Theo đơn tố cáo, nữ nhân viên Laurence Van Wassenhove được công ty France Telecom thuê vào năm 1993, công ty sau đó được gã khổng lồ viễn thông Orange tiếp quản.
Sinh ra với tình trạng liệt một phần mặt và chân tay, đồng thời mắc chứng động kinh, Van Wassenhove ban đầu được đề nghị đảm nhận một vị trí thư ký - công việc hợp với tình trạng sức khỏe của cô.
Tuy nhiên, rắc rối bắt đầu xảy ra sau khi Laurence yêu cầu được chuyển đến một khu vực khác, nơi mà các nhà quản lý của Van Wassenhove cho rằng không có việc nào phù hợp với tình trạng khuyết tật của cô.
Cuộc trao đổi giữa Laurence và công ty giằng co kéo dài mặc dù cô đã nhiều lần yêu cầu được làm việc từ xa và khiếu nại với chính phủ cũng như các cơ quan chống phân biệt đối xử.
Trong khoảng thời gian này, Van Wassenhove mô tả mình là một nhân viên bị loại bỏ, bị cô lập khỏi các hoạt động thực tế công ty, không có nhiệm vụ, không có văn phòng hay đồng nghiệp.
Van Wassenhove cho biết thu nhập của cô cũng dần giảm đi và lương hưu cũng bị cắt giảm, dẫn đến thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 650.000 euro (700.000 USD).
Sau khi tham khảo ý kiến luật sư, cô quyết định khởi kiện công ty Orange.
|
Luật sư và Van Wassenhove. Luật sư cho biết thân chủ của mình là “nạn nhân của sự phân biệt đối xử" |
Luật sư của Van Wassenhove cho biết cô là “nạn nhân của sự phân biệt đối xử từ năm 2004”, tuyên bố rằng gã khổng lồ viễn thông này đã cố gắng ép buộc cô nghỉ việc.
“Đối với người khuyết tật, việc làm có nghĩa là đảm bảo một vị trí trong xã hội. Chúng tôi đã kiện vì sức khỏe của bà Van Wassenhove suy giảm do sự tắc trách, quấy rối đạo đức và phân biệt đối xử của công ty" - luật sư của cô tuyên bố.
Đáp lại, công ty Orange nói với truyền thông rằng công ty vẫn duy trì mức lương đầy đủ và đã làm mọi cách có thể để đảm bảo Van Wassenhove làm việc trong điều kiện tốt nhất có thể.
“Việc quay trở lại làm việc ở những vị trí thích hợp rõ ràng cũng đã được lên kế hoạch, nhưng nó không bao giờ thành hiện thực vì nhân viên này thường xuyên nghỉ ốm” - công ty cho biết.
Ở Pháp, Bộ luật Lao động quy định các biện pháp bảo vệ chống lại hành vi phân biệt đối xử với người khuyết tật. Các quy định bao gồm các công ty phải nhận nhân viên khuyết tật cũng như giao các nhiệm vụ rộng hơn để khuyến khích người sử dụng lao động khuyết tật hòa nhập vào lực lượng lao động.
Câu chuyện không làm mà vẫn được công ty trả lương suốt 20 năm của Van Wassenhove khiến nhiều người quan tâm, thậm chí ganh tỵ, nhất là ở các nước khác. Nhiều người Trung Quốc bày tỏ sự ghen tị với hoàn cảnh của Van Wassenhove. "Mặc dù đó là về phẩm giá của cô ấy, nhưng tôi ghen tị với hoàn cảnh của cô ấy. Tôi cũng ước mình có thể ở nhà và được trả lương. May mắn như vậy dường như chỉ là một giấc mơ" - những bình luận ồn ào được nhiều người hưởng ứng.
Theo phụ nữ TPHCM