Tất cả những gì Jason (không phải tên thật), 37 tuổi, có thể nghĩ tới những ngày này là làm thế nào để hạn chế sử dụng nhà vệ sinh, 6 xu còn lại trong tài khoản ngân hàng và chai nước sát khuẩn tay đặt tại thang máy nhà ga tàu điện ngầm nơi anh ngủ hàng đêm.
Đeo khẩu trang sẽ khiến giấc ngủ của Jason vốn đã khó chịu càng trở nên ngột ngạt hơn. Trong thời tiết nóng bức như hiện nay, quần áo và tấm bìa cứng Jason trải trên đất thường ướt đẫm mồ hôi vào buổi sáng hôm sau.
Jason bắt đầu ngủ ngoài đường từ tháng 11 năm ngoài khi anh bị mẹ đuổi ra khỏi nhà bằng lệnh từ tòa án. Theo lời Jason, cuộc sống kể từ thời điểm Singapore áp lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn Covid-19 ngày 7/4 "còn tồi tệ hơn ác mộng" với những người vô gia cư như anh.
35 cơ quan, tổ chức tại Singapore đã đồng ý cung cấp khoảng 700 giường cho người vô gia cư tá túc tạm trong thời gian áp lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, gần 400 giường vẫn chưa có người đăng ký.
Không ít người vô gia cư vì những lý do khác nhau mà từ chối đăng ký nơi tá túc do những tổ chức từ thiện cung cấp.
Jason cho hay việc tiếp cận với những hỗ trợ như vậy không phải điều đơn giản. Theo lời Jason, anh đã đến Văn phòng Dịch vụ Xã hội của Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội (MSF) đăng ký nơi tá túc từ vài tháng trước nhưng quá trình này đang bị bế tắc vì người phụ trách trường hợp của Jason yêu cầu anh tới Viện Sức khỏe Tâm thần (IMH) để đánh giá khả năng nghiện rượu. Tuy nhiên, anh từ chối vì nghĩ mình không có vấn đề về nghiện rượu.
Khi được hỏi vì sao Jason không được bố trí một chỗ tại các khu nhà tạm trú cho người vô gia cư, phát ngôn viên MSF cho biết họ cần cân nhắc hàng loạt yếu tố khác nhau trước khi nhận thêm người mới.
Người phát ngôn nói thêm rằng Jason từng được nhận vào một nhà tạm trú nhưng không thể tiếp tục ở lại vì từ chối tuân thủ một số hướng dẫn. "Anh ấy bị phụ thuộc vào rượu và có những hành động hung hăng đối với đội ngũ nhân viên cùng các cư dân khác. Điều này khiến việc sắp xếp anh ấy vào một khu tạm trú khác trở nên rất khó khăn".
Jason chỉ là một trong 7 người vô gia cư mà phóng viên báo Today Online bắt gặp tại quận Rochor ở trung tâm Singapore hồi tuần trước, bất chấp lệnh phong tỏa từ chính quyền. 5 người trong số này đều là người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi Covid-19.
Một người là Pang Jee Tang, 80 tuổi, nhân viên rửa bát. Chỗ ngủ quen thuộc của ông nằm giữa hai chậu hoa lớn dọc theo một con hẻm trên đường Purvis giờ đây có thêm ba chiếc khẩu trang đang phơi khô.
Các nhân viên tại nhà hàng Chin Chin Eating House, nơi ông làm việc, cho biết Pang, người đã ngủ trên phố 20 năm, vẫn vui vẻ với cuộc sống thường ngày. Ông đơn giản là chỉ tìm cách thích nghi với hoàn cảnh.
"Tôi vẫn luôn ở đây. Tôi sẽ chẳng đi đâu hết", ông nói.
Một người khác là nhân viên vệ sinh tại một chung cư ở Newton. Người đàn ông 64 tuổi bắt đầu ngủ trên phố từ khoảng nửa năm trước để tránh tranh cãi với vợ. Hai người đang trong quá trình ly hôn.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, các tình nguyện viên nhà thờ thỉnh thoảng tới tìm ông, ngỏ ý cung cấp cho ông một nơi tá túc nhưng ông từ chối vì không muốn phải nghe các bài giảng đạo để đổi lấy sự giúp đỡ.
"Tôi sợ họ sẽ tẩy não tôi", ông nói.
Từ khi lệnh phong tỏa được ban bố, các tình nguyện viên không còn tới nữa. Cảnh sát có mấy lần đến nhưng họ không yêu cầu ông di chuyển.
Ông vui vì vẫn được ở lại nơi mà ông nói rằng mình "đã quen với nó". Ông cho biết thêm rằng muốn ngủ gần nơi mình làm việc, vậy nên nếu đăng ký vào khu tạm trú, ông không biết mình sẽ bị chuyển tới đâu.
Theo phó giáo sư Ng Kok Hoe từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, những người vô gia cư rất dễ bị tổn thương vì Covid-19 bởi họ chủ yếu là người cao tuổi, đều có bệnh lý nền và sống trong môi trường không đảm bảo vệ sinh.
Nhưng một số cơ quan bảo trợ xã hội và các nhóm tình nguyện viên cho hay hiện tại, họ không thể làm gì nhiều bởi giữa lệnh phong tỏa, họ không thể thực hiện các chuyến đi hàng đêm để xác định người cần giúp đỡ.
Theo See Choon Wai, giám đốc điều hành Trung tâm Dịch vụ Gia đình Pasir Ris, những người vô gia cư đa phần đều rất coi trọng sự độc lập của họ. "Họ cũng tự nhận thức được rằng bản thân khó sống chung với người khác", ông nói.
Quản lý các cơ sở tạm trú cho hay họ cần đặt ra các quy định và tiêu chuẩn an toàn mỗi khi tiếp nhận người với. Một số người gặp trở ngại trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn này.
"Chúng tôi cần kiểm tra xem họ có mang vũ khí, sử dụng rượu hay chất gây nghiện hay không, liệu họ có gặp vấn đề gì về thể chất và tâm thần hay có yêu cầu chăm sóc đặc biệt nào không, bởi chúng tôi không đủ khả năng cũng như phương tiện để giúp đỡ", mục sư Yio Chu Kang nói.
Abraham Yeo, đồng sáng lập tổ chức Homeless Hearts of Singapore, thêm rằng "vì những lý do an toàn, các nhà tạm trú không thể chứa người nghiện rượu, lạm dụng chất kích thích hay người có vấn đề về sức khỏe tâm thần".
Theo vnexpress