Đại học Bắc Kinh đã mở chuyên ngành tiếng Việt từ năm 1949.
Chuyên ngành tiếng Việt là một trong những chuyên ngành có từ rất sớm trong nhiều trường đại học của Trung Quốc. Từ năm 1949, Đại học Bắc Kinh đã mở chuyên ngành đào tạo tiếng Việt, sau đó đến năm 1954 là Đại học Kinh tế Mậu dịch Đối ngoại (Bắc Kinh) và năm 1964 là Đại học Dân tộc Quảng Tây.
Gần đây nhất là năm 2015, Học viện Ngoại ngữ Hà Bắc ở thành phố Thạch Gia Trang đã mở chuyên ngành đào tạo tiếng Việt và hiện có khoảng 200 sinh viên Trung Quốc đang học chuyên ngành này.
Tỉnh Vân Nam có 8 đại học, học viện đào tạo chuyên ngành tiếng Việt là: Đại học Vân Nam, Đại học Dân tộc Vân Nam, Đại học Sư phạm Vân Nam, Đại học Tài chính Vân Nam, Đại học Nông nghiệp Vân Nam, Đại học Lâm nghiệp Tây Nam, Học viện Văn Sơn, Học viện Hồng Hà.
Tỉnh Quảng Tây có 5 đại học, học viện đào tạo chuyên ngành tiếng Việt là: Đại học Quảng Tây, Đại học Dân tộc Quảng Tây, Học viện Sư phạm Quảng Tây, Học viện Sư phạm Dân tộc Quảng Tây, Học viện Ngoại ngữ Quảng Tây.
Thành phố Bắc Kinh có 3 đại học đào tạo chuyên ngành tiếng Việt là: Đại học Bắc Kinh, Đại học Kinh tế Mậu dịch Đối ngoại, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh.
Còn lại 4 tỉnh, thành phố khác, mỗi địa phương có một trường là: Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, Đại học Ngoại ngữ Ngoại thương Quảng Đông, Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên và Học viện Ngoại ngữ Hà Bắc.
Thực tế cho thấy, việc đào tạo sinh viên chuyên ngành tiếng Việt ở các trường đại học của Trung Quốc vẫn ở quy mô nhỏ. Một số trường như Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, Đại học Bắc Kinh, Đại học Kinh tế Mậu dịch Đối ngoại, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh... chỉ tuyển khoảng 10 đến 20 sinh viên một khóa, 2 năm hoặc 4 năm mới tuyển một lần.
Mặc dù vậy, do chất lượng đào tạo tốt và nhu cầu thị trường cao nên đa phần sinh viên tốt nghiệp đều tìm được việc làm phù hợp.
Theo Thế giới và Việt Nam