Ngôi sao nhạc pop của Anh Rita Ora đã cùng hành trăm nhân vật trong giới âm nhạc nước này lên tiếng kêu gọi xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc.
Các nhân vật trên đã cùng ký vào một bức thư đăng trên báo Sunday Times của Anh với nội dung phản đối tình trạng phân biệt đối xử và sự lạm dụng. Theo đó, các nhạc sĩ và nhiều nhân vật khác trong làng nhạc Anh nhấn mạnh, tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc đều có cùng nguồn gốc là sự thiếu hiểu biết, thiếu giáo dục.
"Chúng tôi cùng nhau cất cao tiếng nói, cùng nhau nhận trách nhiệm và đoàn kết để xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc. Im lặng không phải là một lựa chọn", bức thư viết.
Bức thư trên được đưa ra sau khi ca sĩ nhạc rap nổi tiếng người Anh Wiley bị cấm tham gia mạng xã hội do đăng tải một loạt nội dung bài Do Thái. Ngày 29/7, Wiley đã bày tỏ xin lỗi và khẳng định mình không phải là người phân biệt chủng tộc.
Tham gia ký tên vào bức thư trên có nhóm nhạc nữ Little Mix, ca sĩ-nhạc sĩ Lewis Capaldi, Olly Murs, Jess Glynne, Alex James của ban nhạc Blur và nhạc sĩ Goldie, cũng như đại diện các hãng xuất bản âm nhạc bao gồm EMI, Sony Music UK và Warner Music UK.
Hành động của các nghệ sĩ Anh nối tiếp các phong trào lan rộng trên toàn cầu chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd sau khi bị cảnh sát bắt giữ ở thành phố Minneapolis của Mỹ gây ra ngày 25/5.
Khoảng 4 thập kỷ trước đây, các nhạc sĩ Anh cũng đã cùng nhau tham gia phong trào văn hóa "Rock Against Racism" phản đối tình trạng bài ngoại.
Một số nhóm nhạc tại Mỹ và Anh đã đổi tên do chữ trong tên nhóm có liên quan đến phân biệt đối xử. Nhóm nhạc đồng quê Lady Antebellum đã đổi tên thành Lady A vì chữ "Antebellum" gợi nhớ giai đoạn đen tối của người da màu tại Mỹ. Tại Anh, DJ Joey Negro đã bỏ nghệ danh và sử dụng tên thật Dave Lee.
Trong khi đó, ngày 2/8, nhân ngày tưởng niệm các nạn nhân người Di-gan bị thảm sát dưới chế độ Đức Quốc Xã trong Chiến tranh Thế giới II, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bảo vệ các nhóm sắc tộc thiểu số trước nạn kỳ thị và phân biệt. Lời kêu gọi được đưa ra
Trong một tuyên bố chung với Phó Chủ tịch EC Vera Jourova và Cao ủy châu Âu phụ trách vấn đề quyền bình đẳng Helena Dalli, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Chúng tôi coi việc ghi nhận và tưởng nhớ tất cả những người từng phải chịu đựng chế độ của Đức Quốc xã, trong đó có những người Di-gan, là một trách nhiệm đạo đức”.
Tuyên bố nêu rõ việc tưởng nhớ các nạn nhân bị thảm sát nhắc nhở rằng cần giải quyết những thách thức mà những nhóm người nói trên hiện vẫn phải đối mặt, trong khi những thách thức này thường bị bỏ qua.
"Châu Âu có nghĩa vụ bảo vệ các nhóm sắc tộc thiểu số khỏi nạn kỳ thị và phân biệt chủng tộc, và hơn bao giờ hết, cần duy trì những hoạt động tưởng nhớ khi số nạn nhân may mắn sống sót và nhân chứng của các cuộc thảm sát đang ngày càng ít đi".
Theo báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa ra tháng 6 vừa qua, cho đến hiện nay, trẻ em Di-gan vẫn bị phân biệt đối xử tại các trường học ở một số nước Trung và Đông Âu, trong đó có Hungary. Người Di-gan là nhóm sắc tộc thiểu số đông nhất tại Hungary, chiếm 7% trong tổng số 9,7 triệu dân của nước này.
Năm 2015, Nghị viện châu Âu đã quyết định lấy ngày 2/8 hằng năm là ngày tưởng niệm những người Di-gan ở châu Âu bị thảm sát thời Đức Quốc Xã. Trong các cuộc thảm sát của Đức Quốc Xã trong Chiến tranh Thế giới II có 6 triệu người Do Thái và 500.000 người Di-gan thiệt mạng.
Theo baoquocte.vn