UBNNVNVNONN phối hợp với Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) triển khai. Sau 2 năm triển khai đã có 6 Tủ sách tiếng Việt ở 5 nước. Cụ thể là ở Fukuoka (Nhật Bản), Budapest (Hungary), Đài Loan (Trung Quốc), Paris (Pháp), Praha và Brno (Séc).
Bên cạnh việc tổ chức và vận hành thí điểm các Tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng tại các nước nhằm cung cấp các đầu sách tiếng Việt để tăng cường hỗ trợ giảng dạy học tập tiếng Việt, UBNNVNVNONN và NXBGDVN còn phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu sách tiếng Việt vào các thư viện cộng đồng và xây dựng góc Việt Nam tại các địa bàn Nhật Bản, Qatar, Slovakia, Áo, Vương quốc Bỉ... Đồng thời nghiên cứu cơ chế vận hành để có thể mở rộng việc đưa sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng vào các thư viện công tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
“Tủ sách tiếng Việt đem đến cho chúng tôi rất nhiều cuốn sách hay, đậm đà bản sắc văn hoá Việt Nam. Được đọc những cuốn sách bằng tiếng mẹ đẻ, gửi từ quê hương làm chúng tôi rất xúc động. Đồng thời, tủ sách còn góp phần giúp thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài thêm hiểu biết về tiếng Việt và nguồn cội của mình. Đây cũng là mong muốn của thế hệ đi trước chúng tôi”, chị Mỹ Dung, Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ.
Theo ông Nông Khắc Duy, Hội viên Hội Sinh viên tại Hungary, là thế hệ trẻ người Việt sống ở nước ngoài, chúng tôi rất mong muốn có thêm hiểu biết về tiếng Việt và văn hoá dân tộc. Tủ sách tiếng Việt với nhiều cuốn sách hay, đã đem đến cho chúng tôi rất nhiều giá trị, góp phần làm tăng tình yêu quê hương và tự hào dân tộc trong cộng đồng người Việt.
Tiếp tục nghiên cứu, biên soạn sách cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Chia sẻ với Thời Đại, ông Phạm Vĩnh Thái – Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho biết, năm 2023 là năm đầu tiên NXBGDVN phối hợp cùng với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng mô hình Tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng và gửi tặng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tủ sách tiếng Việt dành cho người mới học tiếng Việt (là người Việt, gốc Việt thế hệ thứ 2,3,4 ở nước ngoài, trẻ em các gia đình đa văn hóa có yếu tố người Việt…); người dạy tiếng Việt và những người nghiên cứu tiếng Việt trong cộng đồng.
|
Tủ sách tiếng Việt tại Pháp. Ảnh: Nguyễn Mai |
Ông Thái cho biết, các Tủ sách tiếng Việt được trao tặng là sự kết hợp của nhiều thể loại sách, tài liệu nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của bà con người Việt Nam ở nước ngoài.
NXBGDVN cùng với UBNNVNVNONN tiến hành khảo sát nhu cầu tại một số địa bàn mẫu, xây dựng danh mục tủ sách cơ bản. Sau đó, tuỳ vào từng địa bàn cụ thể, điều chỉnh danh mục tủ sách cho phù hợp (với xu hướng tăng về số lượng sách và đầu sách) cũng như hướng dẫn quy trình vận hành tủ sách linh hoạt và hiệu quả.
“Thông qua tủ sách, các thế hệ người Việt ở nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận được với văn hoá dân tộc, củng cố tình yêu quê hương, đất nước; thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hoá, tăng cường kết nối giữa người Việt Nam trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đặc biệt là góp phần gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ – tiếng Việt”, ông Thái cho biết.
Ông Thái khẳng định NXBGDVN sẽ phối hợp với UBNNVNVNONN tiếp tục nghiên cứu, biên soạn các bộ sách dạy tiếng Việt phù hợp với ngôn ngữ, tính chất cộng đồng sở tại, cũng như nhân rộng mô hình lớp tập huấn tiếng Việt cho bà con ở nước ngoài.
Theo thoidai