Khoa học Dinh dưỡng không xác định một thực phẩm nào là "siêu thực phẩm".
"Siêu thực phẩm" được nhiều người nói đến như là một loại thần dược có thể phòng ngừa, điều trị một số bệnh. Ví dụ, hạt chia - siêu thực phẩm chống ung thư, việt quất - siêu thực phẩm phòng bệnh tim mạch...
Thực chất, trong tự nhiên không có một loại thực phẩm nào được gọi là "siêu thực phẩm". Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam được Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế công bố năm 2017, mỗi một loại thực phẩm có chứa một số thành phần dinh dưỡng nhất định, với số lượng và tỷ lệ khác nhau. Không thực phẩm nào trong tự nhiên có đầy đủ và cân đối về các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu của con người, ngoại trừ sữa mẹ trong 6 tháng đầu mang đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ.
Đồng thời, những nhà khoa học cho rằng không có một loại thực phẩm nào gọi là tốt hay xấu. Mỗi loại thực phẩm có ưu điểm riêng. Vì vậy người ta chia thực phẩm trong tự nhiên thành 4 nhóm: Nhóm giàu gluxid, giàu protein, giàu lipid, giàu vitamin và muối khoáng.
Vì vậy, không có tiêu chí nào để xác định một siêu thực phẩm.
Hiểu nhầm là "siêu thực phẩm", nhiều người dùng chỉ tập trung ăn một loại thực phẩm, dẫn đến ăn uống không đủ chất, mất cân đối các chất dinh dưỡng làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Việc sử dụng đơn lẻ một loại thực phẩm thường xuyên sẽ dẫn đến cơ thể bị thiếu một số chất dinh dưỡng cần thiết.
Khái niệm "siêu thực phẩm" không có ý nghĩa về mặt dinh dưỡng mà chỉ đơn thuần là một thuật ngữ tiếp thị. Để có sức khỏe tốt, cần ăn phối hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm, ăn đủ nhu cầu cơ thể, tỷ lệ cân đối hợp lý giữa các chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, cần bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm để thức ăn không là nguồn gây bệnh. Duy trì hoạt động thể lực hợp lý, thực hiện một lối sống năng động, lành mạnh. Đó là những yếu tố căn bản để có một tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe tốt.
Theo
vnexpress