Vừa nghe tin dữ, gia đình Sanju lập tức tìm tới Uttar Pradesh (bang miền bắc Ấn Độ) nhưng vẫn không kịp gặp mặt cô lần cuối. Ankit - em trai Sanju - phẫn nộ: “Chúng tôi thấy những vết bỏng rải rác khắp người chị ấy. Tôi nghĩ chị ấy bị tra tấn bởi một vật dụng bằng sắt được nung nóng. Sau đó, họ cố tình che đậy tội ác, nói với mọi người rằng chị tôi tự sát. Nhưng bất kỳ ai xem qua báo cáo khám nghiệm tử thi đều có thể nhận ra đây là hành vi bức hại”.  

Truyền thống hôn nhân sắp đặt, hiện vẫn khá phổ biến ở Nam Á, đang âm thầm thúc đẩy hành vi lợi dụng hủ tục đòi của hồi môn để chiếm lợi riêng - ẢNH MINH HỌA: AP
Truyền thống hôn nhân sắp đặt, hiện vẫn khá phổ biến ở Nam Á, đang âm thầm thúc đẩy hành vi lợi dụng hủ tục đòi của hồi môn để chiếm lợi riêng - Ảnh minh họa: AP

Chồng và gia đình chồng của Sanju, cô dâu trẻ sống tại quận Gonda, bang Uttar Pradesh, bị tạm giam với cáo buộc hành hung và cố ý mưu sát nạn nhân do tranh chấp của hồi môn. Thế nhưng, Ankit cùng gia đình không thấy nhẹ nhõm được bao lâu. Nhóm đối tượng tình nghi sát hại Sanju nhanh chóng được bảo lãnh. “Một thẩm phán biến chất đã thông đồng, nhận hối lộ để thả bọn họ. Tinh thần cha mẹ tôi gần như sụp đổ khi hay tin” - Ankit cho biết. 

Hôn nhân hay cuộc mua bán bất nhân

Thông qua truyền thông và cộng đồng địa phương, gần 2 năm qua, Ankit vẫn kiên trì đấu tranh, mong tìm lại công lý cho người chị đã khuất. “Liên tục nhiều ngày trước khi chết, chị tôi bị chồng và người nhà chồng đe dọa. Họ muốn có thêm tiền và một chiếc xe đắt đỏ làm của hồi môn, trong khi biết gia đình chúng tôi chẳng dư dả gì. Họ sẵn sàng hành hạ một phụ nữ nhỏ yếu mỗi ngày để đổi lấy một chiếc xe” - Ankit nói.

Sanju chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bất hạnh phải âm thầm chịu đựng ngược đãi, thậm chí bỏ mạng trước các yêu sách phi lý, độc ác về của hồi môn. 

Mỗi năm, Ấn Độ ghi nhận hơn 8.000 ca tử vong vì bạo lực của hồi môn, chiếm 18% trong tổng số các trường hợp phụ nữ tử vong trên toàn quốc. Pakistan, láng giềng phía đông Ấn, sở hữu con số thống kê ảm đạm không kém: hơn 2.000 cô dâu vô tội bị giết hại thường niên bởi tranh chấp tài sản hồi môn. Chính quyền Nepal cũng đang vất vả trấn áp tục đòi của hồi môn. 

Dẫu không chịu chung cái kết thương tâm, Neha Chaudhary - người Nepal - phải nếm trải cảm giác bị phản bội bởi lòng tham.      

Bên ngoài một tòa án gia đình ở Mumbai. Sau đại dịch, các vụ án liên quan đến bạo lực của hồi môn đang tăng ở mức đáng ngại tại các thành phố đông dân của Ấn Độ - ẢNH: AFP
Bên ngoài một tòa án gia đình ở Mumbai. Sau đại dịch, các vụ án liên quan đến bạo lực của hồi môn đang tăng ở mức đáng ngại tại các thành phố đông dân của Ấn Độ - Ảnh: AFP

Neha kể: “Chỉ vài ngày sau hôn lễ, chồng tôi và gia đình anh ta bắt đầu hành hung tôi”. Cô không thể ngờ người chồng mới cưới có vẻ ngoài trí thức công tác tại một bệnh viện lớn ở thủ đô Kathmandu, lại thẳng tay đánh đập vợ tàn nhẫn nhằm tranh đoạt thêm của hồi môn. Neha tiết lộ cha mẹ cô đã phải bỏ ra 12,5 triệu rupee (tương đương hơn 3,5 tỉ đồng) để mua đồ nội thất, 20 thỏi vàng và nhiều món đồ khác theo điều kiện nhà trai đưa ra. Thế nhưng, chồng Neha vẫn chưa thấy đủ. “Chồng tôi liên tục ép tôi mua một căn nhà cho anh ta ở Kathmandu. Tôi không nỡ buộc cha mẹ đưa thêm của hồi môn. Khi tôi từ chối, anh ta sỉ vả, tấn công tôi mỗi ngày” - cô cho biết. Sau một lần bị đánh đập dã man, Neha phải nằm viện 3 ngày với vết thương nặng ở vùng bụng. Dù đã nộp đơn tố cáo, cô vẫn rất sợ bị gia đình chồng trả thù.    

Khi cái nghèo và hủ tục cướp đi hy vọng

Nepal chính thức công nhận tục đòi của hồi môn là phạm pháp từ năm 1976. Trước đó 15 năm, Đạo luật Cấm của hồi môn cũng bắt đầu có hiệu lực ở Ấn Độ. Tuy nhiên, bất kể sự tồn tại mang tính răn đe của pháp luật, hành vi nhà trai yêu cầu nhà gái cung cấp tiền bạc, tài sản giá trị trong quá trình cưới hỏi vẫn diễn ra phổ biến và nhiễu nhương tại Nam Á. 

Sau khi dũng cảm ly hôn, Nisha và Mazahar được trung tâm Action India hỗ trợ công việc, học tập để giành lại quyền làm chủ cuộc sống ẢNH: ITVNEWS
Sau khi dũng cảm ly hôn, Nisha và Mazahar được trung tâm Action India hỗ trợ công việc, học tập để giành lại quyền làm chủ cuộc sống - Ảnh: ITVNEWS

Cách hủ tục này cắm rễ chặt chẽ trong nền tảng văn hóa xã hội khiến nó trở nên khó loại trừ triệt để. Vấn đề càng đặc biệt phức tạp tại các làng quê - nơi người dân bị ràng buộc bởi tư tưởng truyền thống cùng sức ép đói nghèo. 

“Gia đình chồng tương lai của con tôi muốn 200.000 rupee (khoảng 57 triệu đồng). Cả nhà tôi phải chạy vạy khắp nơi mới mượn được nhưng giờ bọn họ lại muốn thêm một chiếc ô tô. Đến một căn nhà của riêng mình chúng tôi còn chưa có” - Abhinandan - người nông dân với gương mặt khắc khổ - than thở. Vợ chồng ông cùng con gái đang sống ở Sukhasan - ngôi làng nhỏ thuần nông thuộc bang Bihar (miền đông Ấn).  

Con gái ông - Soni, giống như nhiều thế hệ phụ nữ nghèo lớn lên tại nông thôn Ấn Độ - thường xuyên bị vây hãm trong cơn ác mộng “của hồi môn”. Cô không giấu nổi vẻ mệt mỏi: “Người đàn ông kia nói sẽ không bao giờ chấp nhận để tôi bước vào nhà anh ta nếu cha mẹ tôi không đáp ứng yêu cầu của họ. Anh ta thường gọi điện thoại mắng nhiếc tôi, rồi không ngừng lặp lại danh sách của hồi môn gia đình họ muốn”.

Để giảm nhẹ gánh nặng kinh tế cho cha mẹ, Soni vẫn mong sớm được gả đi. Cô bất bình trước thái độ tham lam, chèn ép của gia đình chồng. Dẫu vậy, Soni không có quyền chủ động từ bỏ cuộc hôn nhân được mai mối. Sự túng quẫn cùng hủ tục vô nhân đạo đẩy cô gái trẻ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. 

Đoàn kết giành quyền tự chủ

Abhinandan phàn nàn, các chiến dịch phòng chống hủ tục của chính quyền địa phương chưa thật sự thiết thực với người dân nghèo như gia đình ông. Gouri Chaudhary - một nhân vật gạo cội đã hoạt động hàng thập niên trong lĩnh vực đấu tranh vì quyền phụ nữ - cũng phải ngậm ngùi thừa nhận mọi người còn cả chặng đường dài cần vượt qua. 

“Thập niên 1970 là giai đoạn kinh hoàng của tục đòi của hồi môn. Mỗi ngày trên báo thường đăng tải khoảng 3 vụ án thiêu sống cô dâu. Nhiều cô dâu nhẫn nhịn chịu đựng chồng hành hạ vì không muốn cha mẹ ruột xấu hổ nếu biết hôn nhân con cái không thuận lợi. Thêm vào đó, họ sợ khoản hồi môn người thân bỏ ra vì mình sẽ mất trắng nếu yêu cầu ly hôn” - Chaudhary nói. 

Bà tin rằng không chỉ luật pháp nên được cải thiện toàn diện để bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho phụ nữ mà thanh niên hiện nay - nhất là nam giới - cần nâng cao nhận thức và đổi mới góc nhìn về văn hóa cưới hỏi.

Tại một cơ sở của Action India, tổ chức bảo trợ phụ nữ lâu đời do Chaudhary điều hành, tấm áp phích “Phụ nữ không yếu đuối, chúng tôi chỉ đang yên lặng” nổi bật trong căn phòng hội họp đầy tiếng cười nói vui vẻ của nhóm phụ nữ đã được trợ giúp để thoát khỏi những cuộc hôn nhân sai lầm. Nisha và Mazahar, nạn nhân của tục đòi của hồi môn, là thành viên cộng đồng này. 

“Họ bắt nhốt, bỏ đói, đánh đập chúng tôi tàn nhẫn chỉ vì một chiếc xe, một khoản tiền hồi môn. Chúng tôi không cần những người chồng như thế. Giờ đây, chúng tôi có tri thức, có ước mơ, chúng tôi muốn sống cho chính mình” - 2 phụ nữ trẻ với xuất thân khác nhau nhưng từng cùng chung nghịch cảnh - chia sẻ. 

Theo phụ nữ TPHCM