Theo kết quả được Uỷ ban 1922 của đảng Bảo thủ công bố vào trưa nay theo giờ địa phương tại Anh, đương kim Ngoại trưởng Anh, bà Liz Truss đã giành được trên 81.000 phiếu ủng hộ của các đảng viên đảng Bảo thủ, chiếm 57,4%, qua đó đánh bại ông Rishi Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chính, người giành được trên 60.000 phiếu (chiếm 42,76%), trong cuộc đua giành ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ và sẽ chính thức trở thành Thủ tướng Anh mới của Anh thay ông Boris Johnson.
Đây là kết quả đã được dự đoán từ trước bởi các cuộc thăm dò dư luận tổ chức tại Anh từ hơn 1 tháng qua luôn cho thấy bà Liz Truss nhận được sự ủng hộ vượt trội từ các đảng viên đảng Bảo thủ, bất chấp việc ông Rishi Sunak là người giành được nhiều phiếu ủng hộ nhất của các nghị sĩ đảng Bảo thủ tại các vòng sơ loại.
Giới chuyên gia chính trị tại Anh nhận định, việc bà Liz Truss chiến thắng áp đảo ông Rishi Sunak xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Nguyên nhân đầu tiên Liz Truss đã thuyết phục được số đông các đảng viên đảng Bảo thủ, vốn đa số là thuộc tầng lớp trung lưu da trắng, nhiều người thuộc lứa tuổi trung niên, với hứa hẹn cắt giảm thuế cùng các quan điểm chính trị nặng tính truyền thống của đảng Bảo thủ, cả về đối nội và đối ngoại.
Nguyên nhân thứ hai, là bà Liz Truss đã thể hiện sự trung thành với ông Boris Johnson trong chuỗi bê bối chính trị vừa qua nên đã lôi kéo được rất đông đảng viên Bảo thủ vốn vẫn ủng hộ ông Boris Johnson, trong khi đối thủ của bà Liz Truss là ông Rishi Sunak lại mất điểm khi bị nhiều đảng viên đảng Bảo thủ đánh giá là một trong những người đứng sau đạo diễn vụ lật đổ ông Boris Johnson.
Với việc được bầu là lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ, bà Liz Truss sẽ chính thức thay ông Boris Johnson để đảm nhận cương vị Thủ tướng mới của Anh, gần 2 tháng sau khi ông Boris Johnson tuyên bố chấp nhận từ chức vì các bê bối cá nhân. Bà Liz Truss sẽ chính thức nhậm chức Thủ tướng Anh trong một buổi lễ được Nữ hoàng Anh chủ trì, tổ chức vào ngày mai, 6/9.
Đảm nhiệm cương vị người đứng đầu chính phủ Anh trong bối cảnh kinh tế vô cùng phức tạp, bà Liz Truss sẽ phải đối mặt với thách thức phải nhanh chóng hành động để xử lý tình trạng lạm phát lớn nhất với nước Anh trong 4 thập kỷ, khiến giá cả sinh hoạt và hoá đơn năng lượng gia tăng chóng mặt với các hộ gia đình Anh. Theo báo chí Anh, sau khi nhậm chức ngày 6/9, bà Liz Truss cùng nội các mới của Anh sẽ lập tức thảo luận và công bố chính sách năng lượng mới, trong đó trọng tâm có thể sẽ là việc chi hàng chục tỷ bảng để đóng băng hoá đơn tiền điện và khí đốt.
Trong bài diễn văn mừng chiến thắng trước các lãnh đạo và đảng viên đảng Bảo thủ, bà Liz Truss khẳng định sẽ ngay lập tức thực thi các chính sách ưu tiên về cắt giảm thuế và xử lý khủng hoảng năng lượng.
“Tôi sẽ thực thi cả hai kế hoạch về cắt giảm thuế và tăng trưởng kinh tế. Tôi sẽ thực thi các chính sách về năng lượng để giải quyết vấn đề hoá đơn tiền điện, khí đốt của các hộ gia đình cũng như vấn đề dài hạn mà nước Anh phải đối mặt về nguồn cung năng lượng. Tôi cũng sẽ thực thi việc cải tổ Dịch vụ y tế quốc gia. Và chúng ta sẽ cùng thực hiện một chiến thắng lớn cho đảng Bảo thủ vào năm 2024”, bà Liz Truss nói.
Ngoài vấn đề năng lượng, phát biểu sáng ngày 5/9, Bộ trưởng Kinh doanh Anh, ông Kwasi Kwarteng, một đồng minh chính trị thân cận của bà Liz Truss, cũng cho biết, nữ Thủ tướng mới của Anh sẽ không ngần ngại gia tăng chi tiêu của chính phủ, nâng tỷ lệ nợ công quốc gia nhằm ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thay vì tập trung vào việc tái phân phối của cải cho dân chúng.
Theo đội ngũ của bà Liz Truss, mặc dù nợ công của Anh đã vượt qua mức 100% GDP vào cuối năm 2021 nhưng so với các nước trong G7, tỷ lệ nợ công của Anh vẫn ở mức thấp thứ hai, chỉ sau Đức, nên nước Anh vẫn còn khả năng vay thêm để đầu tư phát triển.
Về mặt đối ngoại, nữ Thủ tướng mới của Anh cũng sẽ phải giải quyết các hồ sơ khó khăn, bao gồm việc duy trì sự ủng hộ đối với Ukraine trong xung đột Nga-Ukraine, đồng thời giải quyết các bất đồng ngày càng lớn với Liên minh châu Âu – EU xung quanh vấn đề Bắc Ai-len trong Thoả thuận Brexit./.
Theo VOV-Paris