leftcenterrightdel
 Khách du lịch đi ngang qua một cửa hàng bán cần sa ở khu vực Sukhumvit, Bangkok - Ảnh: AFP

Hôm 7/5, sau khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan, trong bài phát biểu đầu tiên trong vai trò mới, ông Somsak Thepsuthin cho biết Bộ đang trong quá trình thu thập dư luận để cân nhắc mức độ cởi mở của Thái Lan đối với cần sa.

“Tôi muốn hỏi mọi người xem cần sa có nên là ma túy hay không và nó nên được tự do hóa như thế nào. Không nên để bất kỳ ai cũng có thể trồng hoặc hút thuốc và gây phiền toái", ông nói trước truyền thông.

Nhận xét của ông Somsak báo hiệu một bước ngoặt về việc tự do hóa cần sa của Thái Lan vốn được coi là một cách để tăng thu nhập nông nghiệp và du lịch chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, hệ luỵ của nó khiến cho nước này phải suy nghĩ lại. Trước đó, một dự luật tìm cách cấm sử dụng cần sa để giải trí, cũng như các quy định cấp phép chặt chẽ hơn về trồng, bán, xuất khẩu và nhập khẩu cần sa đã bị trì hoãn trước sự phản đối của các nhóm trồng và sản xuất cần sa ngày càng gia tăng.

Việc sử dụng cần sa một cách tự do ở Thái Lan đã trở thành một vấn đề chính trị nóng bỏng trước cuộc bầu cử quốc gia năm ngoái. Theo một số chính trị gia, với những nỗ lực thiết lập các quy định xung quanh ngành công nghiệp cần sa không thành công, chính khoảng trống pháp lý đã thúc đẩy tình trạng nghiện ma túy tràn lan.

Thủ tướng Srettha Thavisin cũng tuyên bố sẽ hạn chế sử dụng cần sa chỉ cho mục đích y tế. Đầu tuần này, ông Srettha đưa ra thời hạn 90 ngày để cơ quan thực thi pháp luật và chính quyền địa phương trấn áp ma túy ở 25 tỉnh được coi là “vùng đỏ”.

Hiện có gần 8.000 trạm xá và một số lượng lớn các công ty nông nghiệp tiêu dùng đã mọc lên khắp Thái Lan, bán tất cả mọi thứ từ nụ cần sa đến chiết xuất dầu, kẹo làm từ cỏ dại cho đến đồ nướng.

Theo luật hiện hành, các sản phẩm cần sa không được chứa hơn 0,2% tetrahydrocannabinol mới được coi là hợp pháp.

Theo phụ nữ TPHCM