Những người vận động thay đổi luật để các cặp vợ chồng “giữ họ” của mình sau khi kết hôn, bên ngoài tòa án tối cao của Nhật Bản ở thủ đô Tokyo
Đánh mất chính mình khi đổi họ
5 nguyên đơn gồm 4 phụ nữ và 1 đàn ông trong đơn kiện muốn đòi bồi thường 6 triệu yen (tương đương 70.000 USD) thiệt hại về tinh thần do Luật dân sự quy định người phụ nữ phải đổi họ theo chồng khi kết hôn. Đây là vụ kiện đầu tiên đối với điều luật hôn nhân đã tồn tại 113 năm ở nước Nhật. Đơn kiện này cũng yêu cầu chính quyền và đảng của Thủ tướng Naoto Kan phải giữ lời hứa thảo luật mới cho phép các cặp vợ chồng được quyền giữ họ riêng của từng người. Đảng của ông Kan đã thảo luật này nhưng các nỗ lực bị ngừng lại khi bị những thành viên bảo thủ đối lập phản đối.
Kyoko Tsukamoto, giáo viên về hưu 75 tuổi đến từ Toyama ghi tên trong đơn kiện, cho hay bà đã đợi hơn 50 năm để chờ luật thay đổi. Theo truyền thống, bà phải dùng họ Kojima của chồng trên giấy đăng ký kết hôn và phải dùng nó trong các văn bản pháp luật khác. "Tôi già rồi, chẳng còn nhiều thời gian nữa. Tôi muốn khi mình chết, người ta gọi tôi là Kyoko Tsukamoto", bà Kyoko nói.
Một nguyên đơn khác, bà Emie Kayama, cho hay, do nhiều bất tiện, vợ chồng bà đã phải ly dị để bà có thể dùng tên họ riêng một cách hợp pháp. Tuy nhiên, cặp vợ chồng này vẫn sống bên nhau và là nguyên đơn trong đơn kiện này. "Chúng tôi phải có quyền quyết định kết hôn hay thay đổi tên họ. Cần phải có lựa chọn cho phép kết hôn mà không buộc bất kỳ ai phải đổi tên", bà Emie Kayama nói.
Theo số liệu của chính phủ Nhật Bản, mỗi năm có khoảng 600.000 đôi nam nữ kết hôn, tức là từng ấy trường hợp cần "thay tên đổi họ" để hai vợ chồng có một cái họ thống nhất. Với nữ giới Nhật Bản, việc buộc phải thay đổi họ tên nguyên gốc khiến họ có cảm giác bị "xóa sạch danh tính" sau khi lập gia đình. Chưa kể, việc gây dựng sự nghiệp và tạo danh tiếng của riêng bản thân sẽ càng khó khăn hơn. Như trường hợp chị Julia Mio Inuma. Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, chị trải qua nhiều cú sốc văn hóa từ khi trở về Nhật Bản sinh sống vào năm 2006. "Ở nơi làm việc, người Nhật thường chỉ gọi đồng nghiệp bằng họ, thay vì tên. Ngay sau khi kết hôn, tôi từ Onishi-san (họ của tôi) đã trở thành Inuma-san (họ của chồng tôi)", Julia nói.
Không chỉ vậy, chị còn phải thay đổi họ của mình trên tất cả giấy tờ, từ tài khoản ngân hàng, hộ chiếu, thẻ tín dụng đến tài khoản thành viên trực tuyến. Tuy nhiên, thay đổi họ trên giấy tờ chỉ là một phần, điều khó khăn hơn với phụ nữ Nhật Bản là phải làm quen với danh tính mới trong công việc, cuộc sống sau khi kết hôn.
Áp lực thay đổi đang ngày càng lớn
Một cuộc thăm dò ý kiến trực tuyến vào tháng 11/2020 cho thấy 70% số người được hỏi ủng hộ quyền có họ riêng của các cặp vợ chồng. Ayano Sakurai, nhà hoạt động bình đẳng giới, đã viết bản kiến nghị về việc không thay đổi họ sau khi kết hôn và thu hút hơn 30.000 chữ ký chỉ trong 5 ngày. Lập gia đình 3 năm trước, Sakurai cho biết: "Tôi như trở về con số 0 vì phải thay đổi họ theo chồng và bắt đầu mọi thứ để xây dựng một danh tính hoàn toàn mới". Chính những lời kêu gọi thay đổi ngày càng mạnh mẽ đã buộc chính phủ Nhật Bản phải xem xét một "hệ thống họ chọn lọc", trong đó các cặp vợ chồng đã kết hôn có thể giữ họ của mình. Ngày 5/3/2021, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền thông báo sẽ thành lập một nhóm để thảo luận về chủ đề này. Thế nhưng, người đứng đầu hội đồng nghiên cứu, Hakubun Shimomura, cho biết nhóm sẽ chỉ gồm nam giới và được điều phối bởi một người nào đó "trung lập".
Câu chuyện thay đổi tên họ trở thành vấn đề gây tranh cãi trong nhiều tuần qua. Nữ giới Nhật Bản ngày càng gay gắt hơn trong việc phản đối điều luật cấm các cặp vợ chồng có họ khác nhau. Họ cho rằng quy định này chỉ càng khoét sâu thêm về tình trạng nam nữ bất bình đẳng tại đất nước Mặt Trời mọc. Liên hợp quốc từng phải gây áp lực lên chính phủ Nhật Bản để dỡ bỏ các hạn chế về quy định tên họ của một người.
Nhân tố hiếm hoi
96% phụ nữ Nhật đổi sang họ chồng sau khi kết hôn, còn anh Shu Matsuo Post làm ngược lại, anh đổi sang họ vợ. Shu Matsuo Post - một doanh nhân người Nhật 35 tuổi - tự gọi mình là nhà nữ quyền. Trong 28 năm đầu tiên của cuộc đời, người đàn ông này nói bản thân chưa bao giờ cố gắng hiểu cảm giác của phụ nữ sống trong một xã hội gia trưởng như tại Nhật Bản. Cho đến khi anh gặp người vợ hiện tại, Tina Post (người Mỹ) năm 2014. Cô đã giúp Shu nhận ra để trở thành người đàn ông đúng nghĩa không cần phải tuân theo những kịch bản hẹn hò lỗi thời hay bắt buộc phải trả tiền cho những bữa hẹn hò. Shu nói đây là sự thức tỉnh nữ quyền đầu tiên.
Vợ chồng anh Shu Matsuo - Tina Post
Khi cả hai quyết định kết hôn vào năm 2017, không ai muốn từ bỏ họ của mình. Để công bằng, cả hai đều đổi theo họ của người kia. Shu cho hay, càng tìm hiểu về định kiến giới, anh càng thấy rõ sự bất công nam nữ trong cuộc sống hàng ngày. Theo Shu, thay đổi họ trong hôn nhân chỉ là một trong những khía cạnh của cuộc sống gây bất lợi cho phụ nữ, bởi vậy Shu cho rằng bình đẳng giới cần bắt đầu từ gia đình. Anh muốn dành nhiều thời gian để giáo dục thanh thiếu niên hơn. Đang trong thời gian 7 tháng nghỉ phép ở nhà cùng vợ chăm con nhỏ, Shu sử dụng mạng xã hội kể câu chuyện của mình nhằm truyền tải thông điệp "nam nữ bình quyền". Gần đây, khi nghe nói một người bạn sắp lên chức bố vào tháng tới biết những gì Shu làm và quyết định nghỉ việc chăm con mới sinh, anh thấy rất vui.
Ngự Bình (Nguồn: Theo Japan Times)