Nhiều người sợ điều này…

Cưới nhau được 4 năm nhưng hai vợ chồng anh Trần Đình Hậu (36 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thảo Thanh (31 tuổi), ngụ ở chung cư Ehome 3, Q.Bình Tân, TP.HCM, vẫn còn nấn ná trong chuyện sinh con. Dù rằng như chị Thanh kể, liên tục nhận được những hối thúc của hai bên gia đình.

Nếu như nhiều trường hợp kể họ ngại sinh con vì cuộc sống còn vất vả, lương "ba cọc ba đồng", sợ không đủ điều kiện nếu nhà có thêm thành viên, thì chị Thanh, anh Hậu ở chiều ngược lại. Cả hai có cuộc sống sung túc, đều làm việc ở công ty nổi tiếng, thu nhập cao hàng tháng.

"Phải thừa nhận là chuyện sinh con không nằm trong những mục tiêu quan trọng của chúng tôi. Cả hai nhắm đến những mục tiêu về công việc nhiều hơn. Nên đã khá lâu rồi, chúng tôi chẳng nghĩ đến việc có con để nối dõi tông đường, cho vui cửa vui nhà nữa", anh Hậu cho hay.
leftcenterrightdel
 Thực tế có nhiều người muốn tập trung theo đuổi các sở thích, nhu cầu của bản thân hơn là việc sinh con

Chị Phan Thị Mỹ Lệ (33 tuổi), giám đốc một chuỗi spa ở TP.HCM, cho biết không quá mặn mà chuyện sinh con. Lý do chị Lệ nói rằng: "Có lẽ tôi bị ảnh hưởng một phần nào đó từ những người bạn từng học chung ở Thụy Sĩ. Người trẻ trên thế giới đã và đang lựa chọn trì hoãn, không quá quan tâm việc sinh con, nên tôi thấy cuộc sống chỉ có hai vợ chồng vẫn vui vẻ. Tại sao phải có con mới là hạnh phúc?".

Anh Đỗ Thanh Nhành (32 tuổi), giám đốc một công ty về điện lạnh trên đường Hoa Cúc, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cũng cho biết nhà vẫn vui, luôn tràn ngập tiếng cười dù chỉ có hai vợ chồng.

"Bạn bè, người thân hay hỏi tôi vì sao có cuộc sống viên mãn mà vẫn không chịu sinh con. Tôi thường trả lời tôi có thể làm giỏi tất cả mọi việc, nhưng chưa chắc sẽ là người bố giỏi. Tương tự, vợ tôi cũng vậy, đảm trách chuyện nhà, nội trợ, kinh doanh đều giỏi, nhưng e ngại sẽ không giỏi khi làm mẹ. Và thế là chúng tôi chưa tính tới chuyện sinh con", anh Nhành kể.

Lê Thị Hồng Hải (29 tuổi), giáo viên dạy môn sinh học của một trường THPT ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết cảm thấy ái ngại khi thực trạng ly hôn ngày càng nhiều. Hải sợ trở thành mẹ đơn thân nếu chẳng may hai vợ chồng chia tay.

Ngoài ra, còn nhiều lý do khác dẫn đến câu chuyện nhiều người có điều kiện nhưng vẫn lười sinh con như: muốn toàn tâm toàn ý cho việc phát triển sự nghiệp, chưa sẵn sàng để làm mẹ, làm bố, hay nghiêng về những sở thích, thú vui cá nhân nhiều hơn…

leftcenterrightdel
 Thực tế hiện nay có những người trẻ ngại sinh con vì nhiều lý do

Thách thức không hề nhỏ, cần có giải pháp hữu hiệu

Một thành viên trong đoàn thực hiện công tác dân số của tỉnh Tiền Giang cho biết việc khuyến khích những vợ chồng còn khó khăn, thu nhập thấp… sinh con đơn giản hơn là vận động các trường hợp có điều kiện kinh tế khá giả. "Đây là thách thức không hề nhỏ với những người làm về công tác dân số. Và quả thật chưa có phương án khả thi", vị này nói.

Theo chuyên gia tâm lý Huỳnh Trần Tiểu My, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế lười sinh ở người trẻ. Trong đó, có nhiều người muốn tập trung theo đuổi các sở thích, nhu cầu của bản thân, phấn đấu để phát triển sự nghiệp, làm giàu. Họ chọn cuộc sống không bị ràng buộc và lệ thuộc. Có người thì lo lắng sợ không hoàn thành tốt vai trò làm bố, làm mẹ nên ngập ngừng, đắn đo trong việc sinh con. Chưa kể hiện nay nhiều trường hợp người trẻ không còn áp lực chuyện đẻ con để "nối dõi tông đường".

"Thời gian qua, các tỉnh, thành đã nỗ lực áp dụng nhiều chính sách khuyến sinh. Hay gần đây, Bộ Y tế cũng đề xuất việc bỏ quy định cặp vợ chồng chỉ sinh 1 hoặc 2 con… Những điều này có thể giúp "kích sinh" trong thời gian tới. Nhưng các cơ quan, ban ngành cũng cần đặc biệt lưu tâm, chú trọng vào nhóm người trẻ có điều kiện nhưng vẫn lười sinh, thay vì chỉ hướng đến những trường hợp còn khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, bài toán này không phải dễ để giải", chị Tiểu My nói.

leftcenterrightdel
 Người trẻ sinh con sẽ được trải nghiệm thiên chức làm mẹ, làm bố

Cũng theo chị Tiểu My, đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững. Thách thức đã thấy rõ. Nếu người trẻ lười sinh, đất nước phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Cũng như thực tế nhiều người có điều kiện nhưng vẫn lười sinh. Chính vì vậy, ngành dân số cần có những giải pháp hữu hiệu. "Chẳng hạn truyền thông về hệ lụy của mức sinh thấp gây ra để mọi người hiểu hơn về vấn đề này. Tổ chức triển khai các hệ thống phúc lợi hỗ trợ hôn nhân và cuộc sống mới (sau khi có con - PV) rộng khắp cả nước… cùng nhiều phát kiến khác. Khi đó mới có thể kỳ vọng mức sinh cải thiện, tăng hơn trong thời gian tới", chị Tiểu My nói thêm.

Với những người trẻ còn chần chừ về việc sinh con, bà Lê Tố Quyên, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bắc Giang, chia sẻ: "Sinh con giúp duy trì nòi giống. Những người vợ, người chồng được trải nghiệm thiên chức làm mẹ, làm bố, cũng là cách để cùng chung tay giúp xã hội ngày càng phát triển".

Theo Thanh niên