|
Sách Việt Nam tại Thư viện Kinderbücherei der Weltsprachen ở quận 14 tại Vienna. (Ảnh: NVCC) |
Tháng 12/2023, những cuốn sách tiếng Việt xinh xắn đã được đưa lên kệ sách ở Thư viện Kinderbücherei der Weltsprachen (Thư viện sách thiếu nhi dành cho sách ngôn ngữ trên toàn thế giới) tại quận 14 của thủ đô Vienna.
Ý tưởng này đến từ những phụ nữ Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Áo. Thành công bước đầu của họ có sự ủng hộ lớn từ Đại sứ quán Việt Nam cùng bà con trong cộng đồng…
Đưa sách tiếng Việt vào thư viện Áo
Đã thành truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc luôn được cộng đồng người Việt ở Áo lưu giữ, bên cạnh việc hội nhập tốt vào xã hội, tạo ra các giá trị đóng góp vào nền kinh tế và làm giàu thêm cuộc sống văn hóa của quốc gia này.
Những năm qua, Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt tại đây đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá văn hoá truyền thống, gìn giữ tiếng Việt, nhằm giáo dục thế hệ trẻ người Việt ở Áo hướng về nguồn cội.
Chia sẻ với TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên khẳng định việc ra đời Ngày Tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, bởi tiếng Việt là phương tiện gắn kết với người Việt ở mọi quan hệ, vùng miền, giữa thế hệ trước với thế hệ sau…
Tuy nhiên, cũng theo Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, việc dạy tiếng Việt đang gặp ở thách thức lớn ở Áo, đặc biệt đối với các thế hệ người Việt thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên tại đây. Đại sứ quán luôn nhận thức một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác cộng đồng là vận động bà con quan tâm đến việc học tiếng Việt, cũng như làm sao thuyết phục bà con hiểu rõ được tầm quan trọng ấy.
Đại sứ chia sẻ: “Bà con rất yêu nước và luôn trăn trở với việc gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ sau. Có những bố mẹ rất cố gắng để các con đến nhà nhau cùng nói tiếng Việt. Tuy nhiên, cũng có những gia đình chưa làm được điều này”.
Nắm bắt được thực trạng ấy, Đại sứ quán cố gắng liên kết với các hội đồng hương, hội thanh niên, sinh viên… và đặc biệt là Hội Phụ nữ Việt Nam tại Áo. Bởi các chị chính là những người gần gũi nhất trong việc nuôi dạy con, gìn giữ các giá trị truyền thống, trong đó có tiếng Việt.
|
Những cuốn sách tiếng Việt tại thư viện của nước Áo. (Ảnh: NVCC) |
Như vậy, dự án đã có được thành công bước đầu. Hội Phụ nữ Việt Nam tại Áo mong muốn trong thời gian tới, sách tiếng Việt sẽ có mặt ở nhiều thư viện tại các quận khác, đặc biệt là Thư viện quốc gia Áo.
Theo các chị, làm được điều này không dễ, đòi hỏi nỗ lực và phối hợp từ nhiều bên liên quan. Về Đại sứ quán Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho biết luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng có thể, bởi đây là mô hình tốt, nên được nhân rộng cho cộng đồng người Việt ở các nước khác.
Một phần trong cuộc sống hằng ngày
Song song với việc theo đuổi dự án về tủ sách Việt, các chị em phụ nữ ở Áo vẫn đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức các lớp giảng dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng.
Chị Ngô Bích Thủy - Hội trưởng Hội Phụ nữ Việt Nam tại Áo, cho biết trước khi dịch Covid-19 xảy ra, Hội đã tổ chức lớp giảng dạy tiếng Việt ở khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam. Lớp học chỉ duy trì một tuần một buổi nhưng rất chất lượng, con gái chị Thuỷ sau khi tham gia đã rất tự tin giao tiếp tiếng Việt khi trở về Việt Nam.
|
Lớp học tiếng Việt tại Đại sứ quán Việt Nam tại Áo. (Ảnh: NVCC) |
Tuy nhiên, lớp học bị gián đoạn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thời gian sau đó, việc học khó duy trì do các khó khăn về tài chính, giáo viên và điều kiện đưa đón của các bậc phụ huynh.
Vào tháng 9/2023, thông qua sự giới thiệu Đại sứ quán Việt Nam, Hội đã kết nối được với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tiến hành chương trình dạy và học tiếng Việt cho các cháu đang sinh sống tại nước ngoài, giáo viên và giáo trình chuẩn của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cùng với việc tuyên truyền bà con tiếp cận chương trình online hoàn toàn miễn phí này, các chị nhận thấy vẫn cần có lớp học trực tiếp để việc học tiếng Việt của các cháu đạt hiệu quả tốt hơn.
Chị Thủy bày tỏ niềm vui: “Chúng tôi đã tìm được các giáo viên tốt và Hội sẽ sử dụng nguồn quỹ của mình để chi trả kinh phí giảng dạy, Đại sứ quán hỗ trợ về phòng học và sách vở. Hội dự kiến sẽ khai trương lớp học tiếng Việt vào tháng Ba tới, dành cho các cháu trong độ tuổi dưới 15”.
Bên cạnh lớp học tiếng Việt, Hội lên lịch nhiều hoạt động trong năm 2024 nhằm gìn giữ và quảng bá văn hoá truyền thống như biểu diễn văn nghệ tại Tết cộng đồng, tổ chức gói bánh chưng cho các cháu vào dịp Rằm tháng Giêng, giới thiệu quảng bá ẩm thực Việt Nam cùng 25 nước tại Áo...
Đặc biệt, Hội vẫn duy trì, tổ chức đọc sách cho các cháu định kỳ hằng tháng ở trong phòng (vào mùa Đông) hoặc ngoài trời (kết hợp đi picnic vào cuối tuần), hoạt động giao lưu ẩm thực truyền thống và trò chơi dân gian cho các con vào Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6…
Có thể thấy ở những phụ nữ Việt Nam tại Áo một sự tận tâm và kiên nhẫn trong việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ và văn hoá Việt Nam ở xứ người.
Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, chị Thủy cho biết: “Lúc con gái vào lớp Một, cháu không chịu học tiếng Việt, nhất định chỉ nói tiếng Đức. Nhưng khi đưa con đến lớp học tiếng Việt thì dần dần cháu đã thích thú. Để việc thực hành hiệu quả, khi về nhà con phải nói tiếng Việt.
Tôi có tham gia một nhóm gồm 10 gia đình người Việt và có một nguyên tắc khi các con gặp nhau là trao đổi bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, tôi cho cháu xem các chương trình truyền hình Việt Nam. Kết quả là giờ cháu nói tiếng Việt rất tốt”.
|
Các chị em trong Hội Phụ nữ Việt Nam tại Áo. (Ảnh: NVCC) |
Chưa có được thành công như chị Thủy, chị Nhung – Phó Chủ tịch Hội, mong mỏi trong thời gian tới con mình sẽ nói ngôn ngữ mẹ đẻ được tốt hơn: “Dù bố là người nước ngoài nhưng cháu vẫn có 50% dòng máu Việt Nam, hằng ngày vẫn dùng nước mắm, không có nước mắm không chịu ăn cơm”.
Lấy chồng người Áo, chị Hải cho biết học tiếng Việt là một vấn đề nan giải trong gia đình chị trong suốt nhiều năm qua.
Chị bộc bạch: “Tôi hiểu các con đang ở giai đoạn khó khăn với suy nghĩ “mình là ai, là người Áo hay người Việt?”. Vì vậy, việc cho con tham gia lớp học tiếng Việt là rất cần thiết, cùng sự trao đổi thường xuyên ở nhà sẽ giúp các con tôi có môi trường tốt để thực hành tiếng mẹ đẻ, cũng như hiểu về nguồn cội”.
Theo baoquocte