|
|
Các học viên của khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: An Bình) |
Khởi động từ năm 2013, Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên là NVNONN do Ủy ban Nhà nước về NVNONN phối hợp với Vụ Giáo dục thường xuyên - Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thường niên giống như một điểm hẹn vào mùa Thu ở Hà Nội.
Sau hành trình 10 năm, chương trình lần thứ chín diễn ra từ 16-31/8 với 20 buổi học chuyên môn tập trung chủ yếu vào phương pháp sư phạm, kiến thức văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam thông qua ngôn ngữ. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại khóa là cơ hội để các thầy cô chia sẻ kinh nghiệm, được tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam, giao lưu với các thầy cô dạy tiếng Việt trong nước…
Tự hào về sự nghiệp “gieo chữ, trồng người”
Tại Lào, quê hương thứ hai của cô Nguyễn Thị Thu Huyền, tiếng Việt ngày càng được cán bộ các ban, ngành, doanh nghiệp quan tâm và học sinh, sinh viên yêu thích. Xuất phát từ nhu cầu học tiếng Việt ngày càng gia tăng, các cá nhân và cộng đồng người Việt Nam tại Lào luôn chú trọng đưa nội dung tăng cuờng phổ biến tiếng Việt vào kế hoạch hoạt động thường xuyên. Tại Trường song ngữ Lào Việt Nam Nguyễn Du, tiếng Việt được đưa vào giảng dạy từ lớp mẫu giáo đến lớp 12.
Từ nhiều năm trước, cô Huyền đã mở lớp dạy tiếng Việt miễn phí tại thủ đô Vientiane. Điều cô cảm thấy rất tự hào là nhiều học viên là con em kiều bào và người Lào đã đi học đại học, học nghề tại Việt Nam sau khi tham gia lớp học do cô tổ chức và trực tiếp giảng dạy.
Cô chia sẻ: “Lớp học đã phải gián đoạn trong hơn hai năm diễn ra đại dịch Covid-19. Đến nay, được sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, lớp học được mở trở lại cùng với việc xây dựng thư viện sách tiếng Việt đã thu hút đông đảo học viên đăng ký. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa và là nguồn động lực giúp thúc đẩy công cuộc giữ gìn, phát huy tiếng Việt ở nước ngoài”.
Nhận thức tiếng Việt là niềm tự hào dân tộc, là điểm tựa vững chắc cho văn hóa truyền thống, những giáo viên như cô Huyền luôn mong được nâng cao nghiệp vụ giảng dạy để phát huy sự nghiệp “gieo chữ, trồng người”. Bởi vậy, khóa tập huấn này rất ý nghĩa và thiết thực đối với họ.
Được truyền lửa từ đồng nghiệp
Gắn bó với công việc dạy tiếng Việt ngót 10 năm ở Singapore, nhưng đây là lần đầu tiên cô Phạm Thị Ngọc Ánh về nước tham dự khóa tập huấn. Trước khi theo gia đình sang đảo quốc sư tử sinh sống, cô từng dạy học ở trường cấp ba tại TP. Hồ Chí Minh và cũng không ngờ nghề dạy học vẫn tiếp tục nối duyên ở nơi xứ người.
Những năm qua, cô Ánh đã dạy tiếng Việt theo nhiều hình thức trực tiếp và trực tuyến cho người nước ngoài, cán bộ ngoại giao, doanh nhân ở Singapore có nhu cầu sang Việt Nam làm việc... Hiện tại, cô đang dạy tiếng Việt cho các học sinh tại Học viện quốc tế St. Joseph ở Singapore.
|
|
Cô Phạm Thị Ngọc Ánh chụp ảnh tại Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: NVCC) |
Về nước dịp này, cô Ánh rất cảm kích trước sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức. Đặc biệt, các giảng viên đứng lớp đều là các giảng viên, chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ và phương pháp sư phạm của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cô chia sẻ: “Các thầy cô rất tâm huyết, nhiệt tình và hướng dẫn chi tiết. Bằng phương pháp kết hợp lý thuyết và thực hành, các giảng viên đã giúp chúng tôi “gỡ bí” những kiến thức trước đây chưa hiểu, cũng như truyền cho kinh nghiệm quý để tạo động lực và niềm hứng khởi cho học sinh.
Ngoài ra, chúng tôi được tham quan, tìm hiểu các địa danh, di tích lịch sử ở Hà Nội như Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long... Có thể nói, khóa học cũng giống như một hành trình về nguồn với những trải nghiệm rất tuyệt vời ở quê hương”.
Là học viên duy nhất trở về Singapore, nhưng ngay từ ngày đầu bước vào lớp học, cô Ánh đã được đồng nghiệp ở các nước truyền lửa đam mê với nghề và tình yêu dành cho tiếng Việt.
Cô bộc bạch: “Tôi đã ý thức cũng như tự hào hơn về công việc của mình. Ngoài giờ đứng lớp cùng học viên, về nhà tôi vẫn dạy con tiếng mẹ đẻ và duy trì nói tiếng Việt trong gia đình. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc sau này sẽ mở lớp dạy tiếng Việt cho cộng đồng, cũng như giúp cho thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn của mình”.
Những bài học từ sự chia sẻ
Tại khóa tập huấn năm nay, các học viên được dự giờ, trao đổi kinh nghiệm thực tế dạy tiếng Việt tại trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và tham gia tọa đàm chia sẻ phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài.
Dịp này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về NVNONN cùng Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản ra mắt Tủ sách tiếng Việt dành cho người mới học tiếng Việt, người dạy tiếng Việt và những người nghiên cứu tiếng Việt trong cộng đồng.
|
|
Cô Đào Lê Quỳnh Phan tại lớp tập huấn. (Ảnh: NVCC) |
Cô Trần Thị Hồng Vân, giảng viên chuyên ngành Biên phiên dịch, Đại học Western Sydney, Chủ tịch Viet School - Tổ chức Xúc tiến duy trì ngôn ngữ văn hóa Việt tại Australia, cho rằng việc ra mắt tủ sách là món ăn tinh thần rất ý nghĩa mà Chính phủ dành cho đồng bào ta ở nước ngoài.
Cô mong muốn một ngày không xa, bà con ta tại Australia cũng sẽ có những tủ sách như vậy. Ngoài ra, cô đề xuất các nhà xuất bản, các cơ quan trong nước nghiên cứu việc xây dựng tủ sách online để bà con ở nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận cho dù sống ở bất cứ đâu.
Về việc gìn giữ tiếng Việt, cô Vân mong muốn ngoài việc tập huấn giảng dạy cho các giáo viên, các nhà chuyên môn về ngôn ngữ và biên soạn sách cần nghiên cứu xây dựng cẩm nang hoặc sách hướng dẫn cho phụ huynh. Theo cô, nếu các bậc phụ huynh có sách hướng dẫn giảng dạy tiếng Việt cho con em thì việc học tiếng Việt sẽ hiệu quả hơn nữa.
Trở về từ Thái Lan, TS. Thanophan Triwanitchakorn (Đào Lê Quỳnh Phan) - thế hệ kiều bào thứ ba sinh ra và lớn lên tại tỉnh Ubon Ratchathani, hy vọng tiếng mẹ đẻ ngày càng được phổ biến hơn trên thế giới như nhiều ngôn ngữ khác. Công tác tại Khoa Nhân văn và Xã hội, Đại học Hoàng gia tỉnh Ubon Ratchathani, Phan từng nhận được học bổng tại Hà Nội và đang dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Cô chia sẻ: “Tôi đã tham gia khoá tập huấn giảng dạy tiếng Việt từ năm 2016 qua hình thức trực tuyến. Lần này được về nước tham dự trực tiếp cùng tám học viên ở Thái Lan, tôi thấy chương trình rất thú vị và bổ ích với nhiều kiến thức mới.
Đặc biệt, chúng tôi có những trải nghiệm thực tế gắn liền với công việc giảng dạy, được chia sẻ những khó khăn trong công việc của mình và đúc rút được các kinh nghiệm quý cho nghề. Tôi mong có thêm các tài liệu dạy chuyên biệt cho người nước ngoài học tiếng Việt”.
Có thể thấy, dù làm việc ở nhiều nước với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng với tâm huyết và tình yêu với nguồn cội, quê hương, các học viên sau khi trở về từ khoá tập huấn có thêm nhiều động lực để tiếp tục sự nghiệp gieo mầm tiếng Việt ở xứ người.
Theo baoquocte