- Đi, đi với anh, lên Lào Cai chơi thăm nhà anh.

- Không đi đâu, em còn phải về học.

- Đi ba ngày thôi rồi về. Không về học nữa thì anh cưới em.

Đó là khung cảnh một buổi chiều thứ Bảy, tháng Mười năm 2016, tại bến xe khách thành phố Yên Bái.

Lù Thị Chang học lớp 9 một trường nội trú ở Yên Bái. Tan học sau buổi trưa, cô rủ người bạn Giàng Thị Dung ra quốc lộ bắt xe. Người bạn trai quen trên Facebook được một tháng hẹn gặp đi uống nước. Trước lúc rời phòng trọ, cô gái đứng ngắm mình trong gương, chọn bộ quần áo đẹp nhất, và thoa thêm một chút son màu hồng. Đây là lần đầu tiên cô gặp "người ấy".

Chuyến xe khách xuất phát từ Nghĩa Lộ, đưa các cô xuống thành phố Yên Bái. Trên xe, chuông điện thoại của Chang liên tục reo bởi cuộc gọi của bạn trai với câu hỏi "Em tới đâu rồi?".

Đón hai cô gái  là bạn trai quen qua mạng của Chang, tên Cư Seo Quang và "một anh già hơn", tên Thào Seo Chúng. Cô gái có chút thất vọng, khi người bạn ở ngoài đời thực "nhỏ con và không đẹp trai như ảnh gửi qua Facebook".

Mặc người bạn trai năn nỉ về nhà chơi, Chang vẫn lắc đầu từ chối. Chàng trai liền quay sang thuyết phục Dung. "Về nhà anh ấy chơi một hôm, rồi chiều mai mình bắt xe về trường", Dung lên tiếng.

Nhận được cái gật đầu từ bạn gái, Cư Seo Quang không giấu nổi nụ cười, quay sang hỏi Thào Seo Chúng "3h chiều rồi, có xe khách về Lào Cai không?". "Bắt taxi đi cho nhanh", Chúng nói. 



Chiếc taxi dừng ở thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng khi trời đã nhập nhoạng tối.

"Đói rồi. Mình đi ăn gì đi", Chang rủ. Cô không biết mình đang ở đâu. Ngửi mùi phở từ bên đường, Chang thấy đói bụng. Cô biết trời đã tối. Đầu đông, quốc lộ không có bóng người.

"Về nhà anh rồi ăn. Cả nhà đang đợi cơm, một đoạn nữa rồi đến", Cư Seo Quang trấn an.

Họ đổi một chiếc taxi khác. Xe tới nửa đường thì dừng lại. Bên vệ đường, hai chiếc xe máy đã đợi sẵn. Trên xe là Cư Seo Đồng - em trai Quang và Sùng Seo Vảng. Mỗi chiếc xe kẹp ba người, cô gái ngồi giữa, theo hướng Quốc lộ 70 tiến về biên giới Việt-Trung.

Mỗi lần thấy xe ngược chiều chạy xẹt qua, Chang đều hỏi "Gần đến nhà anh chưa?". "Sắp rồi", Quang ậm ừ, mắt dán vào màn hình điện thoại cầm trên tay. 

Trong tiếng gió thổi vù vù bên tai, cô gái chỉ nghe loáng thoáng một cuộc gọi: "Sắp đến rồi, ra đón đi". Hai chiếc xe máy rẽ vào đoạn đường đất. Xung quanh không có nhà cửa, không ánh điện. Từ ánh sáng của đèn pha, cô chỉ nhận ra hai bên đường trồng rất nhiều chuối. Họ đến một khúc suối cạn, thì thấy một người đàn ông.

Chang lúc lội qua con suối vẫn nghĩ rằng mình sắp tới bản của người bạn trai. Chang không biết con suối ấy là đường phân thủy biên giới. Bên này là Bản Lầu, Mường Khương, Lào Cai. Bên kia là Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

"Lúc thấy chữ Trung Quốc, em biết mình bị bán rồi".

Lù Thị Chang và Giàng Thị Dung đã bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc tên Lình, với giá 38.000 NDT. Số tiền được chia đều cho bốn tên Quang, Đồng, Chúng và Vảng. Mỗi tên cầm 9.500 NDT, tương đương 33 triệu đồng. Từ tay Lình, hai cô gái bị bán đi hai nơi, cho đến khi trở thành vợ của những người đàn ông Trung Quốc.

Theo thống kê của Bộ Công an, trung bình một năm ở Việt Nam có 400 vụ buôn bán người. "70% vụ buôn bán người từ Việt Nam sang Trung Quốc". Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an nhận định có ba điểm trung chuyển của các đường dây buôn bán phụ nữ: Lạng Sơn; Quảng Ninh và Lào Cai.

Điểm cuối của các tuyến vận chuyển đều là Trung Quốc - nơi có hơn 30 triệu đàn ông đang "đói vợ" sau hơn ba thập niên thực thi chính sách một con.

                                                                                                                                                                 Theo vnexpress