leftcenterrightdel
Một phù dâu ngã xuống đất la hét khi những người đàn ông xịt bình cứu hỏa vào cô. (Nguồn: Douyin) 

Hai phù dâu ở Trung Quốc khóc lóc, la hét và lăn lộn trên đường sau khi một nhóm đàn ông liên tục xịt bình cứu hỏa vào họ trong một đám cưới.

Những người phụ nữ đến từ tỉnh Sơn Đông này là nạn nhân của "náo hôn" - một phong tục truyền thống trong đám cưới Trung Quốc.

“Náo hôn” là gì?

“Náo hôn” là một nghi lễ truyền thống của Trung Quốc, xuất hiện từ thời nhà Hán, khoảng hơn 2.000 năm trước, mang ý nghĩa “náo động phòng cưới.”

Theo phong tục này, những khách mời nam là bạn chú rể sẽ vào phòng cưới của tân lang tân nương trêu đùa nhằm xua đuổi tà ma, yêu khí và giúp cô dâu sớm thích nghi với cuộc sống hôn nhân.

Hôn nhân trong xã hội phong kiến thường do cha mẹ sắp đặt nên dù đã đến ngày cưới nhưng cô dâu, chú rể vẫn còn cảm giác ngại ngùng. Việc "náo động phòng cưới" có thể sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái, gần gũi nhau hơn. Đây có lẽ là lý do mà tập tục này ra đời.

Nhưng cũng có văn bản cho rằng "náo hôn" thực chất là tàn tích của tục lệ "cướp vợ" thời xưa.

Trong tiếng Trung, chữ "hôn" trong "kết hôn" có nguồn gốc từ chữ "hôn" mang nghĩa "hoàng hôn, trời tối," bởi vì bắt đầu từ thời nhà Chu, người ta tổ chức lễ cưới vào lúc chiều tối nên chữ “hôn” trong “hôn lễ” có nghĩa là hoàng hôn.

Vậy tại sao lại tổ chức đám cưới vào lúc hoàng hôn? Theo như suy đoán từ các phong tục cổ xưa trên khắp thế giới thì rất có thể nguyên nhân là do tục "cướp vợ."

Thời xa xưa khi lễ nghĩa chưa hình thành, nhiều nơi trên thế giới có tục "cướp vợ" trong đám cưới. Tục lệ này được thực hiện vào lúc hoàng hôn.

Vào thời đó, những người bạn của "cô dâu, chú rể" là "trợ lý" hỗ trợ người đàn ông trong vụ "cướp vợ" và sẽ giúp người phụ nữ chống cự lại. Đám cưới sẽ được tổ chức ngay sau đó. Khách mời và bạn bè giúp đỡ chú rể trong vụ "cướp vợ" cũng đến phòng tân hôn.

Sau khi xã hội trở nên văn minh, kiểu cướp vợ này dần mai một nhưng những câu nói đùa trong phòng tân hôn, đám cưới tổ chức vào buổi tối vẫn được giữ lại và trở thành một phần của phong tục hôn nhân truyền thống Trung Quốc.

leftcenterrightdel
"Náo hôn" đã bị biến tướng trở thành nỗi ám ảnh của các cô dâu, chú rể và cả các phù dâu. (Nguồn: Sogou) 

Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, phong tục này đã bị biến tướng trở thành nỗi ám ảnh của các cô dâu, chú rể và cả các phù dâu.

Bên cạnh đó, nhiều báo cáo chỉ ra rằng trò chơi này đã vượt khỏi tầm kiểm soát, trở thành hành vi quấy rối tình dục. Thậm chí nhiều người còn giả làm khách mời trong đám cưới để tham gia vào “náo hôn.”

Hủ tục gây ám ảnh

Quay trở lại với hai phù dâu xui xẻo trong câu chuyện phía trên. Một đoạn clip lan truyền trên mạng do người qua đường quay lại cho thấy các phù dâu bị một nhóm đàn ông kéo và xịt bình cứu hỏa vào người. Thậm chí, họ không dừng lại ngay cả khi những người phụ nữ đã ngã xuống đất.

Vụ việc bạo lực bắt đầu ngay khi cửa xe chở cô dâu và phù dâu về nhà chú rể được mở ra.

Một phù dâu ngã xuống đất la hét và cuộn tròn như quả bóng khi những người đàn ông xịt bình cứu hỏa vào cô. Cuối cùng, khi cô nằm im lặng, họ kéo phù dâu còn lại ra khỏi xe.

Phù dâu đầu tiên được nhìn thấy ôm đầu gối và khóc nức nở trong khi cô thứ hai cố gắng trốn thoát khi những người đàn ông truy đuổi cô.

Tiếng la hét, kêu cứu của các phù dâu đã khiến người qua đường phải can thiệp và gọi cảnh sát.

“Tôi nghĩ chúng ta phải ngăn chặn hành động bạo lực của họ. Họ không nên làm tổn thương các phù dâu để mua vui,” người qua đường quay lại vụ việc cho biết.

Ông nói thêm rằng mặc dù vụ tấn công không gây thương tích về thể chất nhưng việc như vậy là “quá mức cần thiết."

Cảnh sát địa phương đang điều tra vụ việc.

Những chuyện như vậy không phải là điều hiếm trong các đám cưới truyền thống ở Trung Quốc.

Tháng 1/2019, một chú rể ở miền Nam Trung Quốc đã bị ôtô đâm khi chạy trốn khỏi trò đùa trong đám cưới. Người đàn ông này đã kiện những người bạn vì đã "hành hạ" anh ấy theo hủ tục "náo hôn."

Vào tháng 10/2017, một người đàn ông ở Đông Nam Trung Quốc bị trói vào cột đèn với pháo gắn vào mông. Hậu quả là anh ấy bị thương nặng và phải điều trị tại bệnh viện.

"Náo hôn" không chỉ là điều đáng sợ của cô dâu, chú rể mà còn trở thành nỗi ám ảnh của cả những phù dâu.

Sau khi nghe về truyền thống "náo hôn" khét tiếng ở quê chú rể, một người phụ nữ ở Vũ Hán đã quyết định soạn "hợp đồng không trêu chọc trong đám cưới" trước khi tham gia tiệc cưới của người bạn với tư cách phù dâu.

Hợp đồng được chú rể và gia đình anh ký, bao gồm các quy định như không người đàn ông nào được chạm vào cô, không ép uống rượu và không có hình thức sỉ nhục nào.

Đáng lên án

Những câu chuyện về hủ tục "náo hôn" thường xuyên gây phẫn nộ và khiến dư luận lên án ở Trung Quốc.

Theo một cuộc khảo sát, hơn 78% cư dân mạng Trung Quốc cho rằng trêu chọc cô dâu trong đám cưới là không tôn trọng phụ nữ. Theo CCTV, tục "náo hôn" không còn phù hợp và có 70% người dân Trung Quốc thấy xấu hổ với tục lệ này.

leftcenterrightdel
 Một chú rể bị bạn bè buộc lên cây trong ngày cưới. (Nguồn: Sina)

Hồi tháng 3/2021, giới chức ở Châu Bình, thành phố thuộc tỉnh Sơn Đông, đã ban hành thông báo trong đó đặc biệt cấm “hành vi thô tục trong đám cưới” và kêu gọi “cải cách truyền thống đám cưới.”

Chính quyền thành phố Châu Bình nhấn mạnh những hành vi này sẽ bị cảnh sát xử phạt và có thể bị coi là một tội hình sự.

“Tất cả chúng ta hãy cư xử văn minh hơn, tẩy chay những hành động thô tục trong đám cưới, biến 'náo hôn' thành những lời chúc phúc văn minh và giúp đám cưới đầm ấm và lãng mạn,” thông cáo của chính quyền viết.

Ngay sau đó, quyết định này thành phố Châu Bình đã được đông đảo công chúng Trung Quốc hoan nghênh. Một người dùng Weibo chia sẻ: “Tất nhiên phải cấm hành vi này. Một số người chỉ đơn giản là quấy rối người khác dưới danh nghĩa đùa giỡn trong đám cưới."

“Tổ chức đám cưới đã đủ khó khăn rồi, chưa nói đến việc bị làm phiền bởi những màn biểu diễn và những trò đùa thô tục," một cư dân mạng Trung Quốc viết.

Jiang Yuxiang, Giáo sư tại Đại học Tứ Xuyên, nói rằng những trò chơi đáng lên án trong hôn lễ không phải phong tục truyền thống. "Nếu có ai đó nói rằng nó là phong tục truyền thống thì cũng là một phong tục thô tục, cần phải dừng lại"./.

Theo vietnamplus