Cảm ơn Ý và Na Uy

61 năm sau khi tổ chức giải vô địch bóng đá thế giới dành cho nam đầu tiên, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) mới tổ chức giải dành cho nữ, dù lịch sử cho thấy phụ nữ đã chơi môn thể thao này từ đầu thế kỷ XIX. Năm 1970, Liên đoàn Bóng đá nữ độc lập châu Âu (FIEFF) có trụ sở tại Turin (Ý) đã tổ chức giải vô địch bóng đá nữ thế giới không chính thức với 7 đội tham gia. Đan Mạch đã trở thành nhà vô địch. Năm sau, FIEFF tổ chức một giải khác ở Mexico với 6 đội và Đan Mạch tiếp tục đánh bại nước chủ nhà trong trận chung kết. FIEFF giải thể vào năm 1972, nhưng các giải bóng đá nữ vẫn tiếp tục từ đầu đến giữa những năm 1980 thông qua Mundialitos, hoặc cúp thế giới thu nhỏ.

leftcenterrightdel
 Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023 sẽ khai mạc tại Úc và New Zealand vào ngày 20/7 - Ảnh: Sky News 
Vào năm 1986, nữ đại biểu Na Uy Ellen Wille đã phát biểu trước Đại hội FIFA lần thứ 45, yêu cầu tổ chức này thúc đẩy bóng đá nữ tốt hơn. Vì không muốn thương hiệu World Cup có thể gặp thất bại, FIFA rất “cảnh giác” khi miễn cưỡng tổ chức một giải đấu dành cho nữ ở Trung Quốc vào năm 1988, quy tụ 12 đội, trong đó có đội tuyển Mỹ mới thành lập. Mỹ thua Na Uy ở tứ kết, và quốc gia Scandinavia cuối cùng đã giành chiến thắng chung cuộc. Nhưng lần đó lại là một chiến thắng cho tất cả. Sự thành công của sự kiện đã thuyết phục FIFA chính thức xác nhận một giải vô địch bóng đá nữ thế giới đầu tiên được tổ chức năm 1991, cũng tại Trung Quốc. Mỹ là đội vô địch và tiếp tục giành thêm 3 danh hiệu World Cup nữ vào các năm 1999, 2015 và 2019. Đây là đội bóng luôn tham gia các giải đấu với sự yêu mến từ người hâm mộ khắp thế giới.

Thế nhưng, số bàn thắng ghi được nhiều nhất trong lịch sử World Cup lại thuộc về Marta Vieira da Silva, nữ tuyển thủ Brazil, nước chưa dành được chức vô địch lần nào. Marta ghi 17 bàn trong 5 kỳ World Cup từ năm 2007-2019. Đây cũng là thành tích mà các đồng nghiệp nam chưa từng làm được tại các kỳ World Cup. Năm nay 37 tuổi, cô sẽ tham dự vòng chung kết thứ sáu của mình với hy vọng giúp đội tuyển nữ Brazil giành chức vô địch World Cup đầu tiên.

Ifeanyi Chiejine của Nigeria ra mắt trong trận đấu với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên tại World Cup nữ năm 1999, khi mới 16 tuổi 34 ngày, trở thành nữ cầu thủ trẻ nhất từng tham dự World Cup. Cô còn xuất hiện 2 lần nữa, tại World Cup nữ 2003 và 2007, trước khi giải nghệ sau Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Đáng buồn thay, Chiejine đã qua đời ở tuổi 36 vì bạo bệnh. Ngược lại, Miraildes Maciel Mota của Brazil hiện đang giữ danh hiệu là cầu thủ lớn tuổi nhất tham dự World Cup nữ. Ở tuổi 41 và 112 ngày, cô đã khoác áo tuyển “hoàng yến” trong trận tứ kết với Pháp năm 2019. Cô cũng đã làm nên lịch sử với tư cách là cầu thủ bóng đá duy nhất, cả nam lẫn nữ, đã tham gia 7 kỳ FIFA World Cup, bắt đầu từ giải đấu 1995, đồng thời cũng là nữ cầu thủ đầu tiên tham gia 7 kỳ Olympic. Formiga nghỉ thi đấu quốc tế vào năm 2021.

Định kiến giới ngày càng giảm

leftcenterrightdel
 Đội tuyển nữ Việt Nam trong trận giao hữu với đội tuyển Đức chuẩn bị cho 2023 FIFA Women's World Cup - Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam 

Trên hết, bình đẳng giới luôn là thông điệp mạnh mẽ của các kỳ World Cup nữ. Những ngày khi Giải vô địch bóng đá nữ thế giới sắp khởi tranh, các đội bóng đã nữ trên thế giới đang gây áp lực lên cơ quan quản lý nhằm được trả lương tương xứng, tôn trọng các nữ cầu thủ một cách bình đẳng. Các thành viên của đội tuyển quốc gia Úc đã phát hành video phản đối việc FIFA không trao cho giải đấu của phụ nữ số tiền thưởng ngang bằng với nam giới. Tổng giải thưởng cho giải năm nay đã được nâng lên 150 triệu USD, nhưng vẫn chỉ bằng 1/3 của con số 440 triệu USD được trao cho những người chiến thắng tại World Cup nam năm ngoái ở Qatar. FIFA đã cam kết thu hẹp khoảng cách này. Tháng trước, họ cho biết sẽ cung cấp cho mọi cầu thủ tham dự World Cup nữ “mức thù lao được bảo đảm với thành tích”.

Dựa trên việc chưa có nhiều khán giả theo dõi giải bóng đá nữ so với giải của nam giới, nhiều người cho rằng đó là do các môn thể thao của phụ nữ kém hơn nam giới, do đó ít xứng đáng được đầu tư và khen thưởng. Đây là thái độ kỳ thị nữ giới. Vào năm 2022, một khảo sát với 1.950 người hâm mộ bóng đá nam ở Vương quốc Anh của Đại học Durham cho thấy rằng “thái độ kỳ thị phụ nữ một cách công khai” vẫn thống trị người hâm mộ bóng đá.

Giải đấu lần thứ chín khai mạc vào ngày 20/7 này đang trên đà trở thành sự kiện thể thao độc lập dành cho nữ có đông người tham dự nhất trong lịch sử, với hơn 1 triệu vé đã được bán ra. Sức hút của giải đang ngày càng lớn hơn cho thấy những định kiến giới đang ngày càng ít đi. 

Theo phụ nữ TPHCM