Theo đó, anh đã nhắn tin xin quản lý của mình nghỉ phép một tuần để chăm vợ mới sinh con nhưng bị từ chối, World Of Buzz đưa tin.
Đáp lại, cấp trên của Danny đã thắc mắc: "Tôi tưởng anh nói vợ anh đến 25/5 mới sinh cơ mà? Tại sao lại sinh sớm như vậy".
Nam nhân viên cố gắng giải thích rằng vợ anh sinh sớm hơn ngày dự kiến, đây cũng là điều bất ngờ với cả anh. Tuy nhiên, người quản lý không chấp nhận và chỉ quan tâm rằng những đầu việc của anh sẽ do ai đảm trách.
"Ai sẽ làm những công việc đó khi cậu nghỉ phép? Tôi à? Tốt nhất là cậu nên nghỉ việc đi", cấp trên nói.
Sau đó, sếp đã yêu cầu Danny cung cấp bằng chứng cho thấy vợ anh mới sinh con. Danny đã gửi hình ảnh nhưng cấp trên không hài lòng.
"Cậu đúng là thứ rắc rối. Cứ nghỉ đi và đừng quay lại nữa. Chúng tôi không cần cậu", người cấp trên tỏ thái độ gay gắt.
|
|
Nhiều ông bố muốn nghỉ phép chăm con nhưng không thể. Ảnh minh họa:123RF |
Danny tiếp tục cầu xin người quản lý thông cảm nhưng không được hồi đáp. Ngày hôm sau, anh được thông báo đã bị đuổi việc.
"Chúng tôi không cần cậu nữa. Tôi sẽ trả lương của cậu vào ngày 7. Vị trí của cậu đã có người thay thế rồi", người này nói trong tin nhắn, đồng thời chặn Danny trên WhatsApp.
Bài đăng của Danny nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, gây ra cuộc tranh luận sôi nổi. Nhiều dân mạng kêu gọi anh báo cáo sự việc lên Bộ lao động và Danny đã làm theo.
Trả lời phỏng vấn World Of Buzz, anh cho biết chưa thể tìm công việc mới vì bận xử lý chuyện với công ty cũ, vừa phải chăm con nhỏ và vợ.
"Con tôi được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng vàng da. Tôi cũng đang trong quá trình phản ánh vấn đề này với bộ phận lao động", Danny nói.
Những ông chồng không dám nghỉ thai sản
Việc cho phép chồng nghỉ để chăm vợ trong thời kỳ thai sản là vấn đề được thảo luận ở nhiều quốc gia. Ngày càng nhiều nơi có chế độ nghỉ thai sản đối với nhân viên nam, nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đẻ.
Song thực tế nhiều người chồng không dám, hoặc không thể thực hiện chế độ này do lo ngại sự nghiệp bị ảnh hưởng.
Tháng 1 vừa qua, Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên cho phép đàn ông nghỉ thai sản tới 18 tháng. Đây là biện pháp quyết liệt với hy vọng đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm kỷ lục ở nước này.
|
|
Nhiều quốc gia cho phép nhân viên nam nghỉ thai sản nhằm khuyến khích sinh con. Ảnh:HuffPost |
Tuy nhiên, theo khảo sát vào năm 2021, chỉ 3,5% các ông bố làm việc ở các công ty nhỏ hưởng chế độ thai sản. Lý do chính khiến nam giới lo ngại khi nghỉ thai sản là mất thu nhập trong bối cảnh khoảng cách tiền lương theo giới ở Hàn Quốc là rất lớn.
Kim Jin-wook, giáo sư tại Trường Chính sách công thuộc Đại học Sogang, cũng chỉ ra rằng một trong những lý do khiến nam giới không nghỉ phép chăm con là do thu nhập giảm.
"Những người có trình độ học vấn và lương cao dễ xin nghỉ chăm con hơn những người có mức lương thấp", Kim nói.
Vấn đề tương tự cũng xảy ra ở Singapore. Chính phủ cho phép nam giới nghỉ thai sản 2 tuần có lương, nhưng nhiều ông bố không dám ở nhà chăm vợ con vì áp lực từ cấp trên và đồng nghiệp.
Dữ liệu từ Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội (MSF) chỉ ra tỷ lệ nam giới ở Singapore sử dụng kỳ nghỉ thai sản 2 tuần do chính phủ cho phép là 55% vào năm 2019, tăng từ 47% vào năm 2016.
Vẫn có gần một nửa trong số họ không thể tạm dừng công việc để chăm sóc vợ con sau sinh vì thiếu sự đồng tình, hỗ trợ từ công ty hoặc cấp trên.
Theo zingnews