"Năm nay nhà tôi mất Tết rồi. Bị cấm cửa trong nhà, gọi ship hàng cũng không ai dám chở tới. Không biết đến 30 Tết có được thả ra không. Mà giờ đấy thì cũng chẳng mua bán được gì nữa", Đoàn Thị Quỳnh, 35 tuổi, định cư tại Bắc Kinh 9 năm qua, tâm sự.


                                                         Chị Quỳnh nhận thực phẩm tiếp tế hôm 4/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khu nhà chị ở Thiên Cung Viện, quận Đại Hưng, tây nam Bắc Kinh, nơi có khoảng 20.000 người sinh sống. Ca nhiễm nCoV đầu tiên ở khu vực này được phát hiện hôm 17/1, khi một người đàn ông tới bệnh viện khám vì xuất hiện triệu chứng. Trước khi được phát hiện, người này đã di chuyển qua nhiều nơi, bao gồm tuyến tàu điện ngầm số 4, hai trung tâm thương mại, nhiều tòa nhà trong khu vực.

"Giờ ở đây nội bất xuất, ngoại bất nhập, đến đổ rác cũng không cho ra ngoài. Cư dân chỉ cần để rác trước cửa là có người tới lấy đem đi. Thức ăn thì cách vài ngày lại có người mang thực phẩm tiếp tế đến đặt trước cửa", chị Quỳnh cho biết.

"Cả một trường học gồm giáo viên, học sinh và gia đình học sinh đều phải đi cách ly vì có ca nghi nhiễm. Từ hôm 17/1 tới giờ, người trong khu phố đã phải lấy mẫu xét nghiệm 4 lần rồi", người phụ nữ quê ở Hải Phòng nói thêm.

Quê chồng chị Quỳnh ở tỉnh An Huy, miền trung Trung Quốc. Trước đây, mỗi dịp Tết đến, nếu gia đình chị không về quê, ông bà nội thường gửi đặc sản thịt muối ở An Huy lên, nhưng năm nay không có bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong đợt bùng dịch này, chính quyền phải cách ly dài ngày cả cụm dân cư, bởi chủng virus mới chỉ xuất hiện triệu chứng ở người sức khỏe kém, còn người khỏe mạnh thường không biểu hiện triệu chứng. Khu nhà chị Quỳnh đã ghi nhận hơn 130 ca nhiễm trong nửa tháng, đa phần là ca không triệu chứng.

"Gần Tết họ đi khắp nơi mua sắm, về quê. Nếu virus ủ bệnh trong người, tới lúc ốm mới phát bệnh ra, thì không thể khống chế được", chị Quỳnh giải thích.

Một người Việt nữa cũng lâm vào cảnh "dở khóc dở cười" năm nay là Nguyễn Thị Thu Hà, 36 tuổi, học tập và sinh sống ở Bắc Kinh từ năm 2012.

Do chồng đang học ở Mỹ không về nước được do dịch bệnh, Hà và con gái 4 tuổi tới Nam Ninh tránh rét từ tháng 12 và vẫn ở đó tới nay do chính quyền áp hạn chế đi lại ngăn Covid-19 lây lan.

"Giờ tôi không quay lại Bắc Kinh được do bùng dịch. Ông bà nội thì về quê, mình tôi phải trông cháu ở Nam Ninh. Còn nhà ở Bắc Kinh thì một mình cô giúp việc người Philippines ở, không có việc gì vẫn phải trả lương", chị Hà nói.

Sau khi tốt nghiệp hậu tiến sỹ Đại học Thanh Hoa, chị đầu quân cho Viện nghiên cứu học thuật và thực hành kinh tế Trung Quốc. Từ khi bùng dịch, mọi hoạt động nghiên cứu và làm việc đều tiến hành qua mạng.


                                  Chị Hà trong nhà hàng Miss Việt tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, hôm 4/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Covid-19 khiến năm nay Hà không thể về quê Hải Phòng ăn Tết, cũng làm gián đoạn công việc kinh doanh của chị tại Việt Nam.

Chị cùng ba người bạn hợp tác đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà tại Cà Mau. Dịch bệnh khiến việc nhập pin từ Trung Quốc về Việt Nam gián đoạn, thời gian kéo dài ảnh hưởng tiến độ thi công và đóng điện.

"Cũng may là dự án đã hoàn thành được một phần. Tôi mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, hy vọng năm sau có thể về Việt Nam ăn Tết", chị Hà bày tỏ.

Theo vnexpress

T