leftcenterrightdel
 Trong môi trường công sở có những nhân sự khiến cả cấp trên và đồng nghiệp khó chịu. Ảnh minh họa: Phim Office.
 

Năm 2020, nam nhân viên tại một công ty thuộc sở hữu của chính phủ Hàn Quốc bị sa thải vì bắt nạt cấp trên và quấy rối, hành hung đồng nghiệp khác. Nhân viên này ác cảm với nữ cấp trên trẻ hơn mình và công khai tỏ thái độ khinh thường.

Anh ta đưa ra những lời nhận xét làm bẽ mặt cấp trên và cố gắng loại cô ra khỏi quá trình làm việc bằng cách tạo các nhóm chat không có mặt cô. Đối với đồng nghiệp nam kém 13 tuổi, người này liên tục hỏi những câu liên quan đến tình dục khi muốn làm thân.

Sau khi bị công ty xử lý, nhân viên này đã đệ đơn kiện ra tòa. Anh ta khai tất cả hành vi của mình đều liên quan đến "mối quan hệ thân thiết" với các nạn nhân và nhấn mạnh rằng mình đã "làm việc siêng năng trong 10 năm".

Tuy nhiên, tòa án đứng về phía công ty, phán quyết rằng những hành vi này đã vượt quá mức xã hội chấp nhận được.

Theo trang web tìm kiếm việc làm Incruit, những người đưa ra nhận xét không phù hợp, coi thường đồng nghiệp là kiểu nhân viên tệ nhất trong số các nhân vật "khó ưa" ở văn phòng. Kiểu hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng đến tinh thần nơi làm việc mà còn thường xuyên dẫn đến các vụ kiện tụng.

"Có những trường hợp người lao động không thừa nhận lỗi của mình và đổ lỗi cho công ty, thậm chí kiện đồng nghiệp và nơi làm việc cũ sau khi rời đi. Một khi có bất kỳ báo cáo nào liên quan đến bắt nạt nơi làm việc được đưa ra, công ty cần điều tra và xem xét sự việc để ngăn chặn các thiệt hại tiếp diễn", luật sư Cho Sang-wook tại công ty luật Yulchon, bổ sung.

leftcenterrightdel
 Kkondae là một trong những kiểu đồng nghiệp gây ám ảnh trong môi trường làm việc ở Hàn Quốc. Ảnh:Phim Kkondae Intern.
 

Một kiểu đồng nghiệp cũng gây khó chịu là cướp công của người khác và đổ lỗi bất cứ khi nào có thể, hay kiểu người lười biếng, hỏi han những điều vụn vặt có thể dễ dàng tự tra cứu online hoặc chỉ quan tâm đến hẹn hò hay chuyện đời tư người khác.

"Việc quản lý nhân sự không phải lúc nào cũng dễ dàng khi có vài người chỉ thích hưởng thụ mà không làm việc. Cách giải quyết là phải đảm bảo hệ thống lương thưởng được tính dựa trên thành quả công việc. Ngoài ra, cần có kênh giao tiếp để người lao động liên lạc với bộ phận nhân sự hay công ty quản lý theo cơ cấu tổ chức nằm ngang", Yoon Dong-yeol, giáo sư kinh doanh tại Đại học Konkuk, cho biết.

Khi nhiều công ty cho phép làm việc từ xa, một dạng nhân sự khó chịu mới cũng xuất hiện. Đó là những người không bao giờ nhận điện thoại, vào họp online muộn hay khăng khăng mặc đồ ngủ khi xuất hiện trước camera hoặc ngồi họp ở những nơi ồn ào.

Bên cạnh đó, còn có những người keo kiệt không muốn trả tiền ăn tại nơi làm việc hay kkondae - nhóm nhân viên lớn tuổi trịch thượng, thích dạy bảo, chèn ép người trẻ hơn.

Khi nhiều công ty lớn lựa chọn giải quyết các vụ việc liên quan đến những kiểu nhân viên này một cách nghiêm khắc, không ít trường hợp phải ra tòa.

"Theo nhiều nghiên cứu, các hành vi tiêu cực trong môi trường làm việc có khả năng gia tăng nếu những nhân viên có hành vi xấu xí được tự tung tự tác. Thậm chí có nhiều khả năng là những nhân sự chất lượng sẽ rời bỏ công ty.

Vì vậy, các công ty nên tăng cường biện pháp để ngăn chặn tình trạng này thông qua các chương trình đào tạo, chiến dịch và tham vấn đồng thời chuẩn bị về mặt quản lý nguồn nhân lực và đào tạo quản lý cho các trường hợp trong tương lai", người phát ngôn của Incruit nhận định.

Theo zingnews