leftcenterrightdel
 Đội tuyển Anh tại Euro 2022 (Ảnh: Getty Images)

Một cuộc khảo sát do mạng lưới Women in Football tại Anh thực hiện cho thấy 82% thành viên của mạng lưới này đã hoặc đang trải qua các hình thức phân biệt đối xử bao gồm phân biệt giới tính, quấy rối tình dục và nhận xét xúc phạm về khả năng dựa trên giới tính. Con số này tăng từ 66% vào năm 2020.
Trong số những người tham gia bị phân biệt đố xử, chỉ có 23% thành viên cho biết họ cảm thấy có thể báo cáo điều đó với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện sự cải thiện đáng kể so với kết quả khảo sát tương tự năm 2020, khi chỉ có 12% số người tham gia cảm thấy có thể lên tiếng.

leftcenterrightdel
 Sau chiến thắng của Lionesses tại Euro 2022, người Anh đã có một cảm giác lạc quan mới về việc xóa bỏ phân biệt giới tính trong ngành (Ảnh: Getty Images)

Yvonne Harrison, Giám đốc điều hành của Women in Football cho biết: "Giống như tất cả các hình thức phân biệt đối xử khác, phân biệt giới tính có thể hủy hoại sự nghiệp và cuộc sống của một người. Đáng buồn thay, nó đang trở nên phổ biến hơn. Bóng đá cần phải tiếp tục cuộc chơi của mình và không khoan nhượng với những kẻ phạm tội."

"Mặc dù các số liệu cho thấy ngày càng có nhiều người báo cáo về việc bị phân biệt đối xử, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Phụ nữ vẫn còn phải đối mặt với sự sợ hãi khi lên tiếng. Khi những vấn đề về giới càng được nhắc đến nhiều trong môi trường làm việc, phụ nữ sẽ càng ít khoan dung hơn đối với bất công mà họ phải chịu đựng.

Mặt khác, khảo sát cũng cho thấy môn thể thao này đang đạt được những tiến bộ ổn định hướng tới sự bình đẳng giới, với 89% số người được hỏi lạc quan về triển vọng của phụ nữ trong bóng đá. Mặc dù vậy, vẫn còn tồn tại một "tấm trần kính" cản trở phụ nữ tiến tới những vị trí cấp cao trong bộ môn này, với chỉ 27% phụ nữ tham gia được khuyến khích rèn luyện để đạt được những vị trí cao hơn.

Theo Women In Football, chìa khóa để đạt được tiến bộ trong việc mang lại sự nghiệp tốt hơn cho phụ nữ là sự minh bạch hơn trong dữ liệu việc làm. Đây cũng là yêu cầu của các nhà vận động cho bình đẳng chủng tộc trong môn thể thao này. 

Minh Trang/Nguồn: The Guardian