leftcenterrightdel
Nhiều người bị cấp trên trả thù sau khi báo cáo bị quấy rối nơi làm việc. 

Gabjil 119 - nhóm công dân cung cấp tư vấn pháp luật cho nạn nhân bị quấy rối ở Hàn Quốc - đã phân tích 1.442 vụ bắt nạt nơi làm việc từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, trong đó xác định được người gửi tố cáo. 59,2% các vụ liên quan đến quấy rối tình dục, trang Korea Bizwire đưa tin.

Có 331 trường hợp người gửi đã báo cáo trường hợp quấy rối cho một tổ chức có trách nhiệm hoặc một bộ phận trong cơ quan.

Tuy nhiên, 40,2% người báo cáo đã bị trách phạt và chịu thiệt thòi sau khi tố cáo vụ việc, và hơn 75% trong người cho rằng người quản lý đã vi phạm quy trình về điều tra hành vi quấy rối.

Theo đó, cấp quản lý và người sử dụng lao động đã không thực hiện một cuộc điều tra thích hợp, và trung bình cứ 10 người báo cáo thì có 4 người chịu hình thức khiển trách hoặc hình phạt từ cấp trên.

Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động của Hàn Quốc quy định bất kỳ nhân viên nào cũng có thể báo cáo trường hợp bị quấy rối cho người sử dụng lao động của họ hoặc Bộ Việc làm và Lao động, ngay cả khi họ đã rời công ty.

Nếu hành vi quấy rối diễn ra trong khi cá nhân đó vẫn đang làm việc, công ty phải tiến hành điều tra và thực hiện các biện pháp cần thiết.

Các trường hợp quấy rối tại công ty có thể được báo cáo bởi bất kỳ nhân viên nào, cơ quan đó phải điều tra và thực hiện các biện pháp cần thiết, ngay cả khi báo cáo được gửi ẩn danh.

Gabjil - mô tả hành vi lạm quyền của cấp trên đối với nhân viên - là thực trạng phổ biến ở Hàn Quốc.

Gapjil thường được coi là một phần lý do đằng sau môi trường làm việc khắc nghiệt tại xứ củ sâm. Sếp bắt nhân viên làm thêm giờ mà không trả lương hoặc nhân viên bị người quản lý bắt nạt, bạo lực ngôn ngữ, yêu cầu đưa hối lộ hoặc trả lương không đúng hạn là những ví dụ điển hình.

Thời gian gần đây, văn hóa này bị công chúng lên án dữ dội, thậm chí họ lập đường dây nóng để báo cáo và bảo vệ nạn nhân. Xu hướng phản đối gapjil gần đây cũng phản ánh sự thiếu tin tưởng vào hệ thống tư pháp của Hàn Quốc.

Bất chấp phong trào chống gapjil, Hàn Quốc có thể còn chặng đường dài phía trước để giữ cho môi trường làm việc công bằng và xã hội bình đẳng hơn. Luật chống lạm dụng tại nơi làm việc có hiệu lực vào năm 2019, nhưng luật này chỉ kỷ luật hoặc phạt hành chính tối đa 8.000 USD.

Theo zingnews