leftcenterrightdel
 Những người vui chơi ăn mừng Holi ở Mumbai vào ngày 7/3. Quấy rối phụ nữ trong lễ hội mùa xuân là một vấn nạn ở Ấn Độ

Những ngày qua, câu chuyện nữ du khách Nhật Bản bị 3 người đàn ông sàm sỡ trong lễ hội Holi (lễ hội mùa xuân với màu sắc và tình yêu của đạo Hindu) gây phẫn nộ trên mạng xã hội Ấn Độ. 

Câu chuyện của nữ du khách Nhật sở dĩ gây phẫn nộ vì đây là du khách nhưng với những phụ nữ Ấn Độ, ngày càng nhiều người tránh xa lễ hội này. Bởi ẩn sau lễ hội vui vẻ là những vấn nạn về tấn công, quấy rối vào phụ nữ.

Meenakshi Iyer, 43 tuổi sống ở Noida chia sẻ, mỗi năm khi đến lễ hội Holi, cô luôn tìm cách lẩn trốn.  Cô tự nhốt mình trong nhà, đôi khi giả vờ bị bệnh để tránh những người hàng xóm muốn bôi màu lên người cô.

Meenakshi Iyer cho biết, phản ứng này bắt nguồn từ khi cô khoảng 13 tuổi và lớn lên ở Delhi, bị những người qua đường nhắm đến và ném vào người những quả bóng bay chứa đầy thứ mà cô tin rằng nó là nước tiểu và “một chất dính khác nhiều màu sắc” khiến cô bị nhiễm nấm rất nặng.

“Điều đó thực sự tồi tệ. Hơn nữa, tôi không thích bất cứ ai chạm vào người mà không có sự đồng ý của tôi. Họ kéo tóc, kéo áo hoặc nắm tay chỉ để chơi với họ nhưng tôi không thích điều đó” - Meenakshi Iyer nói.

một phụ nữ trẻ Nhật Bản bị một nhóm đàn ông và con trai ở New Delhi xô đẩy và sàm sỡ trong lễ Holi. Ảnh cắt từ màn hình
Nữ du khách Nhật Bản bị một nhóm đàn ông và con trai ở New Delhi xô đẩy và sàm sỡ trong lễ Holi gây phẫn nộ những ngày qua. Ảnh cắt từ màn hình


Iyer là một trong số nhiều phụ nữ Ấn Độ xa lánh Holi mỗi năm vì những ký ức ác mộng về hành hung và quấy rối mà họ đã phải chịu đựng. 

Chuyên gia kinh tế Natasha Ramarathnam, 51 tuổi, cũng đã không tham dự lễ hội Holi hơn 35 năm. Bà tiết lộ từng bị một thiếu niên quấy rối tình dục tại một bữa tiệc Holi ở Kolkata khi mới 16 tuổi.

Quấy rối phụ nữ trong dịp Holi là một vấn đề nghiêm trọng đến mức những người tổ chức các bữa tiệc Holi phải thuê những người bảo vệ như một biện pháp phòng ngừa và để trấn an du khách.

Nhưng hiện thực tình trạng này vẫn diễn ra. Mới đây, một phụ nữ chia sẻ đoạn clip cô đang rửa sạch màu trên mặt sau khi chơi Holi và cuối cùng để lộ những vết bầm tím do bị xô đẩy, tấn công. Dân chúng đã không ngừng kêu gọi các đơn vị tổ chức lễ phải bảo đảm an toàn hơn và toàn diện hơn cho phụ nữ.

Trong lễ hội Holi, một cụm từ quan trọng giống như slogan được những người chơi nói đến là: “Bura Na Mano, Holi Hai” (Đừng bận tâm, đó là Holi). Nhưng theo nhiều phụ nữ, nó được coi là "cái cớ" đối với một số người đàn ông để lạm dụng những người khác. Nhiều người cho rằng, vấn đề không phải ở Holi mà là ở cách một số đàn ông đã biến lễ hội thành một “lễ hội sờ soạng”.

“Tôi không nghĩ việc đổ lỗi cho Holi hay tẩy chay nó. Phụ nữ có thể bị lạm dụng tình dục ở bất cứ đâu, đó là lý do tại sao chúng ta cần đấu tranh cho xã hội trở nên thân thiện hơn với phụ nữ. Với tôi, đó là một quá trình lâu dài bắt đầu từ gia đình, với việc cha mẹ dạy con cái về sự đồng ý và tôn trọng trẻ em gái cũng như phụ nữ" - Iyer nói.

Thừa nhận không phải tất cả mà chỉ có một vài nam giới làm vấy bẩn lễ hội, nhưng bà Ramarathnam nói rằng, khi đại đa số nam giới không lên tiếng trước những hành vi quấy rối như vậy thì tình trạng này vẫn kéo dài. “Nhiều người đàn ông đã làm lơ với hành động này bằng cách nhìn đi chỗ khác. Điều này vô tình tạo ra một môi trường thuận lợi cho mọi hình thức quấy rối. Rõ ràng, những kẻ tấn công vẫn cứ cười đùa, quấy rối phụ nữ vì họ biết rằng việc bị người khác nói hoặc bị tẩy chay hay chỉ mặt gần như bằng 0" - Ramarathnam  nói.

Theo phụ nữ TPHCM